Dấn thân & trách nhiệm

.

Mới hồi nào chập chững vào nghề mà giờ đã gần hai mươi năm. Trong suốt thời gian gắn bó với nghề báo, tôi rong ruổi khắp các nẻo đường. Mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm đong đầy, vui, buồn, thậm chí cả vất vả, nguy hiểm. Mỗi một nhân vật là một số phận hiện diện trên từng bài viết. Họ là người lao động nghèo chờ đợi hàng chục năm để được phép xây nhà trên chính mảnh đất của mình hay những bệnh nhân cần được bảo đảm điều kiện khám chữa bệnh...

Tác giả (trái) phỏng vấn lãnh đạo Trung tâm Điều hành và giám sát thông minh thành phố (IOC), tháng 11-2023.Ảnh: P.V
Tác giả (trái) phỏng vấn lãnh đạo Trung tâm Điều hành và giám sát thông minh thành phố (IOC), tháng 11-2023.Ảnh: P.V

Và mong muốn của họ đã thành hiện thực sau khi những bài báo ra đời. Đó cũng chính là hạnh phúc của người làm báo trên hành trình đi tìm chân lý như chúng tôi.

Ngôi nhà hạnh phúc

Đó là căn nhà được xây lên bằng những tấm lòng: nhà ông Huỳnh Can (52 tuổi, ở phường An Khê, quận Thanh Khê). 10 năm, quãng thời gian chưa phải là dài so với một đời người nhưng đủ để bào mòn những mong ước, dù chỉ giản đơn. Mong ước của ông Can là được tách thửa lô đất mà chị gái cho để xây một căn nhà nho nhỏ có nhiều phòng hơn, tiện cho việc sinh hoạt hằng ngày, cũng như có chỗ để thờ bố mẹ và người anh. Bố, mẹ và anh trai của ông Can đều là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bà nội và mẹ của ông được truy tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Ngôi nhà ông đang ở thực chất chỉ là hai căn phòng tạm bợ với diện tích 24m2 được xây từ năm 1997 bằng vật liệu tôn cũ và cành bạch đàn, tôn thủng nhiều chỗ, phải che nilon. Bốn con người nằm chung một chiếc giường 1,4m và sinh hoạt trong căn phòng quá chật hẹp, cũ nát. Có đến tận nơi mới hiểu được ước mong của ông giản dị nhưng tha thiết, khắc khoải chừng nào. Thế nhưng, sau nhiều năm kiến nghị, “gõ cửa” các cơ quan chức năng, ông Can vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu chỉ vì... quy định chiều ngang (mặt tiền) lô đất này chưa đủ 4m (chỉ 3,53m). Vậy là đằng đẵng suốt nhiều năm, ước mong của một gia đình liệt sĩ vẫn chưa được thực hiện.

Biết được hoàn cảnh của ông, tôi đã đến xác nhận thông tin và có ngay bài viết “Mong ước của một gia đình liệt sĩ” đăng Báo Đà Nẵng ngày 8-8-2013. Buổi sáng báo phát hành, ngay buổi chiều, tôi nhận được điện thoại của Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, khi đó là chú Mai Đức Lộc "lệnh" chuẩn bị để đi liền với lãnh đạo thành phố xuống kiểm tra nhà ông Can. Khi đó, lòng tôi vừa lo lắng, vừa hồi hộp bởi không rõ liệu có thông tin gì đó còn ẩn giấu, mình chưa biết, chưa điều tra kỹ nên đưa tin chưa chính xác hay chăng?

Thật bất ngờ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ sau khi đọc bài báo đã xuống tận nơi thăm gia đình ông Can, đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện để tách thửa lô đất cho gia đình ông Can ngay trong ngày 9-8-2013. Chia sẻ, động viên với những khó khăn của gia đình ông Can, đồng chí Trần Thọ đồng ý hỗ trợ ngay gia đình 10 triệu đồng để làm nhà. Và sao đó, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa) cũng đến thăm, hỗ trợ 10 triệu đồng và 10 tấn xi-măng cho gia đình, nâng tổng kinh phí hỗ trợ xây nhà lên gần 100 triệu đồng.

Đến ngày 14-8, UBND phường An Khê (quận Thanh Khê) phối hợp nhiều đơn vị tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho ông Huỳnh Can. Và ngôi nhà mơ ước, ngôi nhà hạnh phúc của ông đã thành hiện thực nhanh chóng. Niềm vui vỡ oà không chỉ với gia đình ông Can mà còn đối với chúng tôi, những người cầm bút.

Trưởng thành qua từng bài viết

Thật bất ngờ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ sau khi đọc bài báo đã xuống tận nơi thăm gia đình ông Can, đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện để tách thửa lô đất cho gia đình ông Can ngay trong ngày 9-8-2013. Chia sẻ, động viên với những khó khăn của gia đình ông Can, đồng chí Trần Thọ đồng ý hỗ trợ ngay gia đình 10 triệu đồng để làm nhà.

Khi tìm hiểu một đề tài nóng và nhạy cảm như: "Đi tìm mô hình cho Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng" (lúc bệnh viện này chưa chuyển sang mô hình công lập), tôi rất trăn trở. Tiếp cận nhân vật, nguồn tài liệu là điều không hề đơn giản. Bên cạnh đó, làm sao phải vừa phản ánh đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân những vướng mắc nhưng vẫn không làm bạn đọc hiểu sai ý nghĩa tốt đẹp và tính nhân văn mà người sáng lập ra bệnh viện này đã tạo dựng.

Bằng nhiều cách tác nghiệp, tôi đã tiếp cận được tài liệu cần thiết, từ đó tập trung nghiên cứu và phát hiện những điểm mâu thuẫn, không thống nhất trong các con số từ báo cáo, tìm ra những vấn đề mấu chốt dẫn đến khó khăn chất chồng của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Trong khi đó, đã có nhiều y, bác sĩ nản lòng, một số người muốn xin chuyển công tác. Dẫu hiểu rằng viết bài này dễ đụng chạm đến nhiều người nhưng nghĩ đến quyền lợi của những bệnh nhân nghèo hằng ngày phải đối mặt với bệnh tật, tôi đã quên đi áp lực từ nhiều phía, vượt qua cả áp lực về thời gian để hoàn thành tuyến bài nhiều kỳ.

Để tuyến bài này lên trang, đến được với bạn đọc, không chỉ có tôi, lãnh đạo phòng mà cả Tổng Biên tập cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Cuối cùng tuyến bài đã đến được với bạn đọc, được đón nhận và ủng hộ bằng nhiều ý kiến phản hồi tích cực, đầy tâm huyết. Ngay sau đó, các cấp lãnh đạo thành phố đã có quyết định chuyển Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng sang mô hình công lập để bệnh viện phát huy hết công năng khám chữa bệnh cho người dân, nhất là người nghèo.

Với người phóng viên, không chỉ phải đối mặt với áp lực về thời gian mà còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Có lần, tôi và một đồng nghiệp thực hiện tuyến bài về việc chế biến xăng “bẩn” và phân phối trên khắp địa bàn Đà Nẵng. Khi cùng với đoàn kiểm tra thâm nhập tận kho xăng, chủ cơ sở tái chế xăng có thái độ không hợp tác, chống đối, thậm chí muốn đốt kho xăng. Tuy vậy, cuối cùng, chủ cơ sở này đã đồng ý ký vào biên bản nhận hành vi sai trái. Một lần khác, đóng vai người đi mua đất xây mộ cho người thân để viết bài phản ánh nạn bán đất rừng làm mộ trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tôi đến xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) và gặp những tay “cò” đất... Sau khi loạt bài khởi đăng, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc xử lý các đối tượng bán đất trái phép, “cò” đất.

Theo thời gian với nghề, từng bài viết đã cho tôi ngày càng có một cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về mọi mặt của cuộc sống, con người. Với tôi, điều quan trọng nhất của người làm báo chính là giữ được ngọn lửa của lòng đam mê, yêu nghề, nhiệt huyết với công việc.

Xu thế hội nhập báo chí hiện đại

Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều cơ hội cho báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển, nâng cao chất lượng trên tất cả các ấn phẩm, nhất là Đà Nẵng điện tử. Được giao phụ trách ấn bản điện tử, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp phải tự học hỏi, trau dồi, tiếp cận với những kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đòi hỏi ngày càng khắt khe và cũng làm sao để duy trì và phát triển tờ báo điện tử mà các anh chị đi trước đã gầy dựng.

Ngoài việc cập nhật, đăng phần lớn tác phẩm báo in, Đà Nẵng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh, chúng tôi đã tổ chức thực hiện, đăng tải nhiều sản phẩm đa phương tiện được bạn đọc đón nhận. Giao diện báo điện tử được thay đổi theo hướng hiện đại, thu hút bạn đọc trên phiên bản điện thoại thông minh. Với các phiên bản máy tính, điện thoại di động, đọc báo giấy online, Báo Đà Nẵng điện tử ngày càng thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.

Từ chỗ chỉ có 1 trang fanpage Báo Đà Nẵng trên mạng xã hội facebook thì nay các sản phẩm của Báo Đà Nẵng điện tử đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội khác như: YouTube, tiktok… giúp đưa thông tin nhanh và chính xác đến với bạn đọc ở mọi lúc, mọi nơi, khiến những vấn đề tưởng như cao xa, khô cứng trở nên gần gũi, dễ hiểu.

Chúng tôi cũng đổi mới cách trình bày đa phương tiện với sự kết hợp của nội dung, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa tương tác để tạo ra những sản phẩm eMagazine giúp thông tin đến với bạn đọc một cách hấp dẫn, sinh động. Ban Biên tập luôn quan tâm, mở các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ để đội ngũ cán bộ, phóng viên nâng cao kiến thức trong công tác chuyển đổi số.

Cùng với đó, tập trung đầu tư đồng bộ nhiều máy móc, trang thiết bị mới và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để gia tăng các sản phẩm trên nền tảng số. Đặc biệt là dự án Hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ, nâng cấp báo điện tử và trang thiết bị tòa soạn Báo Đà Nẵng và dự án Đầu tư trang thiết bị đa phương tiện Báo Đà Nẵng thuộc đề án Chuyển đổi số tại Báo Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thành ủy phê duyệt là nền tảng quan trọng để Báo Đà Nẵng nói chung cũng như báo điện tử nói riêng phát triển hơn nữa.

Nghề nào cũng đều có áp lực nhưng với nghề báo, áp lực và thử thách luôn thường trực đối với những ai muốn dấn thân với nghề. Chính điều đó làm nên sức hấp dẫn với những ai thật sự đam mê đi đến cùng những vấn đề “nóng” mà xã hội đang quan tâm. Đối với tôi, dù đã có gần hai mười năm trong nghề nhưng vẫn luôn thấy mình cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để vượt qua những áp lực, thử thách trong từng nhiệm vụ mới được giao để góp phần xây dựng Báo Đà Nẵng ngày càng phát triển đổi mới toàn diện.

PHƯƠNG TRÀ

;
;
.
.
.
.
.