Xanh mãi cùng đất nước

.

Ngày 6-12 năm nay tròn 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6-12-1989 - 6-12-2024), một cột mốc đánh dấu sức sống bền bỉ của những con người luôn mang trong mình màu xanh đất nước. Con số là để nhắc nhớ, nhưng, tôi biết dù là năm mươi hay một trăm, thậm chí ngàn năm nữa, những cựu chiến binh mãi đẹp lấp lánh trong biên niên sử hào hùng của dân tộc ta. Một sắc màu của niềm tin tất thắng và vẹn tình trọn nghĩa.

Ngày 6-12 năm nay tròn 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6-12-1989 - 6-12-2024), một cột mốc đánh dấu sức sống bền bỉ của những con người luôn mang trong mình màu xanh đất nước. Con số là để nhắc nhớ, nhưng, tôi biết dù là năm mươi hay một trăm, thậm chí ngàn năm nữa, những cựu chiến binh mãi đẹp lấp lánh trong biên niên sử hào hùng của dân tộc ta. Một sắc màu của niềm tin tất thắng và vẹn tình trọn nghĩa.
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Tôi nhớ mình được gặp người cựu chiến binh Vũ Ngọc Thư 80 tuổi vào mùa hè năm 2022, ở hành lang trạm T80, thuộc Quân khu 9, tại Cần Thơ. Ông là thương binh 2/4, quê tận Hải Dương. Chúng tôi có 15 ngày sống cùng nhau trong trạm, cùng một dãy hành lang, nên vào ra là gặp mặt nhau. Người này đã hơn người kia gấp đôi tuổi đời; người này đã đi qua chiến chinh với những vết thương hiện hữu nơi cơ thể, người kia chỉ biết chiến tranh qua những bài học lịch sử, qua những tác phẩm văn chương; anh người Bắc, tôi người Nam, vẫn cứ say sưa với nhau mặc chiều võ vàng phía tây ang ác tiếng chim.

Tôi vẫn ấn tượng chú Thư bởi câu chuyện 5 người lính dắt nhau đi với thân hình không ai còn nguyên vẹn. Có người còn chịu sự chấn thương của não. Tất cả câu chuyện được chú kể lại bằng một giọng trầm buồn, mênh mang. Một đêm gió Cửu Long thổi cay xè mắt của gần 30 người ngồi bên nhau. Chú như sống lại thời hào hùng bi tráng đấy. Có một điều tôi tin, hồn người cựu chiến binh ấy vẫn nương náu vào cuộc chiến để sống những quãng thời hòa bình này.

Sáng ngày 14-9-1968, Vũ Ngọc Thư phụ trách 40 chiến sĩ đảm nhiệm mũi vu hồi, phối hợp với các mũi khác tiến công địch, đánh chiếm lại kho hàng H9 của ta. Giữa lúc bốn bề đạn nổ chát chúa, sau khi bị một viên đạn của địch xuyên qua bắp trên tay trái, chú Thư suýt mất mạng khi bị tiếp một viên nữa nơi đỉnh đầu. Chú ôm đầu máu trong tình trạng choáng váng, cảm giác lộn xộn lơ mơ… rồi không biết gì nữa. Mãi khi tỉnh lại mới biết người chiến sĩ cùng tiểu đội, tên Diệu, quê ở xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, cùng tỉnh Hải Dương với chú, đã cõng đưa về bệnh viện như thế nào…

Năm 1971, do thương tật mất 61% sức khỏe, Vũ Ngọc Thư thuộc diện được ra Bắc an dưỡng để xuất ngũ. Nhưng chú tình nguyện ở lại miền Đông Nam Bộ, trở lại tuyến sau công tác cho đến ngày đất nước ngưng tiếng súng.

Những tưởng với thương tật như vậy, với tuổi đời heo may đường tà, nhưng chú Thư vẫn ruổi rong tìm lại những đồng đội xưa, cũng như người ân nhân đã cõng mình hôm đó. Mãi đến năm 2014, ông cựu chiến binh già mới có thể tìm thấy ân nhân của mình. Họ lại nắm tay nhau, lên đường tìm lại những ký ức xanh màu nghĩa tình đồng đội.

Chiến tranh đi qua nhưng nỗi đau vẫn còn lại. Mãi mãi. Vết thương thịt da có thể lành theo năm tháng. Nhưng, vết thương lòng đôi khi tê buốt cả quãng đời. Nhất là đối với những cựu chiến binh, những người luôn tâm nguyện non sông nối liền một cõi. Giữa lằn ranh sinh tử đó sự trở về hay ra đi vĩnh viễn luôn mang một tâm thế chấp nhận. Hai chữ hy sinh nhẹ tựa gió nhưng gió vẫn cứ thổi triền miên trên những bước đường của người trở về.

Năm 2023, tôi có dịp về Nghệ An, huyện Diễn Châu để tặng một tủ sách cho nhà văn hóa huyện. Bất ngờ hơn hết là tiếp đón chúng tôi là một đoàn các cựu chiến binh. Chính những người lính trở về từ cuộc chiến, tóc đã điểm bạc là những người tích cực gầy dựng tủ sách để lan tỏa văn hóa đọc trong các xã của huyện. Chỉ với một huyện mà có hơn 17.000 hội viên Hội Cựu chiến binh. Càng bất ngờ hơn là chính họ đã lập nên một quỹ nhân ái mang tên “Ngôi nhà một nghìn đồng”. Đó là sự chung tay ít nhất 1.000 đồng mỗi ngày, hoặc hơn nữa cho việc xây dựng, giúp đỡ các đồng đội đang khó khăn. Có người góp thành 50.000 đồng, cũng có người trích lương hưu mỗi tháng tận 500.000 đồng góp quỹ.

Từ nguồn quỹ đó, những cựu chiến binh đã lan tỏa một nghĩa cử cao đẹp thắm tình đồng đội. Tôi ngồi cùng các cựu chiến binh, nghe họ kể thành tích, chẳng phải từ các cuộc chiến mà là bây giờ, với 1,2 tỷ đồng quyên góp được trong năm đó, họ đã hỗ trợ xây dựng 45 căn nhà mới cho đồng đội mình. Và chính họ, đã dùng 3.000 giờ công để phụ trách luôn cả việc làm thợ xây, tô, trang trí… Họ kể bằng niềm vui ngời sáng trong đôi mắt yêu thương.

Tôi có duyên may trên bước đường ruổi rong tìm kiếm tư liệu để viết về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Gọi đó là duyên, bởi tôi được gặp những câu chuyện hay trong thời chiến lẫn thời bình từ các cựu binh. Mới đây thôi, chuyến đi tháng 10 chớp nhoáng về Đà Nẵng, tôi may mắn gặp ông Nguyễn Tiến Đãi, Trưởng ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5.

Người cựu chiến binh đã đi qua 3 cuộc chiến, từ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến tranh biên giới Tây Nam, và biên giới phía Bắc. Thế nhưng, 20 năm nay, ông cùng đồng đội và các cộng sự miệt mài tìm kiếm, xác minh, và đưa về hơn 300 hài cốt liệt sĩ. Trong nhật ký hành trình của mình, ông đã đi khắp mọi miền đất nước, thậm chí sang cả đất bạn Campuchia. Chia tay tôi, ông vẫn nhẹ tênh cười bảo: “Người ta siêu thị, nhà hàng. Còn tôi thì cứ nghĩa trang đêm ngày”.

Với những người cựu chiến binh, chỉ cần ngồi cùng họ, sẽ luôn cảm nhận một ẩn chứa đau đáu trong lời tâm tình của họ. Tâm vẫn vọng về ký ức bom đạn, máu xương và chiến trường. Tình vẫn thôi thúc sự tìm kiếm của người trở về, của nghĩa cử đồng đội với nhau, và khát khao hạnh phúc.

TỐNG PHƯỚC BẢO

;
;
.
.
.
.
.