Huyền Văn tâm sự: "Tôi vốn dĩ quen viết những câu chuyện tình cảm, nay đan xen sự sâu lắng và bồi hồi của một thời mặc áo lính vào từng câu chữ như một dòng chảy mãnh liệt, khơi dậy sự thức tỉnh và thay đổi tư duy của tôi một thời tuổi trẻ". Với tâm niệm đó, chị đã miệt mài sáng tạo và cho ra đời tập truyện ngắn "Con đường anh đi" như một sự thức tỉnh chính mình của một thời đã qua, nhẹ nhàng mà sâu sắc, khiêm nhường mà đẹp đẽ, để cố chưng cất cho được những trải nghiệm một thời, những rung động trong chính trái tim chị.
Huyền Văn quê ở miền sông nước Cần Thơ, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ. Trước khi chạm ngõ và rồi lần bước trên con đường văn chương chị đã từng là một người lính chiến đấu trên chiến trường Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Có lẽ, chính những cảm xúc được thai nghén, nuôi dưỡng từ thuở chiến tranh và rồi bùng lên mãnh liệt khi chiến trận đi qua đã thôi thúc chị viết, dẫu cho thực tại bận rộn với nhiều công việc mưu sinh. Bởi vậy, mà từ ngay những thập niên 80 của thế kỷ XX chị đã có các truyện ngắn được in ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 2014 chị xuất bản tập truyện ngắn đầu tay "Không phải lần đầu". Và đến đầu năm 2023, chị cho ra đời tập truyện thứ hai "Con đường anh đi" do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành.
Khác với tập truyện ngắn đầu tay, tập truyện ngắn "Con đường anh đi" với kết cấu 11 truyện ngắn cơ bản xoay quanh đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Với tập truyện này, chị đã phóng ngòi bút của mình để ký thác lại những câu chuyện về chiến tranh đã qua, và cả những mánh khóe hậu chiến bằng chính sự từng trải của một người lính từ chiến trường. Các nhân vật trong tập truyện men theo mạch tự sự đó mà hiện lên gần gũi, đó chính là bản thân tác giả, hoặc là những nguyên mẫu có thật ngoài đời sống chiến đấu mà chị chứng kiến.
Lâu nay, viết về đề tài chiến tranh, cách mạng là một đề tài quen thuộc, nền văn học nước nhà đã có rất nhiều cây bút khai thác và thành công. Bởi vậy khi dấn thân vào mảnh đất hiện thực này, nếu không được sống mà chỉ mãi hư cấu, tưởng tượng không khéo thì người viết rất dễ sa vào sự cứng nhắc, hô khẩu hiệu. Ý thức rõ điều đó, bằng những trải nghiệm của mình, Huyền Văn đã viết nên một "Con đường anh đi" hết sức gần gũi, không hề khô khan, xơ cứng, và dĩ nhiên là nó cũng đem đến cho độc giả những sắc màu xúc cảm mới mẻ.
Xuyên suốt tập truyện ngắn, Huyền Văn đã khai thác và xây dựng thành công hình tượng người lính, hình tượng trung tâm của tập truyện. Người lính được tác giả đặt trong những hoàn cảnh, những giai đoạn khác nhau trong cuộc chiến và sau cuộc chiến, nhưng ở bất cứ phông nền nào thì chất vàng mười trong con người họ đều được tác giả làm bừng sáng, với những vẻ đẹp thể hiện ở ý nghĩ, hành động, tình cảm, ý thức công dân của họ đối với sự nghiệp chung của dân tộc. Chiến tranh chắc chắn có chia xa, có hứa hẹn trở về, nhưng chiến tranh tự thân nó cũng bao hàm trong đó cả những tổn thất, mất mát, hy sinh. Tập truyện ngắn phản ánh màu sắc ấy, nhưng trên đó, niềm lạc quan cách mạng, niềm tin vào chính nghĩa của những con người vẫn cứ phơi phới trong những câu chuyện kể.
Một "Con đường anh đi", truyện ngắn đầu tiên của tập truyện và cũng được tác giả lựa chọn làm tên nhan đề, đầy cảm động qua những hành động chống trả chính quyền, qua câu chuyện về sự chia tay của Thương và Linh khi Linh đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Và rồi, Linh hy sinh, Linh thất hứa, rằng khi mọi việc ổn định sẽ đón Thương vào chiến trường. Thương nhận được cuốn nhật ký viết dở của Linh, cô cũng đã nối chân Linh: "Linh ơi, con đường anh đi bây giờ đã có em, con đường anh đi lắm chông gai, nhiều hiểm nguy và đối mặt với cái chết, nhưng đó là con đường mang đến bình yên và hạnh phúc cho đất nước mình. Em nguyện sẽ đi tiếp con đường còn giang dở của anh cho đến hơi thở cuối cùng".
Những hứa hẹn nên duyên đôi lứa khi ngày đất nước hòa bình nhưng đã thành không thể giữa Bình và Mận trong "Hương mận". Đó là hình ảnh cô du kích nhỏ tuổi trong "Đi hay là chết", cô tự nguyện nhập ngũ vào đội du kích, rồi trải qua mọi khốc liệt của chiến tranh, cô được trao tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú" khiến cô vô cùng vinh dự, sự vinh dự đó đã thôi thúc cô phải cố gắng chiến đấu hơn nữa, cần có trách nhiệm nhiều hơn với tổ chức, với đất nước. Để rồi trước hành động man rợ của quân địch, dù bị chặt một phần chân cô vẫn trung thành và quả cảm đến cùng.
Những nhân vật ấy hiện lên sống động qua những câu chuyện của Huyền Văn. Càng để mạch văn tuôn chảy, thì những nhân vật ấy càng tự nhiên ngời sáng lên vẻ đẹp của hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nhưng nó không hề tô hồng, cứng nhắc: sẵn sàng ra đi khi Tổ quốc cần, dũng cảm, kiên cường không sợ hy sinh, chiến đấu đến cùng cho phải lòng căm thù giặc, tình yêu thương đồng chí, đồng đội, sát cánh vượt qua mọi khốc liệt của chiến tranh...
Đọc "Con đường anh đi" người đọc sẽ có những cảm nhận, những phát hiện sâu sắc trong bản thân mỗi nhân vật. Rồi từ đó mà yêu mến, cảm phục, thấu hiểu và sẻ chia trước nỗi lòng của người viết, bởi nó dễ dàng chạm đến trái tim người đọc khi đi ra từ chính trái tim, chính trải nghiệm và đời sống sống động của tác giả. Nhà phê bình Lê Xuân đã nhận xét về tập truyện rằng: "Có được tập truyện mang màu sắc mới này và không lặp lại chính mình ở những truyện trước là một sự thành công khả quan của cây bút "khởi nghiệp” từ môi trường quân đội và từng bước khẳng định mình".
TRẦN VIỆT HOÀNG