Để ngư dân thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm an toàn trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản, việc tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm liên quan hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Lực lượng chức năng thành phố phối hợp kiểm tra các phương tiện đánh bắt tại khu vực ven bờ và vùng lộng của thành phố. Ảnh: P.A |
Sát cánh cùng ngư dân
Vượt qua những con sóng lớn trong tiết trời se lạnh ngày cuối năm, cán bộ Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố), Đồn Biên phòng Sơn Trà, Đội Cảnh sát đường thủy (Công an thành phố Đà Nẵng) và lãnh đạo quận Sơn Trà vừa có chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hoạt động đánh bắt cá IUU tại khu vực ven bờ và vùng lộng của thành phố. Mỗi đợt tuần tra, đoàn lênh đênh trên biển nhiều giờ đồng hồ, công việc vất vả nhưng ai cũng vui bởi hiểu rằng mình đang góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho chính ngư dân.
Hơn 20 năm gắn bó nghề đi biển, ông Đinh Đức (SN 1968, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), một ngư dân lão luyện nắm rõ vùng biển nào có nhiều tôm, cá. Nói về kinh nghiệm, ông Đức bày tỏ, để biển luôn “giàu có”, việc khai thác hải sản phải đi đôi bảo vệ nguồn lợi lâu dài. Chính vì vậy, mỗi lần có đợt tuyên truyền các quy định liên quan đến khai thác thủy sản ông đều sắp xếp tham gia. “Chúng tôi phấn khởi và vui mừng với các hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng, bởi nếu không quản lý chặt chẽ, nguồn lợi thủy sản sẽ sớm cạn kiệt. Việc kiểm tra, xử lý khai thác IUU là cần thiết, bởi chỉ khi chúng ta làm đúng quy định, nguồn lợi mới được bảo vệ và nghề khai thác thủy sản sẽ phát triển bền vững”, ông Đức nói.
Với anh Nguyễn Phương Bình (SN 1975, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), chủ cặp tàu cá ĐNA 91095 và ĐNA 91282, nghề đi biển là nghề truyền thống của gia đình. Quản lý hơn 20 thuyền viên, trước mỗi chuyến ra khơi, anh Bình luôn dặn dò bạn thuyền phải bảo đảm an toàn lao động, thực hiện đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan chức năng. “Các tàu cá khai thác bất hợp pháp sẽ làm ảnh hưởng đến những người làm nghề chân chính. Khi có lực lượng chức năng vào cuộc tuần tra, kiểm soát, tôi cảm thấy an tâm, vững tin hơn. Đó là cách bảo vệ công bằng cho tất cả ngư dân, tránh tình trạng khai thác tràn lan gây suy giảm nguồn lợi thủy sản”, anh Bình nói.
Tăng cường công tác quản lý
Theo ông Nguyễn Thành Bách, Trưởng phòng Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản, mỗi chuyến tuần tra là một kỷ niệm khó quên. Thời điểm giữa năm sẽ là lúc biển “yên bình” nhất. Nhưng càng về cuối năm, khi các cơn bão biển, áp thấp nhiệt đới nối đuôi nhau kéo vào biển miền Trung. Lúc này, sóng to, gió lớn, thời tiết lạnh nên việc tuần tra, kiểm tra rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, lực lượng còn mỏng khiến công cuộc tuần tra, kiểm soát, quản lý của đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao độ, mỗi thành viên trong
chi cục để luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách.
Nói về kinh nghiệm của mình sau những đợt tuần tra, kiểm soát, theo ông Bách, điều quan trọng nhất là giúp ngư dân nắm được quy định liên quan đến IUU bằng cách nêu các vấn đề trọng tâm nhất, sao cho dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Năm nay, Chi cục phối hợp Bộ đội Biên phòng thành phố, UBND các quận Sơn Trà, quận Thanh Khê, Đội Cảnh sát đường thủy thực hiện 11 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác IUU, tuần tra, kiểm tra việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản trái phép tại khu vực vùng biển ven bờ, vùng lộng và vùng nước thủy nội địa thuộc địa bàn thành phố.
Thượng tá Trần Doãn Toản, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết, bên cạnh phối hợp Chi cục Thủy sản thành phố kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm; năm nay, đơn vị tổ chức 51 buổi/4.189 người nghe về Luật Biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam, phát 1.500 tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác bất hợp pháp IUU.
“Thông qua các buổi tuyên truyền, đơn vị mong muốn ngư dân nắm rõ những hệ lụy, hậu quả của việc vi phạm ảnh hưởng đến xuất khẩu hải sản ở nước ta. Từ đó, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng thực hiện tốt hơn nữa các quy định. Bên cạnh đó, đơn vị trao cờ Tổ quốc và bản đồ Việt Nam tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, tổ chức hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm chiến sĩ Biên Phòng” cho hơn 500 em học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh…, giúp ngư dân nắm vững các quy định pháp luật và tiếp thêm tình yêu biển, đảo quê hương cho các em học sinh”, Thượng tá Toản nhận định.
Là địa phương có số lượng tàu cá lớn và tiếp nhận nhiều tàu, thuyền từ các tỉnh miền Trung đến neo đậu, quận Sơn Trà ban hành nhiều văn bản quản lý và tổ chức các buổi tuyên truyền cho ngư dân. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận, để tăng cường công tác quản lý, UBND quận ban hành kế hoạch số 205/KH-UBND về tổ chức tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tàu cá, chống khai thác thủy sản IUU.
Trong đợt cao điểm từ đầu tháng Bảy đến nay, UBND quận thực hiện in và phát tờ rơi Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến IUU. Ngoài ra, quận tổ chức thực hiện 4 buổi tuyên truyền, phát tài liệu nội dung liên quan đến chống khai thác IUU cho hơn 300 lượt ngư dân; phối hợp Chi cục Thủy sản và UBND các phường tổ chức tuyên truyền cho ngư dân tàu khai thác vùng lộng và vùng khơi trên địa bàn, tăng cường tăng các nội dung liên quan đến chống khai thác IUU trên cổng thông tin điện tử quận và các trang mạng xã hội quận, phường. Qua đó, khẳng định quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản quốc gia.
NGUYỄN QUANG