Giữa dòng xe hối hả, một hình ảnh quen thuộc lần nữa khiến tôi bối rối: đứa trẻ ngồi trên yên xe, mắt dán chặt vào màn hình điện thoại. Ánh sáng xanh hắt lên gương mặt non nớt đang say sưa, tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới xung quanh: không khí phố phường, những cuộc trò chuyện, thậm chí cả khoảnh khắc gia đình gần gũi nhất. Thoạt nhìn, câu chuyện này có vẻ như lát cắt nhỏ của đời sống hiện đại nhưng lại là lời cảnh báo âm thầm về cách công nghệ đang định hình tâm trí trẻ em.
Nhiều bậc cha mẹ viện cớ rằng họ cho con sử dụng thiết bị điện tử thông minh vì bận xử lý công việc, hay mong muốn con yên tĩnh, không quấy phá. Những lý do ấy, dù hợp lý hay không vẫn có thể du di chấp nhận khi ở nhà, trong một không gian kiểm soát được. Nhưng ngay cả trên đường đi, giữa dòng xe cộ chen chúc, đứa trẻ vẫn được tùy nghi sử dụng điện thoại thì cần phải suy ngẫm sâu hơn về việc điều này đang định hình tâm trí của trẻ ra sao?
Cảnh tượng ấy, tuy quen thuộc đến mức bình thường hóa, lại khiến tôi bận lòng sâu sắc khi nhớ đến cụm từ vừa được Từ điển Oxford chọn làm từ của năm 2024: “suy thoái não” (brain rot) - sự suy giảm trí tuệ và sức khỏe tinh thần do tiêu thụ quá mức những nội dung vô bổ, độc hại trên môi trường số. Khái niệm này không chỉ là một hiện tượng mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về cách chúng ta, đặc biệt là trẻ em, đang bị cuốn vào cơn lốc của thông tin bề nổi và rác thải số.
Đối với trẻ nhỏ, “suy thoái não” không phải là vấn đề của tương lai mà là nguy cơ hiện hữu. Trẻ em ngày nay được sinh ra và lớn lên giữa màn hình, không gian ảo đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhưng điều gì xảy ra khi thế giới ấy không được quản lý đúng cách? Những video ngắn kéo dài vài giây, những nội dung màu mè nhưng rỗng tuếch, những trào lưu gây cười vô thưởng vô phạt - tất cả tạo nên một dòng chảy thông tin liên tục, không để tâm trí có cơ hội ngơi nghỉ. Công nghệ số không chỉ đơn thuần “đánh cắp” thời gian mà còn lấn chiếm vùng đất tưởng tượng, nơi tư duy sáng tạo và cảm nhận sâu sắc đáng lẽ được gieo mầm. Trẻ em không chỉ mất đi niềm vui khám phá mà còn đánh đổi cả tiềm năng phát triển trí tuệ.
Nguy hiểm hơn, trong không gian số, ranh giới giữa thông tin lành mạnh và nội dung độc hại rất mong manh. Chỉ một cú nhấp chuột, trẻ em có thể tiếp cận những hình ảnh, video không phù hợp lứa tuổi, từ bạo lực, ngôn từ kích động đến những ý tưởng lệch lạc về giá trị cuộc sống. Thời gian qua, nhiều trẻ đã bị cuốn vào các trào lưu như: uống nước ngọt siêu to khổng lồ, dội nước đá lên người, “bắt pen”… Mặc dù chuyên gia y tế đã cảnh báo về những hệ quả sức khoẻ nghiêm trọng cũng như tiềm ẩn nguy cơ tử vong nhưng nhiều bạn trẻ thiếu nhận thức hay bởi áp lực muốn nổi bật vẫn bất chấp làm theo. Đây không còn là nguy cơ tiềm tàng mà là thực tế nhiều phụ huynh đã phải đối mặt. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận và kiểm soát, không ít người lớn vẫn tiếp tục phó mặc con trẻ cho thiết bị thông minh như một giải pháp tạm thời để có được sự yên tĩnh.
Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để phá vỡ vòng xoáy này? Trong kỷ nguyên số, việc bảo vệ trẻ em khỏi những tác động tiêu cực của công nghệ đang trở thành cuộc chiến toàn cầu. Các quốc gia đang dần nhận thức được mức độ nguy hiểm mà không gian ảo có thể gây ra cho thế hệ trẻ, và những giải pháp can thiệp mạnh mẽ đã bắt đầu được triển khai.
Úc vừa qua đã cho thế giới thấy một bước đi cực kỳ quyết liệt khi thông qua quy định cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Đây không chỉ là một văn bản pháp lý đơn thuần mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc bảo vệ trẻ em. Theo đó, các doanh nghiệp phải xây dựng các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn người dùng chưa đủ tuổi truy cập các dịch vụ truyền thông xã hội. Mức phạt cho những công ty không tuân thủ lên tới gần 50 triệu đô-la Úc, một con số đủ lớn để buộc các ông lớn công nghệ phải nghiêm túc.
Tại Việt Nam, hướng tiếp cận có phần khác biệt nhưng không kém phần quyết liệt. Quy định quản lý trò chơi điện tử mới ban hành đã đặt ra những giới hạn cụ thể về thời gian sử dụng cho người dưới 18 tuổi. Mỗi tài khoản chỉ được phép chơi một game 60 phút mỗi ngày, với tổng thời gian sử dụng không vượt quá 180 phút. Đây là nỗ lực nhằm kiểm soát việc nghiện game và bảo vệ sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Tuy nhiên, những quy định pháp lý chỉ là một phần trong giải pháp toàn diện. Vai trò của gia đình, nhà trường và toàn xã hội là vô cùng quan trọng. Phụ huynh đóng vai trò quan trọng nhất trong việc định hình thói quen tiêu thụ nội dung của trẻ em. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cấm đoán tuyệt đối - một cách tiếp cận dễ phản tác dụng. Thay vào đó, phụ huynh cần đồng hành, định hướng và chọn lọc nội dung phù hợp. Trẻ em cần được dạy cách phân biệt nội dung giá trị và vô nghĩa, học cách kiểm soát thời gian sử dụng màn hình và biết rằng thế giới thật ngoài kia vẫn là nơi chứa đựng những điều kỳ diệu nhất.
Ngoài ra, xã hội cũng cần chung tay giảm thiểu tác động của “brain rot”. Các nền tảng mạng xã hội cần có trách nhiệm hơn trong việc kiểm duyệt nội dung, đặc biệt với những đối tượng người dùng trẻ tuổi. Chính phủ và các tổ chức giáo dục nên xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, giúp trẻ em và gia đình hiểu rõ về rủi ro của việc sử dụng công nghệ không kiểm soát. Sự chung tay của toàn xã hội là chìa khóa. Chỉ khi gia đình, nhà trường, các tổ chức giáo dục và cộng đồng cùng hợp lực, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường số an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Quay trở lại ánh mắt mê mải của đứa trẻ giữa dòng xe tối đó, tôi chợt nghĩ: liệu trong tâm trí non nớt ấy, hình ảnh trên màn hình có thực sự đẹp đẽ và ý nghĩa hơn khoảnh khắc đời thường xung quanh? Trong thế giới hiện đại, công nghệ là công cụ hữu ích, nhưng nếu không cẩn trọng, nó có thể trở thành cái bẫy ngọt ngào nhấn chìm cả một thế hệ. Trẻ em, hơn ai hết, cần được bảo vệ khỏi cái bẫy ấy - để tâm hồn và trí tuệ được phát triển trọn vẹn. Và mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ thế hệ tương lai khỏi những nguy cơ từ thế giới số!
HÀM CHÂU