MÙA ĐÔNG

Sắc màu thời trang

.

Với nhiều người, mua sắm thời trang mùa đông cũng là cái thú. Chẳng thế mà, mỗi độ bước qua tháng cuối năm, khi những đợt gió se lạnh thổi về cũng là lúc nhiều điểm kinh doanh, khu chợ lại bày bán những sản phẩm thời trang đông thu hút lượng lớn khách đến mua sắm.

Dẫu không quá đa dạng như mùa hè, thời trang đông ở thành phố ven sông Hàn vẫn mới mẻ và thanh lịch đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh minh họa
Dẫu không quá đa dạng như mùa hè, thời trang đông ở thành phố ven sông Hàn vẫn mới mẻ và thanh lịch đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh minh họa

Đà Nẵng những ngày này chưa cảm nhận rõ rệt cái lạnh mùa đông, hàng quầy kinh doanh thời trang đông dường như vẫn chưa có dấu hiệu rục rịch của sự chuyển mùa. Ở những tuyến phố thời trang lớn như Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh… các cửa hàng vẫn treo những bộ cánh của mùa thu.

Anh Nguyễn Điền (chủ shop thời trang Lana, 226 Lê Duẩn) nói rằng, năm nay, mặt hàng thời trang đông không phong phú như năm ngoái, số lượng nhập về cũng không nhiều do trước đó được dự báo thời tiết Đà Nẵng sẽ không quá lạnh. Dẫu vậy, shop của anh vẫn bảo đảm có đủ các sản phẩm thời trang đông như áo quần làm bằng chất liệu nỉ, váy áo len, tất, găng tay đủ sắc màu, kích thước để cung ứng cho khách hàng. “Thời trang đông năm nay vẫn là những mẫu mã quen thuộc, không có nhiều chuyển biến về chất liệu cũng như kiểu dáng so với các năm trước”, anh Điền nói.

Nói đến thời trang mùa đông, không thể không nhắc đến các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh như các loại tất quần, găng tay, khẩu trang, mủ, nón giữ ấm các loại. Tại shop Hoa Giáo (đường Lê Duẩn), thời gian này đã bày bán nhiều sản phẩm, mặt hàng mùa lạnh. Những sản phẩm được người dân yêu thích nhất, mua sắm nhiều nhất phải kể đến như găng tay giữ ấm, khăn choàng… Mỗi sản phẩm có mức giá dao động từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng. Chị Lê Nguyễn Hà Tiên (40 tuổi, kinh doanh mặt hàng thời trang ở chợ Mới) cho biết, năm nay sản phẩm giữ ấm số lượng về không nhiều như năm ngoái, mỗi mẫu mã quầy chỉ nhập về vài chục bộ.

Thời gian đang nhích từng bước để sang năm mới 2025, nhưng dường như mùa đông vẫn là điều còn nằm trong mong ngóng của nhiều người. Mùa đông không chỉ là mùa của cái lạnh, của sự vội vã với biết bao lo toan khi phía trước là cái Tết cổ truyền dân tộc cận kề, với những kế hoạch phải hoàn thành trước khi kết thúc năm cũ. Thế nhưng đây cũng là mùa của tình thân, mùa để các thành viên trong gia đình, họ hàng gần gũi, chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Chị Trần Việt Hà (31 tuổi, ở đường Núi Thành, quận Hải Châu) bày tỏ, trong bốn mùa, chị thích nhất mùa đông bởi cảm giác se lạnh khiến mọi người như xích lại gần nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Mấy năm nay, gia đình chị còn duy trì hoạt động thiện nguyện, quyên góp áo quần ấm với mong muốn giúp người nghèo, người miền núi xa xôi có một mùa đông ấm áp. Còn với anh Duy Ngọc (30 tuổi, ở đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà), tuy không có thói quen mua sắm như đám chị em nhưng lại cảm nhận được cái lạnh của mùa đông những buổi sớm mai ngồi nhâm nhi ly cà phê vỉa hè cùng đám bạn, thuở còn nhỏ thì đó là cảm giác đạp xe chạy băng băng qua những con phố trong cơn gió ngược để cảm nhận thật rõ cái tê buốt thốc vào mặt.

Ở tuổi 75, cụ bà Lê Thị Hiền (ở đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) nhớ nhất vẫn là những ngày đông rét mướt, khi cả gia đình tập kết ra Bắc. Lúc ấy, để giữ ấm mỗi người trong gia đình được sắm một chiếc áo chần bông, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa để được sưởi ấm bởi từng đốm than hồng. Chiếc áo chần bông như một sản phẩm thời trang đông đặc trưng của người miền Bắc. Đến khi chuyển về Đà Nẵng sinh sống, cảm giác mùa đông không còn rõ nét, có chăng chỉ vài cơn gió lạnh luồn lách qua từng lần áo nhưng cái cảm giác rét buốt thì đúng là lâu lắm rồi cụ Hiền chưa từng có lại.

Trong tâm thức của người Việt, có lẽ chỉ có miền Bắc mới thực sự có mùa đông. Mùa đông như một thứ “đặc sản” của vùng đất này những khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm sâu. Mà như thể để tả thật đúng, cảm thật đúng về cái lạnh ở miền Bắc, người ta vẫn hay dùng từ rét. Cái rét ngọt như cắt, chích những mũi kim tê tái qua da, mặc áo mỏng dễ bị những cơn rùng mình run rẩy lan khắp khi những cơn gió ù thổi qua.

Nhà văn Thạch Lam, ở tác phẩm "Gió lạnh đầu mùa" đã miêu tả về mùa đông ở miền Bắc, mùa đông ở Hà Nội, đó là cái lạnh cắt da cắt thịt, cái lạnh đến môi tím tái lại và “hàm răng đập vào nhau lộp cộp”. Người Đà Nẵng, như tôi được biết, gần 20 năm nay, có lẽ chưa từng trải qua một mùa đông như thể mùa đông mà nhà văn Thạch Lam miêu tả, có chăng, là cảm giác mỗi sáng sớm thức dậy phải choàng thêm áo khoác nhẹ trước khi bước ra khỏi phòng để tránh cơn gió ngược, là phải mang thêm đôi tất chân để dễ đi vào giấc ngủ sâu khi nhiệt độ ngoài trời ban đêm có lúc hạ xuống còn 15-160C; là những ngày nhìn ra phố thấy dòng người đi lại càng có vẻ vội vã hơn như để chạy trốn những cơn gió lạnh luồn qua lớp áo dày, ấm. Dẫu không quá đa dạng như mùa hè, thời trang đông ở thành phố ven sông Hàn vẫn mới mẻ và thanh lịch đáp ứng nhu cầu của người dân.

NHÂN HÒA ANH

;
;
.
.
.
.
.