.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Nhà có 8 đại học

.

Hiện không ai được như gia đình ông Nguyễn Hạ và bà Đặng Thị Phương Lan, nhà có 9 người con thì hết 8 người tốt nghiệp đại học và trên đại học.

Những dịp lễ, tết, gia đình ông Nguyễn Hạ lại đoàn tụ bên nhau.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Những dịp lễ, tết, gia đình ông Nguyễn Hạ lại đoàn tụ bên nhau. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thời tiểu học của ông Hạ đi qua các trường ở Diệm Sơn (Điện Tiến, Điện Bàn) quê ông, rồi Hòa Tiến (Hòa Vang). Lên trung học đệ nhất cấp (THCS bây giờ) ông lặn lội xuống học trường Nguyễn Duy Hiệu dưới Vĩnh Điện, trung học đệ nhị cấp (THPT bây giờ) lại phải ngược ra Đà Nẵng học Trường Phan Thanh Giản. Từ thực tế đời học trò của mình bị “thiên di” qua nhiều nơi với không ít vất vả, gian nan mà vẫn không vào được ngưỡng cửa của giảng đường đại học, ông quyết chí dù gì đi nữa cũng phải gắng cho con ăn học hơn mình.

Năm 1962 ông đi lính hải thuyền của quân đội chế độ cũ đóng ở Tiên Sa. Từ công việc lính văn phòng, ông hoạt động cách mạng với bí danh Cừu, ngầm lấy tài liệu mật như bản đồ, thời gian nhảy dù xâm nhập miền Bắc của lính biệt kích cung cấp cho Cục B45 Bộ Công an. Gần 2 năm sau ông bị chế độ cũ nghi ngờ, bắt giam gần 3 tháng, nhưng không khai thác được gì lại phải thả ông ra.

Từ đó, ông về làm nghề dạy học cho đến khi nghỉ hưu năm 1998. Vợ ông, bà Đặng Thị Phương Lan, cũng là nhà giáo, từng công tác cho ngành Binh vận Quảng Đà. Ghi nhận đóng góp của vợ chồng ông trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, Nhà nước đã tặng ông Huân chương Kháng chiến hạng ba, vợ ông Huy chương Kháng chiến hạng nhất.

Nhà ông hiện ở cuối con hẻm K48/11 Lê Duẩn, nơi mà mấy chục năm trước ông đã phải bán từng khoảnh đất để lấy tiền nuôi 9 người con, 6 trai, 3 gái ăn học. Vào những năm 60-70 thế kỷ trước, nói theo dân gian, đó là một đoàn “tàu há mồm” khiến cho những bậc làm cha làm mẹ phải nặng nợ mưu sinh. Hai vợ chồng ông đều là giáo viên, lúc đó có chế độ con ăn theo cha mẹ nên cũng đỡ được phần nào. Ngoài ra, để có thêm khoản tiền trang trải cho cả gia đình, vợ chồng ông mở thêm 7 bàn bi-a ngay trong nhà mình.

9 người con, trừ người con út tốt nghiệp trung cấp, còn lại đều tốt nghiệp đại học và trên đại học. Cả ba người con gái đều là bác sĩ; một đang phụ trách công tác kiểm dịch thực phẩm tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, một theo chồng sinh sống ở Australia, một phụ trách khám chữa bệnh cho một tập đoàn kinh tế tư nhân. Trong số những người con trai, có một người tốt nghiệp thạc sĩ tại Học viện Công nghệ châu Á (Asian Institute of Technology - AIT), một học viện quốc tế đào tạo sau đại học về kỹ thuật, công nghệ và quản lý nổi tiếng tại Thái Lan, hiện công tác cho một công ty Singapore tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo nhận xét của ông Hạ, thành đạt nhất hiện nay là người con thứ hai, TS, BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn, đang là trưởng khoa Y dược - Đại học Đà Nẵng. BS Chấn từng chia sẻ với báo giới rằng: “Đối với sinh viên ngành y, giỏi về chuyên môn là chưa đủ mà còn phải có một y đức sáng. Y đức không sẵn có mà đó là một quá trình học tập, rèn luyện, trau dồi. Do vậy việc chú trọng giảng dạy môn y đức trong chương trình đào tạo giúp cho sinh viên ngành y có những khái niệm, hiểu biết, quy tắc chung về đạo đức nghề nghiệp”.

Lời thề Hyppocrates, Tuyên ngôn Genève, 12 điều Y đức... đâu chỉ là đạo đức của người thầy thuốc trong bệnh viện mà còn là khuôn vàng thước ngọc để những người con của ông, nhiều người là bác sĩ, làm hành trang để hoàn thiện bản thân trên đường đời. Những ngày lễ, những dịp Tết, họ lại rủ nhau về thăm vợ chồng ông. Ngôi nhà nhỏ nằm cuối con hẻm 48 Lê Duẩn lại tràn ngập tiếng reo cười, lời chúc phúc. Hai ông bà cảm thấy tuổi già của mình chừng như chậm lại.

Có thể nói, trên mặt bằng chung hiện nay, những người con của ông đã có được một chỗ đứng trong xã hội mà nhiều người mong ước. Thành công ngoài xã hội nhưng tất cả vẫn luôn đặt gia đình lên trên. Ông chia sẻ: “Mỗi gia đình là một xã hội thu nhỏ, từng thành viên là một nhân tố quan trọng tạo nên một gia đình đầm ấm hạnh phúc và văn hóa. Các con tôi đã cố gắng vươn lên, dìu dắt nhau học tập, đứa trước hỗ trợ kinh tế cho đứa sau để vượt qua trở ngại, khó khăn trong cuộc sống. Từng bước chân trên đường đời của con luôn có sự động viên, dõi theo của những bậc cha mẹ. Với tư cách một người cha, một người mẹ, đồng thời là những nhà giáo, chúng tôi rất tự hào về thành tích của con cái ngày hôm nay”.

Ông về hưu năm 1998, hiện tham gia công tác Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức, Hội Tù yêu nước của phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Ông Lê Minh Xuân, Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường Hải Châu 1, (nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu thư viện Khoa học kỹ thuật tỉnh QN-ĐN cũ), người sinh hoạt chung với ông Hạ nói rằng: Cái độc đáo của ông Hạ không chỉ là có 8 con đại học mà có con thạc sĩ, tiến sĩ. Ông Phạm Đình Hảo, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng cũng cho biết, vợ chồng ông Hạ là gia đình có nhiều con đã tốt nghiệp đại học nhất tính đến thời điểm hiện nay.

Gần 40 năm làm nghề dạy học, cái nghề mà ông gọi là “ươm mầm xanh” hay “trồng người” được xã hội trọng vọng, giờ ở nửa bên kia sườn dốc cuộc đời, ông cảm thấy mãn nguyện. Trọng cái học, con ông đã “qua mặt” ông và ông có thể đàng hoàng tự hào rằng vợ chồng mình là gia đình có con đỗ đại học nhiều nhất Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.