.

120 năm đô thị hóa miền Trung - Phần 2: Đô thị hóa mở rộng (1900-1918)

.

Trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ XX, công cuộc đô thị hóa ở miền Trung được mở rộng song song với việc xác lập ranh giới các đô thị mới thành lập cuối thế kỷ XIX. Quá trình đó tỷ lệ thuận với quy mô và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thông qua chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp ở Trung Kỳ cũng như toàn Đông Dương.

        >> Phần 1: Bước khởi đầu quá trình đô thị hóa (1889-1899)

1-  Đô thị hóa mở rộng

Lao động làm vườn hoa công cộng ở đô thị Đà Nẵng.(Ảnh tư liệu)

Đánh dấu cho việc đô thị hóa mở rộng ở miền Trung đầu thế kỷ XX là sự xuất hiện thêm các thị trấn, thị xã ở nhiều tỉnh.

Ở khu vực Bắc Trung Kỳ, Bến Thủy là một cảng khá quan trọng, nằm trong địa giới của tỉnh Nghệ An. Ngày 14-3-1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị trấn Bến Thủy (centre de Ben-thuy); đặt Bến Thủy dưới chế độ như các đạo dụ của Nam triều ngày 20-10-1898 và 12-7-1899 đã nói ở phần 1.

Tại Quảng Trị, từ năm 1890 đến 1900, Quảng Trị được ghép với Quảng Bình và sau đó là Thừa Thiên, nên tại đây chỉ có lỵ sở của viên Phó công sứ Pháp. Năm 1900, Quảng Trị tách thành tỉnh độc lập. Vào ngày 17-2-1906, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị (le centre urbain de Quang-tri), được quyền thu một số loại thuế trong thị xã nộp vào ngân sách của tỉnh. Dụ của vua Duy Tân ngày 11-3-1914 do Toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 18-2-1916 cho  phép thị xã Quảng Trị có thu nhập riêng và ngân sách riêng như 6 thị xã được thiết lập bởi văn bản của Nam triều ngày 20-10-1898 và 12-7-1899.

Trung Kỳ là nơi chậm phát triển về kỹ nghệ, bởi vậy các trung tâm kỹ nghệ ở đây hết sức hiếm hoi. Trường Thi nằm ở tỉnh Nghệ An, cạnh Vinh và Bến Thủy, tương đối tấp nập nhờ có xưởng sửa chữa xe lửa; nên vào 27-8-1917 vua Khải Định xuống Dụ và Toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 21-9-1917 thiết lập thị xã Trường Thi (le centre urbain de Truong-thi).

Thị xã Trường Thi được đặt dưới chế độ như các thị xã đã thành lập do các văn bản của Nam triều ngày 20-10-1898 và 12-7-1899; có thu nhập riêng và ngân sách riêng.Ở khu vực Nam Trung Kỳ, Phan Rí là nơi đóng lỵ sở của cơ quan Nam Triều tỉnh Bình Thuận, trong khi Tòa Công sứ Pháp lại nằm ở Phan Thiết.

Bản đồ thành phố Đà Nẵng năm 1909.  (Ảnh tư liệu)

Ngày 15-11-1911, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Phan Rí, đặt thị xã này dưới chế độ của các văn bản Nam triều ngày 20-10-1898 và 12-7-1899 như thị xã Phan Thiết; song ngân sách của thị xã Phan Rí nằm trong ngân sách của tỉnh Bình Thuận (nhưng đến 18-2-1916 thị xã Phan Rí bị xóa bỏ bởi Nghị định của Toàn quyền Đông Dương).

Ở khu vực Tây Nguyên, trong giai đoạn này mặc dù đã xuất hiện một vài thị tứ, như Kon Tum, Ban Mê Thuột, nhưng chưa tiến tới thành lập đơn vị hành chính đô thị, ngoại trừ Đà Lạt.Đà Lạt nguyên là phần đất thuộc tỉnh Khánh Hòa cuối thế kỷ XIX. Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 20-5-1901 tách một phần đất của Khánh Hòa lập nên tỉnh Phan Rang, nên Đà Lạt thuộc tỉnh Phan Rang. Ngày 9-2-1913 tỉnh Phan Rang bị xóa bỏ, phần đất phía nam Phan Rang được sáp nhập vào Bình Thuận, Đà Lạt lại thuộc tỉnh Bình Thuận.

Nghị định Toàn quyền Đông Dương 6-1-1916 và Dụ của vua Duy Tân 19-3-1916 do Toàn quyền chuẩn y ngày 3-5-1916 tách phần đất phía tây Bình Thuận lập thành tỉnh Lâm Viên, tỉnh lỵ là Đà Lạt. Để phát triển Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ mát lớn tại Trung Kỳ, ngày 20-4-1916 vua Duy Tân xuống Dụ và Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y thành lập thị xã Đà Lạt (le centre urbain de Dalat).

2- Xác lập ranh giới đô thị

Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XX, bên cạnh công cuộc đô thị hóa mở rộng ở các địa bàn kinh tế-xã hội quan trọng, việc xác lập ranh giới các đô thị đã ra đời từ cuối thế kỷ XIX cũng được xúc tiến khá rầm rộ.
Ngày 16-1-1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang ra khỏi tỉnh Quảng Nam. Tiếp đó, ngày 15-1-1901 vua Thành Thái xuống Dụ và ngày 26-1-1901 Toàn quyền Đông Dương ra quyết định chuẩn y cho phép mở rộng nhượng địa Đà Nẵng và ranh giới mới. Đứng đầu thành phố Đà Nẵng là viên Đốc lý (Résident-Maire), coi sóc luôn cả huyện Hòa Vang. Chức Đốc lý thành phố Đà Nẵng do Công sứ Quảng Nam đóng tại Đà Nẵng kiêm nhiệm.

Sau đó, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 19-9-1905 tách huyện Hòa Vang về lại tỉnh Quảng Nam, không còn ghép chung với thành phố Đà Nẵng. Nghị định của Toàn quyền ngày 31-7-1908 cho phép tổ chức lại thành phố Đà Nẵng, với một Hội đồng thành phố có Đốc lý đứng đầu, nhưng do Toàn quyền  bổ dụng chứ không do Công sứ Quảng Nam kiêm nhiệm. Đốc lý được đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Khâm sứ Trung Kỳ.

Đà Nẵng là thành phố cấp II duy nhất ở Trung Kỳ nằm trên đất nhượng địa với một quy chế riêng và không ngừng phát triển để trở thành một trung tâm đô thị cỡ lớn nhất ở miền Trung. Đối với các thị xã thành lập năm 1899, chính quyền Pháp - Nam triều cũng có sự chú ý chỉnh trang. Ngày 14-3-1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy định cụ thể ranh giới của các thị xã Thanh Hóa, Vinh, Quy Nhơn và ấn định các nguồn thu vào ngân sách của thị xã, với thu nhập riêng và ngân sách riêng.

Huế là kinh đô của Việt Nam dưới triều Nguyễn. Sau năm 1885, Huế vẫn tiếp tục là nơi đóng trụ sở của chính quyền phong kiến Nam triều, là trung tâm hành chính của xứ Trung Kỳ và của tỉnh Thừa Thiên. Đối với người Pháp, Huế vừa là nơi đặt Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, vừa là nơi Công sứ tỉnh Thừa Thiên trú đóng. Ngày 3-5-1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ chức Công sứ Huế và đặt tỉnh Thừa Thiên dưới quyền trực tiếp của Khâm sứ Trung Kỳ. Từ năm 1900, Thừa Thiên mới thôi đặt dưới quyền trực tiếp của Khâm sứ và lại do viên Công sứ đóng ở Huế cai quản.

Thị xã Huế lần lượt được quy định về ranh giới đô thị bởi Nghị định Toàn quyền 31-12-1901, được mở rộng địa hạt thị xã bởi Dụ của vua Thành Thái ngày 22-6-1908. Phan Thiết là một trung tâm thương mại quan trọng ở Bình Thuận. Từ ngày 1-1-1898, khi Bình Thuận tách khỏi tỉnh Thuận - Khánh đứng thành một tỉnh riêng, dù cơ quan hành chính tỉnh của Nam triều đóng ở thành Phan Rí, Công sứ Bình Thuận vẫn đóng dinh ở Phan Thiết.

Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 14-3-1900 và 17-12-1900 quy định cụ thể thêm cho thị xã Phan Thiết và vùng ngoại ô Phố Hài có thu nhập riêng và ngân sách riêng, đồng thời ấn định các nguồn thu của ngân sách thị xã.

Bản đồ thị xã Vinh năm 1909. (Ảnh tư liệu)

Đầu thế kỷ XX, cơ quan Nam triều của tỉnh Bình Thuận dời từ thành Phan Rí về thị xã Phan Thiết, chính thức hợp nhất địa điểm đóng tỉnh lỵ của hai chính quyền Pháp - Nam ở Bình Thuận là Phan Thiết.Ngoài việc mở rộng địa giới thành phố Đà Nẵng và các thị xã ở Trung Kỳ được thành lập vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; vào ngày 11-3-1914, vua Duy Tân xuống Dụ và sau đó được Nghị định Toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 18-2-1916 cho phép nâng cấp thị trấn Bến Thủy để thành lập thị xã Bến Thủy (le centre urbain de Ben-thuy).

Thị xã Bến Thủy có thu nhập riêng và nguồn ngân sách riêng như 6 thị xã được thành lập theo Dụ của vua Thành Thái ngày 12-7-1899 và cùng một đơn vị với thị xã Vinh.Tính từ đầu thế kỷ XX đến khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1918), ở miền Trung có một thành phố (Đà Nẵng) và 11 thị xã (trong đó có 1 thị xã được nâng cấp từ thị trấn là Bến Thủy và 1 thị xã bị bãi bỏ là Phan Rí). Công cuộc đô thị hóa mở rộng và việc chỉnh trang địa giới các đô thị đã có một bước tiến mới, làm nền tảng cho sự đẩy mạnh đô thị hóa và nâng cấp đô thị ở giai đoạn tiếp theo.
                                       
NUYÊN QUAN TRUNG TUYẾN

;
.
.
.
.
.