Công nghệ không quyết định

.

Tin tưởng tuyệt đối vào chỉ dẫn của Google Maps, tài xế không nhận ra cây cầu đang sửa chữa và lao xuống. Tai nạn thảm khốc ở Ấn Độ ngày 24-11 đã khiến ba người thiệt mạng. Đây không phải là lần đầu tiên công nghệ dẫn dắt con người vào những tình huống nguy hiểm, để lại nỗi đau mà chúng ta không thể lường trước.

Mới đây, tối 28-11, một nam thanh niên (ngụ quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) rơi xuống kênh nước vì đi theo chỉ dẫn trên Google Maps. Vào năm 2016, tại Ontario (Canada), một người phụ nữ đã lái xe xuống hồ sâu hơn 30m chỉ vì tin tưởng tuyệt đối vào GPS. Cùng năm, chỉ vì quá chú tâm vào bộ định vị GPS, một người đàn ông ở Mỹ đã đi vào cây cầu bị hỏng và rơi từ độ cao 11m xuống đất khiến người vợ tử vong. Năm 2019, hơn 100 tài xế rơi vào tình cảnh lạc đường và mắc kẹt trong bùn lầy do đi theo sự chỉ dẫn của Google Maps. Vào năm 2020, theo chỉ dẫn của Google Maps, một thanh niên người Nga bị lạc, tông xe vào một thân cây nằm chắn ngang đường khiến xe bị hỏng, trong khi nhiệt độ ngoài trời xuống mức -500C. Đầu năm 2021, tin vào ứng dụng Google Maps, một tài xế người Mỹ lái qua cây cầu ngập nước lúc trời tối khiến chiếc ô-tô bị nước nhấn chìm và thiệt mạng...

Tôi cũng từng rơi vào trường hợp “dở khóc, dở cười” khi tin vào Google Maps. Con đường từ Châu Đốc (An Giang) đến rừng tràm Trà Sư theo chỉ dẫn hẹp và gồ ghề đến mức tôi không dám thở mạnh vì sợ chiếc xe trượt xuống kênh đào hai bên. Mặc dù tôi đến nơi an toàn, nhưng cảm giác lo sợ trong suốt hành trình khiến tôi phải tự hỏi: “Liệu chúng ta có quá tin vào công nghệ, mà quên đi sự cảnh giác và trực giác của bản thân?”.

Những câu chuyện này cho thấy, công nghệ, dù hiện đại và tiện lợi đến đâu vẫn không thể thay thế trí tuệ và khả năng phán đoán của con người. Với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu, Google Maps đã trở thành công cụ điều hướng không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, Google Maps sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để chỉ đường nhưng không có nghĩa luôn cập nhật kịp thời mọi thay đổi như công trình thi công hay biển báo nguy hiểm. Chính vì vậy, công nghệ là bạn đồng hành hữu ích nhưng không phải là người kiểm soát hành trình; là công cụ hỗ trợ mà không phải là quyết định cuối cùng.

Tác hại của việc phụ thuộc vào công nghệ không chỉ dừng lại ở tai nạn giao thông. Sự bùng nổ của các thiết bị điện tử đang khiến chúng ta dần “lãng quên” trí nhớ tự nhiên. Nghiên cứu của nhóm Sparrow et al. (Mỹ) vào năm 2011 cũng chỉ ra rằng internet và công nghệ tìm kiếm không chỉ thay đổi cách chúng ta truy cập thông tin mà còn làm giảm đi nhu cầu ghi nhớ và lưu trữ thông tin trong bộ não của chúng ta. Khi mọi thông tin đều có thể dễ dàng truy cập chỉ bằng một cú click, bộ não của chúng ta mất đi sự linh hoạt trong việc xử lý thông tin phức tạp, điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến khả năng tư duy và học hỏi.

Một mối lo khác là sự xâm lấn âm thầm của công nghệ vào tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề của con người. Khi mỗi quyết định, dù lớn hay nhỏ, đều được định đoạt bởi thuật toán, chúng ta dần mất đi khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và phản xạ nhanh nhạy. Nghiên cứu vào năm 2016 của giáo sư Shneiderman (Đại học Maryland, Mỹ) cho thấy việc quá lệ thuộc vào công nghệ có thể khiến con người không còn khả năng đưa ra quyết định chính xác mà thay vào đó chỉ dựa vào công cụ mà họ sử dụng. Tình trạng này được gọi là “vấn đề ngoài hóa bộ nhớ” (memory externalization), đã được chứng minh là làm giảm khả năng lưu trữ và xử lý thông tin trong bộ nhớ dài hạn.

Sự phát triển của mạng xã hội cũng tạo ra một nghịch lý: trong khi nó giúp kết nối con người với thế giới, lại khiến chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết. Nghiên cứu được công bố năm 2017 của giáo sư tâm lý học Jean M. Twenge (Đại học San Diego State, Mỹ) chỉ ra rằng những người dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội cảm thấy thiếu thốn sự gần gũi và dễ rơi vào trạng thái cô đơn, dù có hàng nghìn người bạn ảo. Twenge lập luận rằng thế hệ "iGen" (những người sinh ra từ năm 1995 trở đi) đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần, bao gồm tỷ lệ lo âu và trầm cảm tăng vọt, do sự phụ thuộc vào công nghệ và mạng xã hội. Bà cho rằng việc sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt là mạng xã hội, đã thay đổi cách thế hệ này tương tác với thế giới và có thể là yếu tố dẫn đến sự suy giảm trong khả năng xây dựng các mối quan hệ trực tiếp và phát triển kỹ năng sống.

Công nghệ có thể là công cụ tuyệt vời để hỗ trợ, kết nối nhưng không thể thay thế những giá trị căn bản trong cuộc sống. Để công nghệ thực sự trở thành bạn đồng hành hữu ích, chúng ta cần sử dụng nó một cách thông minh và tỉnh táo, đồng thời giữ gìn khả năng phán đoán và sự giao tiếp trực tiếp. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể bảo vệ được sự cân bằng giữa sự phát triển cá nhân và sự phát triển bền vững của xã hội.

HÀM CHÂU

;
;
.
.
.
.
.