Thầy giáo tôi

.

Năm ấy, tôi chín tuổi, học lớp ba. Thầy dạy tôi học là thầy Nguyễn Như Hùng, đã ngoài 60 tuổi. Ngày đó, làm sao tôi biết có bao nhiêu bụi phấn đã rơi xuống trên cuộc đời dạy học gần 40 năm của thầy? Nhưng hằng ngày, nhìn dáng thầy chậm rãi đi - về trên con đường từ căn nhà nơi đầu thị xã đến tận ngôi trường ở cuối phố cổ, trong tâm hồn thơ trẻ của tôi lúc đó dường như hiện lên thoáng cảm nhận mơ hồ về một nỗi buồn không sao diễn tả được…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi thuộc vào số dăm đứa trẻ học hành “không đến nỗi nào” nên mỗi cuối tháng vẫn được thầy gọi đến nhà, giúp thầy cộng điểm - xếp hạng học tập trong lớp và làm vài ba việc lặt vặt khác. Ngoài công việc ở trường, cũng như nhiều người đã có tuổi, thầy tìm niềm vui trong việc chăm sóc hòn non bộ, mấy chậu cây cảnh trước sân và mảnh vườn nhỏ sau nhà. Cái tình của dăm đứa học trò chúng tôi đối với thầy không chỉ là tình thầy trò mà sâu đậm hơn, phảng phất như tình ông cháu.

Học xong năm lớp ba, lẽ ra không được học tiếp với thầy nữa; nhưng thầy đã xin phép thầy hiệu trưởng cho được tiếp tục giáo dục chúng tôi trong năm học lớp nhì (lớp bốn bây giờ). Chúng tôi rất mừng nhưng tất nhiên không hiểu được nguyên nhân sâu xa nào đã khiến thầy tỏ ra đặc biệt yêu thương cái lớp ba/A của chúng tôi đến thế.

Sau này lớn lên, dần dần chúng tôi mới hiểu ra rằng, có lẽ thầy muốn dành hết tình cảm và sức lực năm cuối cùng trong cuộc đời nhà giáo của mình cho một lớp học khá, ngoan và “có triển vọng”, theo như lời thầy từng nói. Thầy ơi, hầu như phần lớn chúng con đã “phụ” lòng kỳ vọng của thầy, vì giờ đây, sau gần 70 năm, nhớ lại những khuôn mặt trong cái lớp ba/A rồi nhì/A thời ấy, chẳng có mấy người “hiển đạt” theo quan niệm xưa mà thầy đã từng hy vọng. Nhưng, thầy vẫn có thể mỉm cười hài lòng về những gì thầy đã gieo ươm trong tâm hồn chúng con.

Bởi vì, trừ những người bạn đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh đã qua, trong số các bằng hữu cũ mà tôi còn nhớ được, dường như chẳng có mấy ai sống trái ngược với những điều thầy từng bảo ban dạy dỗ; dù những học trò của thầy ngày ấy, hôm nay, có người làm thợ hồ, làm nghề hớt tóc, nghề bán cơm bán cháo qua ngày với bao nỗi cơ cực trong eo sèo cuộc mưu sinh nhọc nhằn nheo nhóc…

Trong suốt hai năm học ấy, có một lần tôi bị thầy phạt nặng: bắt quỳ suốt hai giờ đồng hồ và cho 10 điểm xấu. Thầy thương yêu học trò nhưng không kém phần nghiêm khắc. Quyển học bạ cũ tôi còn cất giữ được đến nay vẫn y nguyên lời răn dạy của thầy, dù nét mực đã phai mờ theo năm tháng: “Học giỏi nhưng tính hung hãn, hay đánh lộn dọc đường”.

Càng lớn lên, tôi càng thấm sâu ý nghĩa lời dạy của thầy, là không được sống hung bạo trước cuộc đời, không được xúc phạm đến con người dù dưới bất kỳ hình thức nào. Dường như có lúc tôi cũng đã suýt “mặc áo giấy” mà đi theo ma quỷ nhưng cuối cùng, may thay, nhớ lời dạy của thầy tôi đã từ bỏ được lối suy nghĩ ấy.

Vườn hoa nhỏ nơi nhà thầy không còn tươi sắc: năm ấy, thầy đã già lắm, không còn đủ sức chăm sóc mảnh vườn yêu. Lần cuối cùng về thăm thầy sau nhiều năm đi xa mái trường tuổi nhỏ, tôi không biết nói gì nhiều, dù lúc đó đã lớn. Buổi sáng êm. Nghe rõ tiếng mấy con ong vù cánh hút mật nơi giàn mướp đầu hiên nhà. Nắng phản chiếu từ mặt nước hòn non bộ, thấp thoáng trên gương mặt thầy đôi vệt sáng nhạt mờ. Có hình ông tiên chống gậy trúc ven bờ đá xanh rêu. Tôi bỗng thấy như mình lại trở thành đứa bé năm xưa đang nhìn theo người thầy cũ, sau những năm tháng dài đã làm bao nhiêu điều thiện giữa thế gian, giờ đây chống gậy thanh thản đi vào chốn non cao huyền hoặc vĩnh cửu…

Thầy tôi đã ra đi êm ái, nhẹ nhàng. Như những con người bình thường. Sau khi đã làm xong công việc lớn lao là vun xới cho những chồi non lớn lên trong rừng cây đời thắm xanh sắc lá.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

;
;
.
.
.
.
.