Công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của thành phố trong thời gian qua có nhiều điểm sáng qua sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ các cấp chính quyền thành phố, phối hợp triển khai đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương; chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của cộng đồng ngư dân, chủ tàu, thuyền chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về IUU. Tất cả thể hiện vai trò, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng trong công tác chống khai thác IUU, chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân trong công tác chống khai thác IUU. Ảnh: V.H |
Đà Nẵng cuối tuần có cuộc phỏng vấn ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố để làm rõ hơn vấn đề này cũng như việc khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU trong thời gian tới.
* Đà Nẵng được Trung ương xác định là một trong năm trung tâm nghề cá lớn của cả nước, vậy việc chống khai thác IUU có vai trò như thế nào trong phát triển bền vững ngành thủy sản thành phố?
- Chúng ta phải khẳng định rằng, công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản không chỉ của Đà Nẵng mà còn cả Việt Nam. Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế, đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển. Để hiện thực hóa điều đó, gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC là một trong những điều kiện cần ưu tiên hàng đầu.
Đã 7 năm kể từ khi EC chính thức rút “thẻ vàng” đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản vì vi phạm các nguyên tắc IUU, chúng ta vẫn chưa thể tháo gỡ và cải thiện các khuyến nghị sau 4 lần kiểm tra. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Điểm sáng nổi bật trong công tác chống IUU của Đà Nẵng cần nhắc đến là đến nay trên địa bàn thành phố không có các trường hợp vi phạm nghiêm trọng khai thác IUU (không có tàu cá của thành phố vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; gửi, vận chuyển thiết bị VMS; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài). Hay việc quyết liệt, nhanh chóng xử lý các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố; 100% tàu cá xuất, nhập cảng khai báo, giám sát thông qua hệ thống eCDT VN; sự phối hợp tích cực của các đơn vị, địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền, theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá…
Song, tôi cho rằng, để có những thay đổi tích cực trên, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của chủ tàu, thuyền trưởng đóng vai trò rất quan trọng. Bởi những quyết định của họ khi khai thác trên biển mới là yếu tố dẫn đến việc có vi phạm IUU hay không. Hơn ai hết, mỗi ngư dân cần phải hiểu và tuân thủ nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, tuyệt đối không vì cái lợi trước mắt mà vi phạm vùng biển nước ngoài. Cùng với ý thức đó, những chính sách hỗ trợ, phát triển của thành phố sẽ là bệ phóng giúp ngư dân khai thác, đánh bắt và sản xuất hiệu quả hơn, hướng đến nghề cá có trách nhiệm và bền vững.
* Theo ông, công tác chống khai thác IUU của Đà Nẵng đã thực sự quyết liệt chưa?
- Chính quyền thành phố cùng các đơn vị liên quan đã rất nỗ lực, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác chống khai thác IUU. Thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố, HĐND thành phố đã tập trung triển khai, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương, trong đó, phân công rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng liên quan.
Cùng với đó là tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện; tổ chức kiểm tra thực tế, bố trí nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ động thực hiện các nhiệm vụ đúng quy định, thời hạn được giao. Các trường hợp vi phạm khai thác IUU được yêu cầu xử lý quyết liệt để răn đe. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích trước mắt quên lợi ích lâu dài, vì lợi ích cá nhân quên lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của cả nước. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU…
Không chỉ vậy, thành phố còn triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Tôi cho rằng, nhờ công tác chống khai thác IUU, ngành thủy sản Đà Nẵng đã có sự thay đổi tích cực rõ nét.
Trước mỗi đợt kiểm tra của EC, từ Trung ương đến địa phương đều xác định đây là cơ hội vàng để gỡ “thẻ vàng” thủy sản, nhưng lần nào cũng lỡ hẹn vì vẫn còn hạn chế. Vậy khi nào ngành thủy sản mới có lại được “thẻ xanh” IUU? Câu trả lời phụ thuộc vào kết quả quyết tâm, đồng lòng và chung sức của các bên, nỗ lực của ngành chức năng và nhận thức từ ngư dân, thuyền trưởng, những người trực tiếp khai thác hải sản trên biển. |
* Ông trao đổi thêm về vấn đề phối hợp với các địa phương khác trong việc quản lý tàu cá, chống khai thác IUU?
- Như tôi đã chia sẻ, công tác chống khai thác IUU để gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC cần sự chung tay, chung sức và đồng lòng của cả Chính phủ và ngư dân Việt Nam. Chỉ cần một đơn vị, địa phương nào không làm quyết liệt, khi đoàn EC kiểm tra phát hiện thì dù những địa phương khác làm quyết liệt cũng bằng không. Trước mỗi đợt kiểm tra của EC, từ Trung ương đến địa phương đều xác định đây là cơ hội vàng để gỡ “thẻ vàng” thủy sản, nhưng lần nào cũng lỡ hẹn vì vẫn còn hạn chế. Vậy khi nào ngành thủy sản mới có lại được “thẻ xanh” IUU? Câu trả lời phụ thuộc vào kết quả quyết tâm, đồng lòng và chung sức của các bên, nỗ lực của ngành chức năng và nhận thức từ ngư dân, thuyền trưởng, những người trực tiếp khai thác hải sản trên biển.
Đà Nẵng cùng với 10 tỉnh/thành phố ven biển khác đã triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong việc chia sẻ thông tin về quản lý hoạt động tàu cá như định kỳ lập và gửi danh sách tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU, tàu cá đăng ký tại địa phương đã mua bán, chuyển nhượng sang tỉnh khác; thông tin tàu cá hoạt động tỉnh ngoài mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển, kết quả xử lý vi phạm hành chính đối với tàu cá địa phương khác; xử lý các vụ việc có liên quan đến tàu cá vi phạm khai thác thủy sản IUU của địa phương… Khi có chủ trương quán triệt thì tất cả các địa phương phải quyết tâm, cương quyết như nhau, không để xảy ra tình trạng tàu cá không vào được địa phương này sẽ sang địa phương khác hoạt động.
Tôi cho rằng, các địa phương miền Trung cần tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động; ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình đi khai thác khi chưa có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá, không để xảy ra các vụ việc vi phạm hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Trong lần kiểm tra của EC sắp tới, dù có gỡ được “thẻ vàng” IUU hay không, các chủ tàu và ngư dân cần luôn nâng cao nhận thức thực hiện đúng các quy định trong khai thác, đánh bắt hải sản, không phải chỉ vì lợi ích quốc gia, địa phương, mà trước hết là vì lợi ích của bản thân và sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
VĂN HOÀNG