Tại làng Mỹ Xuyên Đông thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), hiện có một con voi đá với nhiều chuyện khá ly kỳ, được người dân xem là “bảo vật của làng” và tôn là phúc thần “ông Tượng”. Mấy trăm năm trước, không biết “ông” ở đâu mà lại tìm đến trú ngụ tại vùng đất phù sa, nơi không hề có dấu tích đền tháp Chăm này.
Mặc dù người dân rất cung kính thờ phụng ông, nhưng kẻ trộm từng “khênh” ông đi bán, may nhờ ông linh ứng nên làng còn cứu kịp và gìn giữ, thờ cúng cho đến ngày nay...
Voi đá Mỹ An. Ảnh: Tư liệu |
Kỳ bí về một “ông Tượng”!
Từ đồn thổi trong dân gian về một “ông Tượng” kỳ bí, chúng tôi tìm đến xóm Mỹ An thuộc làng Mỹ Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước để diện kiến một tượng voi đá có hàng ngàn năm tuổi, được thờ trong một ngôi miếu đơn sơ của làng. Đó là một con voi đá đặc trưng phong cách Champa, thường được trang trí trên những cụm tháp Champa tại Quảng Nam.
Trước mắt chúng tôi, trong một ngôi miếu nhỏ vừa mới xây lại ít lâu, là một chú voi đá rất sống động: Voi được tạc tả thực trong tư thế sắp ngồi, mặt nhìn về phía bên phải, đầu to tròn, trán nở, mắt nhỏ dài, chiếc vòi hơi thỏng xuống, cuộn lại. Tượng voi cao 55cm, vai rộng 40cm, từ đuôi đến chót tai trái 60cm, bên hông trái có một cái chốt vồ để chôn vào nơi thờ tự xưa, giúp định vị tượng voi trên tường. Ngôi miếu này thờ thần hoàng, bổn xứ và ghi tên hàng chục liệt sĩ từng hy sinh tại ngôi miếu này trong chiến tranh, “ông Tượng” được đặt trang trọng giữa miếu, trước các bàn hương án. Sau khi thắp hương, chúng tôi lân la tìm hiểu về sự bí ẩn của “ông Tượng” này.
Nhà nghiên cứu địa phương Trần Văn Hảo, là người dân làng Mỹ Xuyên Đông cho biết: “Trước kia, Ông Tượng này được thờ tại ngôi miếu ở xóm Trên, sau năm 1975, dân làng mới dời về miếu xóm Mỹ An.
Điều lạ là, làng Mỹ Xuyên Đông không hề có dấu vết tháp Chăm nhưng không biết “ông” ở đâu lại trôi dạt về đây! Bởi Mỹ Xuyên Đông cách thành Trà Kiệu gần 7km, nếu “ông” là một trong những vị được gắn lên các tháp Chăm tại thành Sư Tử thì hà cớ gì ông lại lưu lạc về đây? Tôi so sánh với các tượng voi đá do người Pháp khai quật tại Trà Kiệu năm 1927 thì thấy ông cũng có nét tương đồng, nhưng bà con trong làng nói “ông” đã ngự tại đây từ mấy trăm năm trước!”.
Chúng tôi hỏi chuyện cụ Văn Thị Kế, nhà đối diện miếu xóm Mỹ An (năm nay 87 tuổi), cụ cho biết: “Tôi sinh ra đã có “ông Tượng” tại đây rồi! Trước kia, ông được thờ ở Miếu Xóm gần vườn ông Tư Mật (cách chỗ hiện nay 300m, nơi có một cây sanh rất sum suê). Khoảng năm 1968 hay 1969, lính Đại Hàn cày ủi sụp miếu xóm, nên “ông Tượng” bị cày đổ, nằm dưới đất. Sau năm 1975, dân xóm mới dời ông về thờ tại đây!”.
Nói về sự “linh thiêng” của ông, cụ Kế kể thêm rằng: “Cách đây khoảng 20 năm, kẻ trộm cổ vật bứng ông ra khỏi bệ, bỏ lên xe máy, chở ra đường cách chỗ thờ 100m thì bất thần ông rơi bịch xuống đất, bọn trộm không thể bê lên xe được nên phải bỏ lại. Tượng rơi xuống làm cho chân trước bên phải và chân sau bên phải của ông bị bể mất 2 bàn chân! Sau vụ đó, bà con mới rước ông về miếu, xây cái đế để thờ như hiện nay.
Voi đá miếu Mỹ An - một bảo vật cần bảo tồn
Qua tìm hiểu của chúng tôi và đối chiếu với kết quả khai quật của người Pháp cũng như tham vấn các chuyên gia thì được biết “ông Tượng” xóm Mỹ An là một cổ vật quý hiếm. Voi là con vật gần gũi trong cuộc sống đời thường cũng như trong đời sống tâm linh của người Champa, là linh vật thể hiện khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc, mang giá trị nghệ thuật cao, được trang trí ở các công trình kiến trúc đền tháp. Theo truyền thuyết, voi là vật cưỡi của thần Indra (Thần Sấm Sét) và cũng là con vật tượng trưng cho nữ thần phú quý Laksmi.
Qua tìm hiểu của chúng tôi từ bản báo cáo của ông Claeys, nhân viên Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, vào tháng 6-1927 (báo cáo đợt 1 khai quật thành Trà Kiệu), của Trường Viễn Đông Bác cổ tập 27 (XXVII) thì người Pháp đã khai quật kinh đô Trà Kiệu trong 9 tháng và phát hiện nhiều tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch từ các ngôi đền thuộc các vương triều Champa từ thế kỷ VII-VIII. Đợt khai quật đó phát lộ 4 tượng voi, được đưa về trưng bày, hiện vẫn còn tại: Bảo tàng Khải Định (tức Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ngày nay) và Bảo tàng Guimet (Cộng hòa Pháp). Kích thước các tượng voi ở các bảo tàng nêu trên cũng tương đương về kích thước, hình dáng giống như bức tượng voi ở xóm Mỹ An của làng Mỹ Xuyên Đông.
Hiện nay, tại Việt Nam hình tượng voi đá với kích cỡ và tạo hình như “ông Tượng” Mỹ An còn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (với 3 bức tượng voi có nguồn gốc từ kinh thành Trà Kiệu): Bức thứ nhất, ký hiệu: LSb 21189, cao 57cm, dài 54cm. Tượng voi tả thực với tư thế đang bước đi, một chân nhấc lên, đầu hướng về phía trước, vòi cuộn tròn.
Bức tượng voi thứ hai mang ký hiệu: LSb 21197, có hình khối hiện thực và sống động, voi ở tư thế đang bước đi, một chân nhấc lên, đầu đội mũ miện và quay đầu về bên phải, tai xòe rộng. Bức tượng thứ ba ký hiệu: LSb 21200 cao 48cm, dài 53cm. Tượng voi được mô tả hiện thực với tư thế đang bước đi, một chân nhấc lên, đầu hướng về phía trước, vòi cuộn tròn, đây cũng chính là tạo hình của voi đá Mỹ An!
Sau khi xem xét hình voi đá Mỹ An, nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng cho chúng tôi biết: “Với tạo hình nghệ thuật này, voi đá Mỹ An có niên đại khoảng thế kỷ XI, có thể đây là vật trang trí xung quanh chân tháp Chăm tại Trà Kiệu. Con voi này từng bị mất cắp, cho thấy kẻ trộm thấy được giá trị nghệ thuật đặc biệt của nó, vì vậy các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm để bảo vệ hiện vật quý giá này!”.
Thiết nghĩ, ngành bảo tồn tỉnh Quảng Nam và người dân địa phương cần sớm quan tâm, gìn giữ, bảo vệ vị phúc thần “ông Tượng” độc đáo này. Bởi, hiện “ông” đứng chơ vơ một mình, nơi mà kẻ trộm rất dễ “cuỗm ông đi” một lần nữa!
ANH RÔ - NGUYÊN HOÀNG