CHUYỆN TÀU THUYỀN

Gỡ rào cản cho tàu cá "3 không"

.

Ngư dân Đà Nẵng vui mừng khi hàng trăm tàu cá “3 không” vừa được chính quyền địa phương hỗ trợ hoàn tất thủ tục, hồ sơ pháp lý để yên tâm vươn khơi bám biển.

Ngư dân Đà Nẵng được tuyên truyền về lợi ích của việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá có chiều dài 6-12m. Ảnh: T.Y
Ngư dân Đà Nẵng được tuyên truyền về lợi ích của việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá có chiều dài 6-12m. Ảnh: T.Y

Yên tâm ra khơi

Thời gian này, ngư dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu lại chộn rộn cho những chuyến biển cuối năm. Không khí ở bãi biển nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tiếng động cơ nổ máy xen lẫn tiếng cười nói rôm rả của những người đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Trên các con tàu, người lo sắp xếp ngư cụ, người cẩn thận kiểm tra lưới, trong khi người khác bận rộn chằng buộc hàng hóa và nhu yếu phẩm cần thiết.
Ngư dân Nguyễn Xuân Ánh, sinh sống tại tổ 34 cho biết tàu cá “3 không” của ông vừa được chính quyền địa phương cấp đăng kiểm, đăng ký và giấy phép hoạt động.

Hôm cầm trên tay số hiệu ĐNa-11112-TS được cấp, ông Ánh không giấu nổi niềm vui. Ông bảo, nhiều năm nay do vướng thủ tục, không đăng ký được hồ sơ nên tàu cá hoạt động cầm chừng, thậm chí không thể ra khơi. Do đó, khi thành phố có chủ trương hỗ trợ đăng ký tàu cá chiều dài từ 6-12m, ông chủ động phối hợp cung cấp thông tin, hình ảnh và các thông số kỹ thuật của tàu. “Giờ tàu có giấy tờ hợp pháp, tôi vừa yên tâm ra khơi, vừa không lo bị xử phạt hay gặp khó khăn khi ra, vào cảng”, ông Ánh nói.

Nhờ sự hướng dẫn tận tình từ chính quyền địa phương, khoảng 40 tàu cá “3 không” trên địa bàn quận Liên Chiểu đã được cấp hồ sơ khai thác, đánh bắt cá. Sau khi được cấp số hiệu ĐNa-11121-TS, ngư dân Nguyễn Hoa, tổ 37, phường Hòa Hiệp Bắc mạnh dạn đầu tư nâng cấp tàu, mua thêm ngư cụ để chuẩn bị cho những chuyến biển dài ngày. Cùng với đó, ông chủ động tham gia tổ đội khai thác trên biển để tăng cường hiệu quả đánh bắt. Ông Hoa chia sẻ trước đây, khi tàu chưa có giấy tờ hợp pháp, việc đánh bắt luôn tiềm ẩn rủi ro.

“Tôi từng lo lắng mỗi lần rời cảng, không chỉ sợ bị xử phạt mà còn lo khó bán được hải sản giá tốt bởi không có giấy tờ hợp lệ. Nay với số hiệu ĐNa-11121-TS, mọi chuyện đã khác. Tàu tôi được công nhận hợp pháp, việc tiêu thụ hải sản cũng thuận lợi hơn nhiều", ông Hoa vui vẻ nói.

Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương không chỉ giúp tàu cá “3 không” giải quyết khó khăn về mặt pháp lý mà còn tạo tiền đề cho việc khai thác thủy sản ổn định hơn. Ông Nguyễn Tiến Định, cán bộ phụ trách thủy sản, Phòng Kinh tế quận Liên Chiểu cho biết, việc hỗ trợ tàu cá “3 không” đăng ký, đăng kiểm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm quyền lợi và an toàn cho ngư dân. Vì thế, địa phương thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tư vấn để ngư dân hiểu rõ các thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá.

Ngoài cấp giấy tờ hợp pháp, ngư dân còn được phổ biến các quy định về khai thác bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và được khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo ông Định, điều này không chỉ giúp bảo đảm tàu hoạt động đúng quy định mà còn tạo điều kiện để bà con tham gia các chính sách hỗ trợ như vay vốn ưu đãi hay nhận bảo hiểm tàu cá.

Từ giữa năm 2024, hàng trăm tàu cá “3 không” ở Đà Nẵng được chính quyền lập danh sách, kiểm định, cấp phép theo tinh thần hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Đặc biệt, tại quận Sơn Trà, tính tới thời điểm này đã hoàn thành cấp đăng ký cho 383 tàu cá “3 không”.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà chia sẻ, công tác hỗ trợ tàu cá "3 không" được địa phương thực hiện với quyết tâm cao, bởi đây là một phần quan trọng trong ổn định sinh kế cho ngư dân cũng như bảo đảm an ninh trên biển. "Chúng tôi phối hợp các phường ven biển tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giải thích rõ lợi ích của việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Từ đó, bà con hiểu rõ và tích cực tham gia", ông Hùng thông tin thêm.

Không dừng ở việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý

Việc cấp phép cho tàu cá “3 không” không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà đóng góp quan trọng vào công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU). Đây là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam từng bước gỡ “thẻ vàng” thủy sản theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC).

Theo ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay, việc phối hợp đồng bộ giữa bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã rà soát, xử lý 1.036 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động. Ngoài tiếp tục hỗ trợ đăng ký các thủ tục liên quan thì những trường hợp còn lại sẽ được hướng dẫn giải pháp thay thế.

Ông Khánh cho biết thêm: “Chúng tôi kiên quyết không cho tàu không hợp pháp ra khơi, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định khi đánh bắt trên biển. Đặc biệt, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là yêu cầu bắt buộc, vừa để bảo vệ ngư dân, vừa bảo đảm thực hiện tốt các quy định quốc tế”.

Có thể nói, hoạt động cấp giấy phép cho tàu cá “3 không” tại Đà Nẵng thời gian qua không dừng lại ở việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, mà khuyến khích ngư dân áp dụng các biện pháp khai thác bền vững. Nhiều tàu cá tại quận Sơn Trà, quận Thanh Khê sau khi cấp phép đã chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tuân thủ quy định vùng khai thác và tránh vi phạm luật biển quốc tế.

Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê Võ Kim Tú khẳng định sau hai đợt triển khai cấp phép cho 35 tàu cá có chiều dài 6-12m, đến nay quận Thanh Khê đã hoàn thành việc xóa bỏ tàu cá “3 không”. “Chúng tôi đặt mục tiêu không để ngư dân bị bỏ lại phía sau, bởi tàu cá hợp pháp không những giúp họ an tâm đánh bắt mà còn góp phần vào việc bảo vệ và quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững”, ông Tú nhấn mạnh.

Với quyết tâm không để phát sinh tàu cá “3 không” gây ảnh hưởng đến công tác chống khai thác IUU, UBND quận Sơn Trà yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát, cũng như phổ biến các quy định mới về khai thác thủy sản.

Ông Huỳnh Văn Hùng khẳng định, nhờ sự đồng lòng của chính quyền và ngư dân, địa phương đang từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý tàu cá, hướng đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài và tránh các vi phạm về khai thác. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện quyết tâm của ngư dân trong thác thủy hải sản, mà còn thể hiện quyết tâm vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Thời gian qua, bên cạnh hướng dẫn triển khai các thủ tục hồ sơ pháp lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền chính sách hỗ trợ khác như cung cấp nhiên liệu, hướng dẫn kỹ thuật bảo quản sản phẩm ngay trên tàu và xây dựng các tổ đội đoàn kết. Những tổ đội vừa giúp ngư dân hỗ trợ lẫn nhau trong đánh bắt, vừa giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có thể nói, với sự đồng hành từ chính quyền và sự nỗ lực của ngư dân, những tàu cá “3 không” ngày nào nay đã trở thành biểu tượng cho quyết tâm thay đổi, cũng như thắp sáng niềm tin về một cuộc sống đủ đầy, bền vững hơn cho người dân.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.