Còn thương bếp lửa mùa đông

.

Tôi nhớ ngày còn bé, những ngày gió bắt đầu se sắt, lũ bạn chăn trâu ngoài đồng còn phong phanh chưa chịu mặc áo len, đứa nào cũng rét tím môi. Rét đến như đánh úp, mới buổi sáng trời còn hanh hảnh nắng cơ mà. Phải đốt một đống lửa, đúng rồi, mùa đông mà. Đứa kiếm củi, đứa cắt cỏ khô, đứa chạy đi mượn hộp diêm, lửa nhóm lên, khói cay xè mắt. “Khói về đằng kia ăn cơm với cá, khói về đằng này lấy đá đập đầu”, rồi lửa bùng lên, mùi cỏ cháy thơm nồng, nào huơ tay, nào chạy vòng tròn và bàn tính ngày mai sẽ đem theo thức gì trong nhà để lùi vào đống lửa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Rồi bắt đầu mưa phùn, gió bấc tốc những tàu lá chuối khô trong vườn, mẹ tôi cắt lá chuối, cẩn thận dọc theo tàu lá, xếp lại bán cho những người làm bánh. Gió hanh, đám rau muống, rau đay già khằn, cứng quèo, dân gian có câu: “rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng ăn”. Mẹ con tôi cuốc lật đất những đám rau ấy, kéo luống mới, đập tơi mịn rồi gieo xuống hạt giống cải cúc, cải ngồng, bắp cải, su hào. Cỏ ngoài đồng cũng bắt đầu lụi, nhà có cây rơm nhưng không dám rút vào bếp đun nữa, rơm ấy để dành nuôi trâu.

Chị em tôi đạp xe đi mua trấu, nhà trấu nằm sau nhà máy xát gạo, muốn mua được trấu phải giành nhau với đám trẻ trong làng, thóc xát còn chưa kịp xong, cái ống vải còn phun trấu mù mịt nhưng tôi đã lao vào, một tay giữ miệng bao, một tay ra sức vơ trấu dồn thật chặt. Ngày ấy có hẳn bếp nấu bằng trấu, lửa trấu không to nhưng âm ỉ, ít khói, nấu cám lợn, vần cơm, vần cá kho cho mau nhừ, trấu hun đuổi muỗi cho đàn lợn, trấu trải ngoài vườn, đàn gà có cái mà bươi, mà rúc cho đỡ lạnh.

Ngày nào ra đồng tôi cũng đem theo một sợi dây thừng và cái bao tải. Trời càng lạnh, rau rệu, rau dền cơm, rau tàu bay mọc trên những luống hành tỏi ngoài đồng càng tươi non. Tôi nhặt rau bỏ vào bao để đem về cho lợn, dây thừng dùng để bó củi móc hùm, củi tre khô kiếm được. Buổi chiều về, con trâu đi trước, tôi theo sau, vai vác rau lợn, tay kéo bó củi về nhà. Mùa đông có lẽ là những ngày người ta đi đâu cũng mong về nhà sớm nhất.

Đường đến trường thì xa, ngoài đồng nhiều gió, về đến nhà mười ngón tay đã buốt như kim châm, chạy ngay vào bếp, huơ tay bếp lửa, ngồi co ro xem mẹ nấu những món gì. Mùa hè sợ bếp bao nhiêu thì mùa đông không muốn ra khỏi bếp chừng đó. Tôi đan len trong bếp, học bài trong bếp, ngủ quên trên ổ rơm, có lần củi cháy ra ngoài bếp không kịp dụi, lửa bén vào đám củi ngô cháy tốc lên làm chín cả giàn hành tỏi treo gác bếp. Mùa đông mau đói, ăn gì cũng ngon, vừa nấu cơm, nấu cám vừa lùi ngô, khoai, sắn. Nấu xong bữa cơm thì mặt mũi đã nhọ nhem nhọ sỉ. Chút tàn lửa cuối cùng của củi của trấu tôi đặt vào nồi nước để ăn xong có nước ấm rửa bát cho đỡ lạnh tay.

Cũng trong gian bếp mùa đông, mẹ tôi bẻ ngô ngoài vườn đúng độ vừa bánh tẻ. Mẹ dậy từ gà gáy, khéo léo dùng dao tiện một đường cắt áo ngô, từng bắp ngô nếp trắng ngần, thơm hương sữa đặc. Bắp ngô luộc xong, tách lớp áo ngô ra, lớp áo xòe ra như chiếc váy. Mẹ xếp ngô vào chiếc thúng lưu chở đi chợ bán, chị em tôi thức dậy xuống bếp mở nồi ngô mẹ để phần, uống nước ngô luộc ngọt thỉu rồi đi học.

Gian bếp quanh năm ám bồ hóng, những mảng tường và sào tre trên gác bếp đã đen bóng lên. Sau này tôi đi học xa nhà, nhớ nhà, nhớ vườn, nhớ cánh đồng mùa gió bấc đất rắn đanh nhưng nhớ nhất là gian bếp ấm mẹ ngồi vần cám, luộc ngô. Nhớ chính mình bé bỏng lui cui rút rơm, khệ nệ bưng chậu cám, nhớ những ngày sau buổi chợ mẹ về dúi vào tay cái bánh khoai sọ con con, đôi tay đen nhẻm vội mở chiếc bánh thơm tho, vừa ăn vừa sợ hết. Nhớ những ngày giáp Tết mẹ trải chiếu cho tôi nằm canh bánh chưng, nhớ đêm trừ tịch mẹ tỉ mẩn dạy con nấu chè con ong, đồ xôi, nấu miến.

Sau này gia đình tôi chuyển đi xa, mỗi lần về quê tôi đều tìm về nhà cũ, tần ngần đứng ngoài đường trông về nơi từng là gian bếp ngày xưa. Ánh lửa mùa đông, mùi trấu mùi tro cứ thế dẫn đường về thảo thơm ngày cũ.

HOÀNG HIỀN

;
;
.
.
.
.
.