“12 tiếng ngồi trên xe, hàng trăm cây số đường đi, 50 con người cùng chung đích đến là một vùng đất không điện, không sóng điện thoại, không khói bụi thành phố, bản Nịu hiện lên đầy thân thương từ những cái nhìn đầu tiên…”
Sinh viên Trường Đại học FPT có những kỷ niệm đáng nhớ tại xã vùng cao Thượng Trạch giáp biên giới Việt - Lào. Ảnh: P.V |
Đó là ghi chép của Trần Song Hoài Nam (SN 2004), sinh viên ngành Thiết kế mỹ thuật số, Trường Đại học FPT, khi tham gia chương trình “7 ngày trải nghiệm” tại bản Nịu và bản Cà Roòng 2 ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vào trung tuần tháng 12-2024.
Theo Nam, Nịu và Cà Roòng 2 là những vùng đất chưa có lưới điện, những ngày này chìm trong mưa rừng giữa cái lạnh dưới 15 độ, hoàn toàn xa lạ với điều kiện sống của nhóm sinh viên từ Đà Nẵng. Vì thế, một tuần tại đây là thử thách thực sự với thành viên đoàn, đặc biệt những ai chưa từng trải qua lớp tập huấn hay khóa học thích nghi khí hậu khắc nghiệt vùng biên giới Việt - Lào. Theo yêu cầu từ chương trình, sinh viên phải tự túc sinh hoạt, nấu ăn trong điều kiện thiếu ánh sáng đèn điện và trực tiếp tham gia các hoạt động hữu ích tại cộng đồng như trồng rau, làm nhà vệ sinh, hố rác, móc phơi quần áo hay dọn dẹp vệ sinh tại các khu dân cư…
Với chủ đề “Gieo ánh sáng, gặt yêu thương”, Hoài Nam cùng các bạn lắp đặt 10 bộ đèn năng lượng mặt trời trên các tuyến đường chính tại bản Nịu, bản Cà Roòng 2, giúp người dân thuận tiện hơn trong sinh hoạt và phần nào cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, nhóm tặng những phần quà gồm bánh, kẹo, áo quần cho bà con và các em nhỏ tại điểm Trường Mầm non Tân Thượng ở bản Ban và bản Cà Roòng 2, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bố Trạch. Đồng thời ghé thăm các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng và tìm hiểu lịch sử tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP.
Trở về sau hành trình “7 ngày trải nghiệm” lần thứ sáu trong đời sinh viên, Lê Thanh Tâm (SN 2003), ngành Digital Marketing, nhớ mãi ánh mắt và cái ôm của những em nhỏ vùng biên. Tâm kể, bước ra ngoài trời dưới thời tiết 12-13 độ ai cũng thấy lạnh buốt muốn vào nhà ngay, vậy mà có những em bé nhỏ xíu vẫn đi chân trần chỉ vì không có dép. “Em nhìn vào ánh mắt các em nhỏ, thấy trong đó những ước mơ lớn nhưng bị giới hạn bởi hoàn cảnh. Bên cạnh đó là cái ôm chân thành từ các em khi gặp nhau và khi ra về. Đó là động lực giúp em tiếp tục cố gắng, nỗ lực dành dụm để mỗi hành trình trở nên đầy đặn hơn, giúp cho bà con và các em nhiều hơn”, Tâm chia sẻ. Sự dành dụm đó, với Tâm đôi khi là món đồ dùng học tập, chiếc mũ mới, một trò chơi, bức vẽ hay một chiếc kẹp tóc.
Theo đại diện Trường Đại học FPT, chương trình “7 ngày trải nghiệm" là sự kiện thường niên được tổ chức với hy vọng lan tỏa những giá trị tích cực từ sinh viên đến cộng đồng. Mùa đông năm nay, thông qua hoạt động giao lưu, tặng quà và phụ giúp người dân xã Thượng Trạch, sinh viên có điều kiện cảm nhận sâu sắc cuộc sống khó khăn nơi vùng biên giới, qua đó nâng cao ý thức cộng đồng và lòng nhân ái; đồng thời hoàn thiện kỹ năng sống, khám phá năng lực tiềm ẩn của bản thân để trở thành những “công dân toàn cầu” có trách nhiệm và tầm nhìn.
Chương trình này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển cá nhân toàn diện với các kỹ năng mềm cho sinh viên mà nhà trường hướng tới. “Đi nhiều nơi trong xã, em có thêm trải nghiệm cũng như gặp bao người dân hiền hậu, bao thầy cô trẻ tâm huyết với nghề và làm được nhiều việc ý nghĩa. Chuyến đi có thể mệt nhưng ngập tràn tiếng cười. Với em, 7 ngày không dài, không ngắn, đủ để em nhìn, hiểu và trải nghiệm được những gì mình cần phải trải qua”, Hoài Nam chia sẻ thêm.
LÂM VIÊN