Hưu sớm và cơ chế vượt trội

.

Ngày 10-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 40, cho ý kiến nhiều nội dung, trong đó có báo cáo dân nguyện đề cập đến nội dung tinh gọn tổ chức bộ máy. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến giữa tháng 2-2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp, đến cuối tháng 2-2025, Quốc hội sẽ họp bất thường để sửa đổi một số điều luật liên quan tới tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tinh gọn bộ máy là câu chuyện được bàn luận sâu rộng trong xã hội, nhất là sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết vào ngày 5-11, với chủ đề “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Tổng Bí thư khẳng định: “Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”; “Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.

Ngày 1-12, tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)  một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức; khi nói về vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”.

Làm càng sớm càng tốt, bởi không thể chậm trễ hơn được nữa. Làm càng sớm càng tốt, bởi những trở ngại, nút thắt, điểm nghẽn đang tồn tại khá phổ biến, tác động hết sức tiêu cực tới sự phát triển của đất nước. Vậy thì không có lý do gì mà chúng ta không tiến hành, dù có phải chấp nhận những tổn thương, hy sinh đi nữa. Sự hy sinh, xét đến cùng, nếu xảy ra cũng chỉ là với những cá nhân, với nhóm nhỏ, với những người không thực sự không thể thiếu trong bộ máy.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rằng: “Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”. Việc tiến hành tinh gọn bộ máy đã, đang và sẽ diễn ra hết sức khẩn trương, đúng với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Tuy nhiên, tất cả các phương án đều cần phải được tính đến một cách hết sức khoa học, “thấu tình đạt lý”, không gây xáo trộn mạnh đến tâm tư, quyền lợi của những đối tượng thuộc diện sắp xếp, tinh giảm...

Trở lại với phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ ngày 10-12, khi trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội, Phó trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, cử tri và nhân dân tin tưởng và đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là rất quan trọng, quyết định, bởi mỗi khi cử tri và nhân dân ủng hộ, kỳ vọng thì công việc sẽ được tiến hành thuận lợi. Điều này càng có cơ sở mạnh mẽ hơn, khi các bước chuẩn bị cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được tiến hành hết sức khoa học, bài bản, hợp lý, bắt đầu bằng việc tuyên truyền để những đối tượng, cơ quan, đơn vị trong diện sắp xếp, sáp nhập, ngừng hoạt động, giải thể thông suốt về mặt tư tưởng, nhận thức, thấu rõ đó là cuộc cách mạng vì dân, vì nước.

Tất nhiên, việc tuyên truyền sâu rộng cần được tiếp tục tiến hành thường xuyên hơn nữa, để giải tỏa những tâm tư, áp lực cho những người trong diện tinh gọn, giúp họ thoát khỏi tình cảnh “tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng”. Và một khi tư tưởng đã thông thì sẽ không khó trong việc thống nhất hành động.

Tất nhiên, để hành động được liền mạch, thông suốt, bảo đảm đúng lộ trình, mục đích đề ra, vấn đề bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được tính toán thấu đáo, bảo đảm sự hợp tình, hợp lý. Về vấn đề này, chúng ta đã có những kinh nghiệm quý trong quá khứ. Ngày 17-4-2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong phần nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 39-NQ/TW đề ra, có những nội dung rất quan trọng là chế độ chính sách cho những đối tượng trong diện tinh giản.

Ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại. Vì vậy, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vào thời điểm quan trọng này là hết sức cần thiết.

Thêm một lần nữa, chúng ta làm cuộc tinh gọn bộ máy. Lần này, thực sự là một cuộc cách mạng thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Trong cuộc cách mạng hợp lòng dân ấy, việc quan tâm đến đời sống của những người trong diện sắp xếp cần phải được hết sức chú ý. Tại buổi khai mạc phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị báo cáo dân nguyện cần bổ sung nội dung về cơ chế chính sách hợp lý, thậm chí là phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2-4 năm làm việc có thể sẵn sàng nghỉ cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản giữ lại trong hệ thống.

Những người còn 2-4 năm làm việc sẵn sàng nghỉ với cơ chế thật mạnh và vượt trội, cũng đồng nghĩa với việc không ít người sẽ về hưu sớm. Hưu sớm, nghỉ việc trước tuổi có lẽ cũng là một trong nhiều giải pháp sẽ được triển khai, khi Quốc hội sẽ họp bất thường để sửa đổi một số điều các luật liên quan tới tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị vào tháng 2-2025. Và chắc hẳn, khi có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của những người trong diện sáp nhập, đơn vị kết thúc hoạt động sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, tạo tiền đề, bệ đỡ, trợ lực quan trọng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.