Thượng tôn pháp luật vì hòa bình

.

Nhận được câu hỏi từ con: “Hòa bình nghĩa là không có chiến tranh phải không mẹ”, tôi mỉm cười: “Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh, mà hòa bình còn là khi các quốc gia và tất cả mọi người đều được tôn trọng, được đối xử công bằng và được bảo vệ”. Ngẫm suy từ câu chuyện trao đổi cùng con, tôi nhận ra, hòa bình chỉ thực sự tồn tại khi tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao và coi trọng, khi các nước đều tuân thủ các quy ước, công ước quốc tế và khi tất cả người dân trong một quốc gia luôn tôn trọng và tuân thủ pháp luật.

Có lẽ chỉ những người đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh đầy bom đạn mới thực sự cảm nhận được tầm quan trọng của hai chữ “hòa bình” đối với sự sống của con người. Hòa bình hiện tại đã được đánh đổi bằng rất nhiều sinh mạng của các thế hệ đi trước. Chính vì vậy, bảo vệ nền hòa bình vô cùng quý giá không những là nhu cầu, mà đó còn là trách nhiệm của các thế hệ tiếp bước. Để làm được điều này, hệ thống pháp luật tại mỗi nước đã được hình thành, giúp điều chỉnh hành vi, quan hệ trong xã hội.

Trước hết, pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội. Khi mọi người trong xã hội có ý thức về pháp luật, họ sẽ hiểu rõ quy định và trách nhiệm của mình, từ đó giảm thiểu thấp nhất những xung đột và tạo ra một môi trường sống hòa bình. Việc tuân thủ pháp luật giúp ngăn chặn tội phạm, bảo vệ quyền lợi của cá nhân và tạo nền tảng cho công bằng xã hội. Thử tưởng tượng, nếu một ngày không có sự tồn tại của các quy định pháp luật trong đời sống kinh tế - xã hội, con người sẽ phải đối diện với biết bao nguy hiểm, rủi ro hằng ngày đến từ giao thông, từ các mối quan hệ xung đột giữa người với người mà không có bất cứ ràng buộc pháp lý nào. Hay rộng hơn, khi không còn những công ước, điều ước quốc tế, chiến tranh giữa các quốc gia sẽ là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, để pháp luật thực sự phát huy vai trò nền tảng của mình thì sự nhận thức và tuân thủ từ cộng đồng là yếu tố tiên quyết. Bản chất pháp luật của Nhà nước ta là phản ánh ý chí, nguyện vọng, mong muốn của đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội, nhưng những quy định đó dù có tốt đẹp bao nhiêu chăng nữa mà không được nhân dân biết đến, đồng tình và đồng lòng thực hiện thì vẫn chỉ là những trang giấy “ngủ yên”.

Do đó, phải triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản, chính sách mới ban hành; tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp kịp thời các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật. Trong công tác xây dựng pháp luật, cần tăng cường hơn nữa quyền tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân vào các dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật, từ đó nâng cao hơn ý thức chấp hành pháp luật và khả năng tiến hành các hành vi pháp lý đúng đắn, chính xác trong nhân dân.

Có thể nói, phần lớn người dân thường cho rằng “pháp luật” là những mệnh lệnh cần phải tuân thủ, là hình phạt, là trừng trị… hay cho rằng, pháp luật chỉ là để giải quyết các tranh chấp. Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi lợi ích bị xâm hại, khi có kiện cáo, tranh chấp, bị phạt, bị cưỡng chế… Thật ra, pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp mà còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, vì sự phát triển và bảo đảm trật tự ổn định.

Nói đến hệ thống luật pháp và việc tuân thủ pháp luật, không thể không nhắc tới bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946 và tư tưởng thượng tôn pháp luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1919, khi sống và làm việc tại Pháp, Người đã đại diện cho nhóm người Việt Nam yêu nước gửi tới Hội nghị Versaille bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, trong đó có nội dung: “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”. Điều đó cho thấy, Bác đặc biệt coi trọng việc quản lý xã hội bằng pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật trong xây dựng và phát triển đất nước.

Và ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thông qua, mang nhiều giá trị về mặt lập pháp, chứa đựng tư tưởng lập hiến tiến bộ vẫn được lưu giữ và tiếp nối trong các bản Hiến pháp những năm sau (1959, 1980, 1992 và 2013). Từ đó, những quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ngày càng được pháp luật bảo vệ, từ bầu trời tự do, từ không gian khoáng đãng, yên bình ở mọi vùng miền đất nước đều là kết quả đáng ghi nhận của công tác xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Rõ ràng, khi được sống trong hòa bình, mỗi cá nhân sẽ có cuộc sống hạnh phúc yên ổn, từ đó mới có thể kết thành một cộng đồng ổn định và phát triển bền vững. Muốn vậy, ý thức thượng tôn pháp luật không chỉ dừng lại ở sự lựa chọn của mỗi cá nhân, mà cần phải trở thành một cam kết sống của từng người, từng vùng lãnh thổ, từng đất nước để bảo đảm cùng chung tay vì nền hòa bình của thế giới.

HUYỀN MY

;
;
.
.
.
.
.