.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Nối nghiệp nhà bằng... nồi đồng

.

Cách đây nửa tháng, ông tìm được chiếc nồi tám, đem về “đoàn tụ” cùng 9 chiếc kia thành một “đại gia đình” nồi đồng, được xem là bộ sưu tập nồi đồng độc đáo nhất Đà Nẵng hiện nay.

Ngôi nhà thờ phái tộc...
Ngôi nhà thờ phái tộc...

Trước đây, người ta biết đến ông Nguyễn Đức (hiện ở tổ dân phố 252 Hòa Mỹ 2, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vì ngôi nhà thờ phái Ba tộc Nguyễn Văn làng Hòa Mỹ do ông thiết kế theo kiểu nhà 4 mái của làng Hòa Mỹ xưa rất độc đáo, không giống bất cứ nhà thờ tộc nào trên vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Nay, với bộ sưu tập nồi đồng 10 chiếc, từ nồi một đến nồi mười, ông lại càng làm cho giới đam mê văn hóa cổ truyền dân tộc để mắt tới.

Nhà ông có bốn chiếc nồi đồng, từ nồi một đến nồi bốn (thường gọi là om một đến om bốn) truyền đến ông là 4 đời. Bà nội ông từng dùng những chiếc nồi đồng này nấu cơm, hấp khoai, luộc sắn nuôi con cháu ăn học. Chiếc nồi một dùng nhiều nhất, bà nội thường lấy đôi đũa bếp (còn gọi là đôi đũa cái) cạy cơm cháy, nên nồi bị lủng một lỗ nhỏ. Hàn đồng không dễ, nhất là vào thời buổi kỹ thuật còn quá lạc hậu, nhưng lại không khó đối với ông Bốn Mua, chồng một người cô của ông Đức, một trong những người thợ hàn nổi tiếng làng Hòa Mỹ xưa. Ông Đức hai lần ôm nồi ra nhờ dượng mình hàn, dấu tích còn để lại trên đáy chiếc nồi nấu được 3 lon gạo này.

Nồi không nắp, nấu món gì thì lấy lá chuối đậy lại rồi úp cái đĩa lên. Mùa đông ngồi với bạn bè (với người yêu càng thú vị), đưa tay vô nồi lôi ra củ sắn hoặc củ khoai, đưa lên miệng cắn phát thì không gì ngon và ấm bằng.

Dân gian có câu đố “Con mèo, con chó có lông/ Cây tre có mắt, nồi đồng có quai” hỏi là quả gì? Tuy câu đố “mẹo” này để chỉ quả thị (đích thị như thế) hay quả thật (đúng như vậy), nhưng ông Đức vẫn thắc mắc vì sao nồi đồng lại hiển nhiên phải có quai? Tìm hiểu, ông thấy cái bàn ủi than bằng đồng (giờ không ai xài nữa) phía trước có con gà để khóa/mở nắp được làm bằng đồng lạnh, loại đồng dù có đốt ở nhiệt độ cao vẫn không nóng. Thì ra, hai cái quai của nồi đồng cũng được làm cùng chất liệu, có thể dùng tay không nắm vô đó để nhắc nồi đang nóng xuống mà không sợ bị bỏng.

...và bộ sưu tập nồi đồng độc đáo của ông Nguyễn Đức. Ảnh: L.G.L
...và bộ sưu tập nồi đồng độc đáo của ông Nguyễn Đức. Ảnh: L.G.L

Chính nét độc đáo của nồi đồng cộng với giá trị tinh thần của bốn chiếc nồi gia truyền đã kích thích ông cất công đi sưu tầm thêm cho đủ 10 chiếc. Đó cũng là cách ông đền đáp công ơn của bà nội, lúc sinh tiền bà ước ao có cái nồi mười để Tết đến nấu bánh tét cúng tổ tiên.

Sau gần 3 năm truy lùng, bộ nồi đồng của ông vẫn còn thiếu hai chiếc, nồi bảy và nồi tám. Vì thế, ông đã “lỡ hẹn” với Festival Huế 2014 diễn ra vào trung tuần tháng 4 vừa rồi, khi ban tổ chức, qua người giới thiệu, tỏ ý mời ông tham gia trưng bày hiện vật cổ miền Trung.

Nồi bảy, ông lặn lội vùng đất Đông Giang (xưa là huyện Hiên) mới tìm ra được, mua lại của một gia đình người Cơ-tu ở Dốc Kiền. Nồi tám được ông tìm bằng một cơ may ngẫu nhiên.

Mấy người thợ nề đến xây dựng nhà thờ phái Ba tộc Nguyễn Văn của ông, thỉnh thoảng nghe ông “than thở” vì chưa tìm ra cái nồi tám cho trọn bộ sưu tập. Một người thợ tốt bụng đã đích thân đưa ông lên Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, gặp một người tên Sơn đang có chiếc nồi ông đang tìm. Cũng không dễ, con bán thì cha không ưng, đến khi cha ưng thì mẹ không gật. Họ nói đó là vật gia truyền từ bao đời nay, chừ giữ lại làm kỷ niệm chứ không bán chác. Ông Đức thực tình kể về bộ sưu tập của mình còn thiếu một “mắc xích”, về ý tưởng gìn giữ gia phong của tổ tiên để lại, cuối cùng họ đồng ý. Thế là đi về 6 lần ông mới mua được chiếc nồi cuối cùng.

10 chiếc nồi đồng như những bộ búp-bê matrioska của xứ sở Bạch dương, chiếc nhỏ có thể xếp gọn trong lòng chiếc lớn hơn, đường kính miệng nồi chiếc nhỏ nhất 14cm, chiếc lớn nhất 43cm. Tất cả nồi đồng đều có đáy mo tròn là để dễ xoay nồi, khác với nồi nhôm đáy phẳng về sau. Xưa nấu ăn bằng củi, nồi được đặt trên ba cục đá hay trên cái ông kiềng, cơm cạn nước là cời than ra, nhắc xuống vùi đáy nồi vô than. Trong lúc nấu thức ăn các loại được nửa thời gian thì xoay nồi một góc 180 độ để nồi bắt hơi lửa trong bếp cho cơm chín đều.

Sau 3 năm hoàn thành tâm nguyện, ông mang bộ sưu tập nồi đồng đặt trước bàn thờ tổ tiên, trịnh trọng cáo trình với tiền nhân chứng minh tấm lòng thành của mình. Chiếc nồi một đã nuôi ông khôn lớn. Ông từng lăn vào bếp, củi tre lụp bụp, khói lửa mịt mù, mắt lúc nào cũng cay xè. Hấp khoai, luộc sắn, nấu cơm, ông là người cuối cùng của gia đình sử dụng nồi đồng. Con cháu ông giờ đâu biết tới. Ông giữ lại bộ sưu tập nồi đồng trong nhà thờ phái tộc như một báu vật, để con cháu sau này xem đó mà biết đến cuộc sống và tấm lòng của tiền nhân…

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.