“Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Bielinski). Trong hành trình ấy, thơ ca ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt của chủ thể; thơ cất lên tiếng nói để gợi khơi đồng cảm, hoặc cao cả hơn chính là chỗ dựa tinh thần cho con người tiếp tục mãnh liệt với cuộc sống, vượt lên tất cả những khúc sầu buồn, và rồi nghĩ về một ngày mai “dữ dội hóa lành yên”, “đắng cay thành dịu ngọt”. Ý niệm sâu sắc điều đó, nhà thơ trẻ Lữ Hồng trong tập thơ “Ô cửa vẫn sáng đèn” (NXB Hội Nhà văn, 5-2024) khiến độc giả thêm một lần nữa tin vào sức mạnh kỳ diệu của thi ca.
Nhà thơ Lữ Hồng sinh năm 1992 tại Pleiku, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quy Nhơn. Hiện tại chị là giáo viên văn và là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai. “Ô cửa vẫn sáng đèn” là tập thơ mới nhất của chị, sau bảy năm kể từ tập thơ đầu tay “Một mai thức dậy”.
Lần đầu cảm nhận thi tập, người đọc sẽ có những hình dung sống động về một ô cửa phố núi đêm khuya vẫn còn sáng rực ngọn đèn. Có thể, đó là những ngọn đèn sáng trong nỗi cô đơn nhưng ánh sáng của chúng lại mang đến cho người thơ những soi tỏa đặc biệt. Nhân vật trữ tình bước ra từ những câu thơ với giọng điệu nhẹ nhàng, thủ thỉ với dáng vẻ mỏng manh nhưng hết sức nhạy cảm với mọi thứ xung quanh: “Khi những đốt tay chẳng còn biết huơ vào đâu/ trăng đã ngủ mê trong ánh sáng già nua/ một ngày thành mây khói” (Đêm).
Cũng trong những không gian nghệ thuật đặc biệt đó, cõi lòng của nhà thơ cứ rót vào bình gốm ngôn ngữ thật đầy. Những câu thơ viết về cha mẹ, về tổ ấm gia đình của chị cứ thế chạm vào lòng người đọc một cách tự nhiên. Những ý nghĩ và xúc cảm xuất phát từ cái tôi cá nhân của chính chị nhưng cũng chính là lời tự bạch chung cho tất cả mọi người khi nghĩ về đấng sinh thành: “Mẹ là ngọn nến/ chờ con trong cơn giông/ chờ giữa mây ngàn biết mấy mùa đông/ cời than ấm mà bàn tay lạnh nhớ” (Mẹ và tháng Ba).
Giữa biết bao lạ quen, trầm thăng của cuộc đời, chủ thể thơ thao thức, vừa tìm cách để sống chung, vừa tìm cách để vươn lên, và rồi khi tìm được những nguồn sáng của cuộc đời, ý thức nguồn cội, tấm lòng thảo thơm lại hừng dậy: “Chạng vạng lòng cha/ tinh mơ tiếng Mẹ/ tôi cọ mình vào nương náu/ bốn vách nhà thưng ván những ngày xưa” (Tự khúc).
Trong nguồn thi cảm thao thiết với phố núi Pleiku, khác với các nhà thơ khác, chị có những cách thể hiện riêng. Núi trong chị là vẻ âm thầm im ắng sương rêu nhưng lại là nơi cho những tiếng gọi cất lên: “Núi vẫn núi âm thầm/ gọi ta vào những câu thơ mê sảng/ kể lể nỗi mình với bảng chữ lặng câm” (Đêm). Là những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Mùi nắng khô rám vào da núi” (Đá núi).
Là những cảm nhận hết sức nhẹ nhàng, đầy nữ tính, có những tươi mới, hy vọng, nhưng cũng chất chứa những âu lo và gợi ra những xa xót nhất định: “Phố núi mình xuân đón mưa rây/ như sương mờ mùa sông sót lại/ có một người con gái/ tà áo ngập ngừng ngóng nắng phía trời xa” (Phố núi của chúng mình). Đó còn là những cảm thức phố đầy khắc khoải: “Phố quanh đồi/ tảng sáng những vầng mây chì xám/ bầu trời không còn ngôi sao chiếu mệnh đêm qua/ ta gõ mấy dòng cho buổi sớm đầu tiên/ như cổ tích rã rời trong tưởng tượng/ không có gì là thật” (Phía trong thành phố).
Nỗi buồn từ bao đời luôn là lý do cất tiếng của thơ ca. Đọc “Ô cửa vẫn sáng đèn” người đọc sẽ cảm nhận được nỗi buồn xuyên suốt ấy. Đi qua những gió sương đời mình và chứng kiến thực tại đã cho Lữ Hồng những trải nghiệm sâu sắc, những sự nhạy cảm trước cuộc sống.
Bởi thế, những câu thơ đã mở ra bức chân dung đời sống trong thơ chị đầy nỗi buồn. Buồn trước những lụi tàn, rụng rơi của một buổi chiều, của những mối tình đã lỡ, của những kỷ niệm lang thang đồng bãi, của những loay hoay, xa vời: “Em buồn/ không có chuyến nào để ra đi/ cho băng ghế mùa thu trám vào nỗi nhớ/ tiếng cười nói đã rơi/ như hoàng hôn rơi/ khi chúng mình không còn gì để nhắc” (Nỗi nhớ mùa hè).
Buồn, nhưng đó là nỗi buồn đẹp đẽ, nỗi buồn nhẹ nhưng giăng mắc như mù sương, nỗi buồn không ủy mị mà vẫn không thôi làm sống bản thân bằng những trở trăn, buồn nhưng cũng thực cao cả: “Đừng chia nỗi buồn cho biển/ giá băng như thế đủ rồi” (Những lần trở lại).
Thơ cất lên trong những phút giây lặng im của tâm hồn, nhưng đó cũng là sự lặng im gợi ra những chuyển động. Nhà thơ Lữ Hồng đã khéo tạo ra trong thơ những sự vận động, để cho tiếng thơ đi ra từ cái tôi thi sĩ ấy mang nhiều sức đồng cảm sâu sắc. Ấy là cách chị viết hoa hai tiếng “Cha Mẹ”, khi mỗi lần thơ chị nhắc đến bậc sinh thành một cách đầy kính trọng và biết ơn. Những cảm xúc và suy tư của chị vì vậy như có thêm một đôi cánh đặc biệt để đến với người đọc và rồi tạo ra những tiếng nói tri âm. Ở một khía cạnh khác, những bài thơ viết về những mảnh đất mà chị từng đặt chân đến cũng thể hiện rõ điều đó. Với Huế chị có một “Ngồi tựa với bâng khuâng”: “Hoa gấm dòng Hương mặc gió cuốn đi/ lý Hành vân ngâm vào dâu bể/ quên phận người còn nằm nơi gác Trịnh/ nghe lá rụng bờ Nam”. Với cố đô Hoa Lư: “Chiều Phố cổ/ Hoa Lư vạn dấu giày…” (Chiều phố cổ)…
Có thể nói, với “Ô cửa vẫn sáng đèn” nhà thơ trẻ Lữ Hồng đã có một dấu ấn mới trên con đường thi ca của mình. Đó có thể chưa hẳn là một tiếng vang nhưng lại là một vọng âm dài trong lòng độc giả, trong những người biết chị và đồng cảm với những vần thơ của chị. Chợt nhớ đến những lời trần tình rất đẹp của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Khi bạn đang hát một bản tình ca tức là bạn đang hát về cuộc tình của mình, hãy hát lên đừng e ngại, dù cuộc tình đó có hạnh phúc hay dở dang thì đó cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”.
“Ô cửa vẫn sáng đèn” quả đã cất lên bản tình ca ấy của một nhà thơ trẻ nhiều nội lực sống và sáng tạo. Hẳn rằng, mỗi người độc giả tiếp nhận tập thơ sẽ thấu cảm được tiếng lòng nơi tình ca ấy, để rồi thêm trắc ẩn và trân quý cuộc đời.
TRẦN VIỆT HOÀNG