Sự kiện Đà Nẵng lần thứ 5 liên tiếp được vinh dự nhận Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam vào những ngày cuối năm 2024 đã khẳng định nỗ lực cao độ của lãnh đạo, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân thành phố trong việc trong việc hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 14-1-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời sự kiện quan trọng này cũng gợi ý chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về những giải pháp duy trì và nâng cao hơn nữa những thành quả đã đạt được theo các tiêu chí của một thành phố thông minh.
Chuyển đổi số không thể thành công nếu như không hình thành được cộng đồng cư dân số, không thể xây dựng chính quyền số nếu thiếu các công dân số. Ảnh: Tư liệu |
Như đã biết, “Cư dân thông minh” là một trong sáu tiêu chí quan trọng để nhận diện một đô thị/thành phố thông minh. Những nhà hoạch định vĩ mô của thành phố đã và đang tập trung vào các đề án xây dựng môi trường thông minh, đời sống thông minh, nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, quản trị thông minh... với quyết tâm đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Về phần mình, cộng đồng cư dân thành phố cũng không đứng ngoài cuộc, đang cố gắng tìm hiểu, bồi bổ nhận thức, hợp tác với chính quyền để tạo nên một chỉnh thể thành phố thông minh trong kỷ nguyên số.
Hẳn là không ai ngây thơ nghĩ rằng cứ hễ được sống trên một thành phố thông minh thì rồi mình cũng sẽ trở thành người thông minh. Nhưng điều rõ ràng là sức lôi cuốn của những lối sống ngày càng văn minh/ thông minh của cả cộng đồng ít nhất cũng làm cho những điều bảo thủ, cổ hủ, hoặc ngại tiếp thu cái mới, không sớm thì muộn bị cuốn hút theo. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt trong sinh hoạt hằng ngày.
Chẳng hạn những người nội trợ chuyên lo việc bếp núc trong gia đình, giờ sẽ dần trở thành những người tiêu dùng thông minh, lánh xa thực phẩm bẩn có hại cho sức khỏe. Và những người bán hàng cũng dần từ bỏ thói quen sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn cho khách hàng, vì như vậy sẽ mất khách. Mới hơn nữa, bây giờ trong giao dịch mua bán, ngay cả đến người bán rau ngoài chợ, các hàng quán cũng có mã QR để người mua thuận tiện trong việc không dùng tiền mặt...
Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn hơn, câu chuyện chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, của mỗi quốc gia, mỗi gia đình và từng cá nhân hiện nay. Chuyển đổi số không thể thành công nếu như không hình thành được cộng đồng cư dân số, không thể xây dựng chính quyền số nếu thiếu các công dân số.
Các chuyên gia đã tính toán, đúc kết các kỹ năng mà mỗi công dân cần có trong không gian số hiện nay, đó là khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, những kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng… đến cả những vấn đề như chuẩn mực đạo đức lối sống trong môi trường số, vấn đề an toàn thể chất và tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số, vấn đề quyền và trách nhiệm trong môi trường số.
Liên quan đến những kỹ năng này còn có những phẩm chất cần thiết cho một cư dân thông minh, đó là năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng những công cụ tương tác, năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội. Vấn đề tạo dựng văn hóa đọc cũng có thể coi là yêu cầu tối thiểu để hình thành thế hệ công dân thông minh, có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Tùy thuộc vào trình độ dân trí, môi trường sống, nhu cầu nghề nghiệp, tùy vào thói quen đọc sách báo in (báo giấy) hay sách báo mạng, thói quen đọc sẽ giúp người dân có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất; hơn thế nữa, kỹ năng đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người.
Đây có thể coi là nguồn động lực để hình thành lớp công dân mới của thành phố chúng ta. Dĩ nhiên là vai trò của chính quyền thông minh, chính quyền số đóng vai trò rất quan trọng hướng dẫn, hỗ trợ cho cộng đồng cư dân trong việc tiếp cận và làm chủ những kỹ năng có liên quan đến công nghệ thông tin, thế giới ảo, nền văn hóa số và văn hóa đọc trong môi trường đa phương tiện rất phổ biến hiện nay.
Theo những thông tin gần đây từ các cơ quan chức năng chuyên môn, Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp sử dụng, tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số. Những hoạt động này giúp cư dân thành phố trở nên năng động, gắn kết với nhau hơn trên không gian mạng, tạo lối sống lành mạnh của cộng đồng cư dân thông minh.
Những ý kiến tản mạn trên đây mong được góp bàn vào việc tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của mọi người dân về vai trò vị thế của một cư dân thành phố thông minh như Đà Nẵng chúng ta, từ đó, mỗi công dân tự giác, chủ động tự khẳng định mình đồng thời phối hợp chính quyền làm tốt nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh.
NẠI HIÊN