Nhờ tính năng ưu việt, mô hình "Chuỗi cung ứng và giải pháp thu gom rác thải điện tử thông qua nền tảng HiE tại thành phố Đà Nẵng" của đội tuyển Logisayhi đến từ Đại học Duy Tân đã xuất sắc giành giải Nhì, cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đội tuyển Logisayhi đến từ Đại học Duy Tân đã xuất sắc giành giải Nhì, cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: H.L |
Với mô hình này, nhóm sinh viên đưa ra hai giải pháp chính, bao gồm chuỗi cung ứng thu gom rác thải điện tử (E-wasteC) và dự án thu gom rác thải điện tử thông qua nền tảng công nghệ HiE. Cụ thể, chuỗi cung ứng E-wasteC được xây dựng dựa trên quy trình khép kín, từ khâu thu gom, phân loại đến vận chuyển, xử lý rác thải điện tử khoa học và hiệu quả. Trong khi đó, dự án thu gom rác thải điện tử thông qua nền tảng công nghệ HiE được xem là điểm nhấn sáng tạo của đội Logisayhi. Nền tảng này hoạt động như một "cầu nối" giữa các hộ gia đình, doanh nghiệp và đơn vị thu gom.
Thông qua ứng dụng, người dùng có thể đăng ký thu gom rác thải điện tử tại nhà, tra cứu các điểm thu gom gần nhất cũng như theo dõi lộ trình xử lý rác thải. Đặc biệt, nền tảng còn tích hợp tính năng "đổi thưởng", khuyến khích cộng đồng tham gia xử lý rác thải điện tử đúng cách.
Theo đánh giá của ban giám khảo, mô hình mang đến hy vọng giảm thiểu tình trạng rác thải điện tử bị bỏ lẫn vào rác sinh hoạt, đồng thời nâng cao tỷ lệ tái chế, tái sử dụng các linh kiện điện tử còn giá trị. Sinh viên Đỗ Minh Khả, khoa Quản lý Nam Khuê, nhóm trưởng Logisayhi cho biết mô hình được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, nơi khách hàng có thể đặt lịch, theo dõi, thu gom qua bản đồ, định giá, hoàn tiền và đổi thưởng. “Thực tế cho thấy, rác thải điện tử đang gia tăng tại các đô thị lớn như Đà Nẵng, trong khi công tác thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế. Chúng tôi mong muốn mô hình sẽ góp phần giải quyết bài toán môi trường, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ hệ sinh thái đô thị, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn”, Khả chia sẻ.
Các thiết bị điện tử sau thu gom sẽ được phân loại và chuyển đến đơn vị sửa chữa hoặc nhà máy tái chế để tiếp tục vòng đời sử dụng, hạn chế tối đa lượng chất thải độc hại thải ra môi trường. Ngoài ra, nhóm còn đề xuất các giải pháp hợp tác với doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm mở rộng mạng lưới thu gom, xây dựng thêm các điểm thu gom tập trung ở khu dân cư và trung tâm thương mại.
Ths. Nguyễn Cao Thục Uyên, giảng viên Khoa Quản lý Nam Khuê đánh giá đây là mô hình giàu tính ứng dụng và có tiềm năng triển khai thực tế. Nền tảng công nghệ HiE không chỉ giúp rác thải điện tử được xử lý đúng quy trình mà sẽ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và tạo ra thói quen tích cực trong quản lý rác thải.
“Dự án của các em sinh viên phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có việc ứng dụng nền tảng công nghệ như một giải pháp thực tiễn đáp ứng các cam kết bảo đảm mục tiêu tài chính khí hậu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29)", bà Uyên nói.
Có thể nói, sự kết hợp giữa công nghệ số và mô hình chuỗi cung ứng trong dự án này chính là chìa khóa để giải quyết những vấn đề lớn như rác thải điện tử. Đây là hướng nghiên cứu phù hợp với xu thế chuyển đổi số và phát triển bền vững mà Việt Nam đang theo đuổi. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường để tối ưu hóa ứng dụng, đồng thời tìm kiếm đối tác đồng hành để triển khai thử nghiệm tại một số khu vực trên địa bàn thành phố.
HUỲNH LÊ