Bằng tài năng và tâm huyết, mỗi nhà văn sẽ có phương cách khác nhau để thể hiện những đọng lắng từ hiện thực vào trong tác phẩm của mình. Đời sống vùng biên xứ Thanh với trung tâm là hình tượng người chiến sĩ biên phòng đã trở thành nguồn cảm hứng gợi khơi những xúc động sâu xa đối với nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Đó chính là cội nguồn sâu thẳm để tác giả cho ra đời tập bút ký với nhan đề đầy tính liên tưởng và ẩn dụ sâu sắc: “Những vì sao biên giới” (NXB Quân đội Nhân dân, 2024).
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977 ở Phú Thọ, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Anh đã xuất bản hơn mười đầu sách và đoạt nhiều giải thưởng văn chương. Là người lính làm báo và viết văn, điều kiện ấy thôi thúc, ấp ủ trong anh khát vọng đi và viết mãnh liệt. Những quan sát tinh tế và kỹ lưỡng, những gom nhặt tỉ mẫn và tích lũy sống động đã cho tác giả một nguồn chất liệu hiện thực phong phú.
Điểm xuyết sống động về vùng biên
Tập bút ký mang lại cho độc giả một chuyến khởi hành đầy thú vị, cùng tác giả đặt chân đến những nơi xa xôi, cách trở nhất của tỉnh Thanh Hóa. Những tầng thẳm của núi rừng vùng biên được tái hiện một cách sắc nét với những “rừng cây thẳng tắp”, dẫn vào “mê cung của họ nhà tre, giống cây cốt cách, ngay thẳng, từng đốt lóng đều tăm tắp và vút cao như vuốt lên trời”. Nét đẹp trữ tình hòa quyện khiến không gian bút ký càng trở nên sống động: “lớp lớp những búp vầu cong vút như những chiếc cần câu xanh điểm những đọt lá non khiến những khu rừng mang một vẻ trữ tình”; hoặc những mùa sương ở đồn Bát Mọt: “mùa sương, cảnh sắc nơi đây náu vào biển mù dày đặc, náu vào mưa phùn gió bấc”.
Giữa mênh mang rừng núi xứ Thanh, tác giả thể hiện một cách sâu sắc về đời sống và nét văn hóa nơi đây. Trong không gian văn hóa đặc trưng của tộc người, họ hiện lên với vẻ đẹp đầy tự nhiên và luôn khiến mỗi người phải suy ngẫm. Độc giả sẽ hiểu thêm được những căn cốt văn hóa khởi nguồn từ lịch sử để lý giải phần nào các tập tục. Những hình dung sống động về đời sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Và điều đáng nói chính là khát vọng về một ngày mai tươi sáng trong họ. “Những cô cậu người Mông trẻ tuổi đi làm xa giờ đây đã mặc những bộ quần áo hợp thời, những bộ đồng phục hòa nhập với thanh niên ngày nay để đi làm ăn tại các nhà máy, khu công nghiệp”…
Gieo mầm yêu thương
Nếu như chỉ đơn thuần viết và lưu giữ lại những nét phác về thiên nhiên và đời sống, nét văn hóa của con người nơi đây thì có lẽ tập bút ký sẽ rất khó trong việc chinh phục những cảm xúc sâu xa của độc giả. Không gian ấy chỉ là cơn cớ, để từ đó ngòi bút của nhà văn đi sâu vào việc phản ánh, khám phá và thể hiện vẻ đẹp của hình tượng con người. Những trở trăn của nhà văn trước lẽ sống và cuộc đời của những nhân vật trong tập bút ký đã làm nên chiều sâu xúc cảm, khiến người đọc phải dừng lại để hình dung, tái hiện, đồng cảm và rồi cất tiếng nói ngợi ca vẻ đẹp, sự hy sinh thầm lặng của người lính thời bình.
Trước những khó khăn của thiên nhiên, thời tiết và đời sống của đồng bào vùng biên xứ Thanh những người lính biên phòng vẫn lặng thầm tìm đến. Họ khác nhau về hoàn cảnh gia đình, thời gian và kinh nghiệm công tác, nhưng ở họ đều nổi bật lên những điểm chung về lý tưởng, về con đường, và về tình yêu đối với biên giới. Họ sẵn sàng đi đến để gieo mầm yêu thương, khát vọng và gắn bó cuộc đời mình. Người đọc vì thế sẽ cùng được cuốn hút vào cuộc đối thoại với nhân vật, với nhà văn và với chính cả bản thân mình về lẽ sống, về sự dâng hiến âm thầm.
Câu chuyện về Thiếu tá Vi Xuân Thao - người “biên phòng ngoại tuyến” luôn chăm lo đến công tác xây dựng chính quyền ở các bản, việc giữ gìn môi trường, vệ sinh trong ăn ở, sinh hoạt, và vận động bà con loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Thiếu tá Cường “về đơn vị vừa quen với công tác thì lại chuyển, lại đi học, lại về đơn vị mới quay đi quay lại đã thấy mình quá tuổi lập gia đình từ lúc nào”.
Và đặc biệt, người đọc sẽ chùng lòng trước những “người cha biên phòng” như Đại úy Nguyễn Văn Phương, Thiếu tá Đinh Anh Tuấn, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng. Những câu chuyện giản dị và xúc động về “những người cha biên phòng” được nhà văn gửi gắm quả sẽ khiến người đọc rưng rưng trước những tấm lòng cao cả. Chính vòng tay yêu thương ấy của những người lính biên phòng vùng biên xứ Thanh đã mở ra những con đường rộng mở, những khao khát tươi sáng ngày mai của những cuộc đời nơi đây.
“Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra” (Andersen). Đọc “Những vì sao biên giới” người đọc sẽ thâm thúy sâu sắc hơn thông điệp ấy. Những chiến sĩ biên phòng ở vùng biên xứ Thanh qua tập bút ký “đã đến với đồng bào, đến với con em các dân tộc và đối đãi với họ như chính những người thân của mình. Trên mỗi đồn biên phòng câu khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt” đã được thực hành bằng mỗi lời nói, việc làm và bằng cả cuộc đời của mỗi chiến sĩ” để rồi viết nên những câu chuyện đẹp, truyền cảm hứng và lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng, để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng đồng bào biên giới.
Với sáu bài bút ký, qua cách dụng ngôn giản dị nhưng giàu hình ảnh, chân mộc nhưng chạm sâu vào những rung ngân cảm xúc, “Những vì sao biên giới” đã gợi mở ra hình dung sâu sắc và toàn diện về chân dung người lính biên phòng hôm nay ở nhiều vỉa tầng, đặc biệt là làm sáng ngời vẻ đẹp bình dị mà cao cả toát ra từ lý tưởng và tình yêu thương. Bởi vậy, có thể nói tập bút ký thực sự trở thành một trong những đóng góp quan trọng cho mảng văn chương về đề tài người lính hôm nay.
VIỆT NGỌC