Từ nhật ký được ghi chép trong chiến tranh mà làm được nhiều việc cho đồng đội và quê hương, có sức lan tỏa mạnh mẽ, hiệu ứng hơn cả truyền thông, đó là trường hợp cựu chiến binh Trần Chiến Chinh, hiện ở 15 Nguyễn Cư Trinh, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
CCB Trần Chiến Chinh bên các cuốn nhật ký của mình. Ảnh: H.V |
Quê Hòa Phong, Hòa Vang, học đến lớp 11, thiếu niên Trần Chiến Chinh quyết bỏ dở. Ông xin vào biệt động thành, bị bắt rồi thoát ra được, sau đó làm bộ đội trinh sát huyện, đại đội trưởng rồi trợ lý tác chiến huyện Hòa Vang cho đến ngày giải phóng đất nước.
“Một thời để nhớ”
Đánh nhiều chiến trường, di chuyển liên tục, vậy mà ông vẫn giữ thói quen viết nhật ký. Đến nay ông vẫn còn bên mình 3 tập nhật ký rất dày, chữ viết rành mạch, chân phương. Từng sự kiện, trận đánh, đồng đội hy sinh, lòng dân với cách mạng… được ông ghi chép tỉ mỉ như một cuốn sử đầy cảm xúc về Khu 2, Khu 3 Hòa Vang. Những nhân vật trong nhật ký, người sống, người đã mất như thầm thì gọi tên hằng ngày, thôi thúc ông phải làm gì đó tri ân đồng đội, không để họ bị lãng quên. Vậy là ông nghĩ đến chuyện "làm phim" theo cách của riêng mình.
Từ cuốn nhật ký, ông viết 300 câu thơ thể lục bát với tựa đề “Một thời để nhớ”, trong đó có tên 200 đồng đội và các bà mẹ liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng các địa danh ở Hòa Vang. Sau đó, ông lại nhờ các nghệ sĩ xứ Quảng chuyển thể dân ca bài chòi và thể hiện, khi bằng hình, khi bằng lời. Việc ông làm, được mọi người ủng hộ và nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Ai nấy đều xúc động rơi nước mắt, khi tìm thấy mình và đồng đội cùng chiến trường năm xưa trong “Một thời để nhớ”, khi cuốn phim đặc biệt nhất được chiếu tại hội trường UBND huyện Hòa Vang, 70 khách mời gồm các đồng chí cựu chiến binh từng lãnh đạo chỉ huy Đại đội 2, Khu ủy, Khu đội và Huyện đội, Huyện ủy Hòa Vang vào năm 2014.
“Một thời để nhớ” đến nay đã có hơn 350.000 lượt truy cập trên YouTube. Đó là chưa kể hàng trăm buổi chiếu trực tiếp trong các buổi gặp mặt và giáo dục truyền thống của nhân dân Hòa Vang. Điều kỳ diệu là phim đã giúp rất nhiều gia đình tìm được hài cốt thân nhân. Đặc biệt nhất là trường hợp Trung đội trưởng Phan Hữu Dũng.
Ông Thuần, anh trai của liệt sĩ đã tìm xem và khi nghe câu hát "Đi qua Hầm Xẻ - Cấm Đình. Tứ bề địch phục, Dũng nằm lại đây" thì biết đó chính là em mình. Liên hệ với ông Chinh và đọc nhật ký, gia đình mừng rỡ khi may mắn biết trường hợp này. Trong nhật ký cũng ghi vị trí chôn cất liệt sĩ ở hang Dơi, hòn đá làm dấu đặt ở đầu. Vì thế việc cất bốc hài cốt Phan Hữu Dũng khá thuận lợi. Đến nay ông đã trực tiếp đi tìm được hài cốt của 8 liệt sĩ và cung cấp thông tin từ cuốn nhật ký cho các đơn vị chức năng tìm được 30 hài cốt đồng đội.
Bia tưởng niệm bên cánh đồng
Trung đội nữ của C2 Hòa Vang mang tên Anh hùng Lê Thị Hồng Gấm được thành lập vào năm 1972 do chị Nguyễn Thị Xuân Mai làm Trung đội trưởng. Nhiều cô gái mới nhập ngũ như Hồ Thị Hồng Vân (Hòa Tiến), Ông Thị Minh Nguyệt (Hòa Châu) tuổi trăng tròn, chưa kịp quen mùi súng đạn. Ngày 28-1-1973, bộ đội C2 quyết tâm “cắm cờ giữ đất”, phản kích hàng chục đợt tấn công của địch. Riêng tổ của 3 chị Xuân Mai, Hồng Vân, Minh Nguyệt vẫn bám trụ đến cùng và anh dũng hy sinh. Chiến công của các chị đã được Mặt trận 4 Quảng Đà tuyên dương “Tổ chiến đấu anh dũng Nguyễn Thị Xuân Mai”.
Là người sống giàu tình cảm, chị Xuân Mai dành nhiều tình thương cho những người em kết nghĩa, trong đó có Trần Chiến Chinh.
Trước khi ra trận, họ thường viết thư để động viên tinh thần người ở nhà. Rất nhiều mẩu thư nho nhỏ như thế, CCB Trần Chiến Chinh vẫn còn giữ kỹ đến bây giờ. Bức thư cuối cùng dài hai trang, nét chữ chân phương màu mực biếc, được chị Mai viết đêm 25-1-1973 ông vẫn còn lưu giữ và đọc biết bao nhiều lần: “Chiến Chinh - em yêu quý!… Chị ước sao tuổi xuân có thể kéo dài thêm nữa để có thể sau chiến tranh tiếp tục vào trường thực hiện cho trọn vẹn ước vọng của đời mình. Ôi, có lớp người nào mang nhiều khát vọng như lớp người chúng ta đang sống. Hãy chiến đấu như những người cộng sản. Lời chúc của em cũng là lời thề của chị. Trận đánh sắp bắt đầu”.
Trở về sau chiến dịch “cắm cờ giữ đất”, những trang nhật ký đầu năm 1973 của ông thấm đẫm nỗi tiếc thương 3 nữ chiến sĩ Trung đội Lê Thị Hồng Gấm. Mỗi lần đọc lại, ông vẫn thổn thức khôn nguôi. Trong Ban liên lạc truyền thống C2 và Khu đội 2 Hòa Vang, lại là người con xã Hòa Phong, nhiều năm nay, CCB Trần Chiến Chinh luôn tâm niệm phải làm sao có một tấm bia hoặc tượng đài ghi dấu chiến công oanh liệt của 3 chị Xuân Mai, Minh Nguyệt, Hồng Vân ngay tại làng Dương Lâm.
May mắn là ý tưởng này được lãnh đạo Huyện ủy Hòa Vang chấp thuận và giao cho các cơ quan chức năng phối hợp các CCB thực hiện. Sau thời gian chuẩn bị, bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm, C2, Khu đội 2 Hòa Vang đã được khánh thành cuối năm 2018 với kinh phí gần 700 triệu đồng, nổi bật giữa cánh đồng lúa xanh.
Chưa dừng ở đó, năm 2024, Huyện ủy Hòa Vang tiếp tục đầu tư 1,65 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp bia tưởng niệm trên diện tích 500m2. Bức họa từ ảnh thật 3 cô gái quả cảm và lá thư của chị Xuân Mai được khắc vào bia có sức lay động lòng người. Khuôn viên bia tưởng niệm trở thành địa chỉ đỏ tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống sinh động cho thanh niên, học sinh cả thành phố Đà Nẵng.
Tính đến nay ông Trần Chiến Chinh phối hợp Ban Chỉ huy Khu 2 Hòa Vang tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương liên tiếp làm các bia tưởng niệm các trận đánh lớn và các di tích lịch sử liên quan. Mới đây nhất là Biểu tượng Khu 2 Hòa Vang (3-2024). Cuốn nhật ký cũng hỗ trợ ông và đồng đội trong làm hồ sơ, để Nhà nước phong tặng Đại đội 2 Khu 2 Hòa Vang danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2018.
Về hưu, vẫn miệt mài tri ân đồng đội bằng nhiệt huyết và “bảo bối” là cuốn nhật ký chiến tranh, CCB Trần Chiến Chinh sáng ngời phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới.
HỒNG VÂN