.

120 năm đô thị hóa ở miền Trung

.

2- Bùng nổ đô thị hóa (1986-2009)

Một khu đô thị đang được mở rộng ở quận Sơn Trà - Đà Nẵng (trước đây là quận 3).
                                               Ảnh: VĂN PHƯƠNG

Đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12-1986 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử dân tộc. Với đường lối, chính sách đổi mới, kinh tế-xã hội bắt đầu phát triển đi lên, tác động trực tiếp đến các đô thị ở miền Trung, tạo nên sự bùng nổ đô thị hóa trên toàn miền. Sự bùng nổ thể hiện trên cả hai mặt: chất lượng và số lượng.

Về chất lượng, nhiều đô thị bắt đầu phát triển mạnh cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa các ngành kinh tế, khiến mức độ tập trung dân cư tăng nhanh, hình thành nhu cầu khách quan mở rộng và nâng cấp đô thị lên tầm cao mới. Còn về số lượng, giai đoạn này chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt đô thị từ thị trấn đến thị xã và thành phố.

Về các thành phố được nâng cấp, một trong những điển hình là ngày 6-11-1996, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 10, đã phê chuẩn việc tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng để thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, xếp theo đô thị loại 2. Đà Nẵng có 7 đơn vị hành chính gồm các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa; diện tích 942,46km2; dân số 663.115 người.

Ngày 15-7-2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Đến 29-8-2005, theo Nghị định số 102/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, thêm quận Cẩm Lệ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa An, Hòa Xuân thuộc huyện Hòa Vang, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Khuê Trung thuộc quận Hải Châu; với tổng diện tích tự nhiên là 3.330ha và 71.429 nhân khẩu. Thành phố Đà Nẵng lúc này có 6 quận và 2 huyện.

Ở Huế, năm 1990, thành phố Huế có 17 xã tách ra nhập trở về các huyện. Sau khi điều chỉnh, thành phố Huế còn 18 phường và 5 xã, với tổng diện tích là 6.777,2ha, dân số 259.838 người. Năm 1993 thành phố Huế được công nhận đô thị loại 2. Qua các lần chia tách vào 22-11-1995 và 27-3-2007, có 8 phường mới được thành lập trên cơ sở 4 phường, xã cũ. Đến đây, thành phố Huế có 27 đơn vị hành chính gồm 24 phường và 3 xã. Theo số liệu thống kê cuối năm 2005, đô thị Huế có diện tích tự nhiên 70,99km2, dân số 326.201 người. Ngày 24-8-2005, thành phố Huế được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.

Đối với thành phố Vinh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra, Vinh trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Nghệ An. Ngày 13-8-1993, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận thành phố Vinh là đô thị loại 2. Ngày 30-9-2005, Chính phủ ban hành Quyết định 239/QĐ-CP phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thành phố Vinh trở thành đô thị trung tâm Bắc Trung Bộ. Đánh giá cao và thừa nhận sự phát triển của thành phố Vinh, nên đến ngày 5-9-2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1210/QĐ-TTg, công nhận Vinh là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Nghệ An.

Tương tự như thành phố Vinh, vào 1-7-1989, tỉnh Khánh Hòa được tái lập từ tỉnh Phú Khánh cũ, thành phố Nha Trang là tỉnh lỵ tỉnh Khánh Hòa. Vào 22-4-1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 106/1999/QĐ-CP công nhận thành phố Nha Trang là đô thị loại 2.

Ngày 27-10-1994, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 620/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010 và xác định Đà Lạt là trung tâm du lịch-nghỉ dưỡng của vùng, cả nước và quốc tế; tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm văn hóa, dịch vụ, đầu mối giao lưu kinh tế của tỉnh và là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước.

Ngày 24-7-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 158/1999/QĐ-TTg công nhận thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng là đô thị loại 2. Thành phố Đà Lạt là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; là thành phố du lịch, nghỉ dưỡng của cả nước. Năm 2004 thành phố có 12 phường, 3 xã, diện tích 391,04km2, dân số 188.467 người.

Trong giai đoạn này, liên tiếp nhiều thị xã cũng được nâng cấp lên thành phố. Ngày 1-5-1994, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 37/NĐ-CP thành lập thành phố Thanh Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa trên nền các đơn vị hành chính cơ sở, diện tích, dân số và địa giới hành chính của thị xã Thanh Hóa cũ.

Ở Tây Nguyên, ngày 21-1-1995, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 08/NĐ-CP cho phép thành lập thành phố Buôn Ma Thuột trên cơ sở thị xã Buôn Ma Thuột. Đến 24-4-1999, Nghị định của Chính phủ số 29/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Pleiku. Thành phố Pleiku có 22.569,6ha diện tích tự nhiên và 160.192 nhân khẩu, gồm 14 đơn vị hành chính cơ sở phường, xã.

Còn đối với Phan Thiết, ngày 25-8-1999, Chính phủ ra Nghị định số 81/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Phan Thiết. Thành phố Phan Thiết có 20.586ha diện tích tự nhiên và 186.404 nhân khẩu, gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc (10 phường và 5 xã).

Tháng 7-1989, Bình Trị Thiên tách làm 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Thị xã Đồng Hới là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình. Trong các năm 1991, 1992, 1998, 2003, thị xã Đồng Hới liên tục được mở rộng. Vào tháng 6-2003, thị xã Đồng Hới có 16 đơn vị hành chính gồm 10 phường và 6 xã. Căn cứ vào Quyết định số 132/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân loại và phân cấp quản lý đô thị, ngày 28-10-2003, Bộ Xây dựng ra Quyết định số 1425/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Đồng Hới là đô thị loại 3.

Thị xã Đồng Hới được nâng cấp thành thành phố Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình theo Nghị  định của Chính phủ số 156/2004/NĐ-CP ngày 16-8-2004, với diện tích 155,54km2, dân số 130.636. Năm 2009, thành phố Đồng Hới có 16 đơn vị hành chính gồm 11 phường 5 xã.

Ngày 5-1-2005, Chính phủ ra Nghị định số 03/2005/NĐ-CP thành lập thành phố Tuy Hòa trực thuộc tỉnh Phú Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Tuy Hòa. Thành phố Tuy Hòa có 6.436ha diện tích tự nhiên và 123.820 nhân khẩu, có 12 đơn vị hành chính phường, xã trực thuộc. Nghị định của Chính phủ số 175/2007/NĐ-CP ngày 3-12-2007 mở rộng thành phố Tuy Hòa với 10.682ha diện tích tự nhiên và 142.673 nhân khẩu, có 16 đơn vị hành chính phường, xã trực thuộc.

Ngày 26-8-2005, Chính phủ ra Nghị định số 112/2005/NĐ-CP thành lập thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Quảng Ngãi. Thành phố Quảng Ngãi có 3.712ha diện tích tự nhiên và 133.843 nhân khẩu, có 10 đơn vị hành chính phường, xã trực thuộc.

Đến 29-9-2006, Nghị định của Chính phủ số 113/2006/NĐ-CP thành lập thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Tam Kỳ. Thành phố Tam Kỳ có 9.263,56ha diện tích tự nhiên và 123.662 nhân khẩu; có 13 đơn vị hành chính phường, xã.

Ở Hà Tĩnh, ngày 19-7-2006, thị xã Hà Tĩnh được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại 3. Đến 28-5-2007, Chính phủ ra Nghị định số 89/2007/NĐ-CP thành lập thành phố Hà Tĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Hà Tĩnh. Thành phố Hà Tĩnh có 5.632ha diện tích tự nhiên và 117.546 nhân khẩu, có 16 đơn vị hành chính phường, xã trực thuộc.

 

Nhà cao tầng ở trung tâm thành phố Đà Nẵng đang được xây dựng ngày càng nhiều. 
                                                      Ảnh: THỤC YÊN

Ở Ninh Thuận, ngày 8-2-2007, Chính phủ ra Nghị định số 21/2007/NĐ-CP thành lập thành phố Phan Rang-Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có 7.937,56ha diện tích tự nhiên, dân số 162.941 người, có 15 đơn vị hành chính phường, xã trực thuộc.

Tại Quảng Nam, ngày 29-1-2008, Nghị định của Chính phủ số 10/2008/NĐ-CP cho phép thành lập thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Hội An. Thành phố Hội An có 6.146,88ha diện tích tự nhiên và 121.716 nhân khẩu, có 13 đơn vị hành chính phường, xã trực thuộc.  Sự bùng nổ đô thị hóa còn thể hiện rõ nét qua việc mở rộng các thị xã vốn được xếp loại là đô thị loại 4.

Ở tỉnh Quảng Trị, năm 1991, thị xã Đông Hà có 7.626,4ha diện tích tự nhiên và 60.685 nhân khẩu, bao gồm 5 phường và 2 xã. Với Quyết định số 568/TCCP ngày 21-10-1991 của Bộ trưởng-Trưởng ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, thị xã Đông Hà được thành lập thêm 2 phường mới. Theo tinh thần Nghị định số 08-1999/NĐ-CP ngày 1-3-1999 của Chính phủ, thị xã Đông Hà được điều chỉnh lại thành 9 phường nội thị. Dân số trung bình năm 2003 của thị xã Đông Hà là 76.317 người.

Cũng ở trên đất Quảng Trị, ngày 16-9-1989 Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 134/QĐ-HĐBT về việc lập lại thị xã Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị được tái lập trên cơ sở thị trấn Quảng Trị-trung tâm huyện lỵ của huyện Triệu Hải, gồm có 2 phường với 547ha diện tích tự nhiên và 12.000 nhân khẩu. Năm 1994 thị xã Quảng Trị được công nhận là đô thị loại 4.

Tiếp đó, ngày 2-2-1992, thị xã Hồng Lĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh được thành lập trên cơ sở thị trấn Hồng Lĩnh, xã Đức Thuận, xã Trung Lương; với 29,02ha diện tích tự nhiên và 389 nhân khẩu của xã Đức Thịnh thuộc huyện Đức Thọ; các xã Đậu Liêu và Thuận Lộc thuộc huyện Can Lộc.

Ngày 29-8-1994, Nghị  định của Chính phủ số 113/NĐ-CP cho phép thành lập thị xã Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An trên cơ sở thị trấn Cửa Lò và các xã Nghi Thu, Nghi Hưng, Nghi Hòa, Nghi Hải; với 50 héc-ta diện tích tự nhiên, 2.291 nhân khẩu của xã Nghi Quang thuộc huyện Nghi Lộc. Thị xã Cửa Lò có diện tích tự nhiên 2.329 héc-ta; nhân khẩu 37.712.

Vào 7-7-2000, huyện Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa được nâng lên thành thị xã Cam Ranh trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đến 9-12-2003, Chính phủ ra Nghị định số 155/2003/NĐ-CP thành lập thị xã An Khê trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Tú An, Cửu An, Song An, Thành An và thị trấn An Khê thuộc huyện An Khê. Thị xã An Khê có 19.912,10ha diện tích tự nhiên và 62.600 nhân khẩu.

Ở tỉnh Bình Thuận, vào 5-9-2005 Chính phủ ra Nghị định số 114/2005/NĐ-CP thành lập thị xã La Gi trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn La Gi và các xã Tân An, Tân Thiện, Tân Bình, Tân Hải thuộc huyện Hàm Tân. Thị xã La Gi có 18.282,64ha diện tích tự nhiên và 112.558 nhân khẩu.

Trên đất Tây Nguyên, ngày 30-3-2007, Nghị định của Chính phủ số 50/2007/NĐ-CP cho phép thành lập thị xã Ayun Pa thuộc tỉnh Gia Lai trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính toàn bộ 1.727,5ha diện tích tự nhiên và 21.613 nhân khẩu của thị trấn Ayun Pa; 3.100ha diện tích tự nhiên và 2.900 nhân khẩu của xã Ia Rtô; 15.537ha diện tích tự nhiên và 6.962 nhân khẩu của xã Ia Rbol; 8.336ha diện tích tự nhiên và 3.583 nhân khẩu của xã Ia Sao. Thị xã Ayun Pa có 28.700,5ha diện tích tự nhiên và 35.058 nhân khẩu.


Đến 23-12-2008, Nghị định của Chính phủ số 07/NĐ-CP cho phép thành lập thị xã Buôn Hồ thuộc tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở điều chỉnh 28.205,89ha diện tích tự nhiên và 101.554 nhân khẩu của huyện Krông Búk (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Đoàn Kết, Thống Nhất, Ea Siên, Bình Thuận, Ea Drông, Cư Bao, thị trấn Buôn Hồ; 2.950,44ha diện tích tự nhiên và 6.666 nhân khẩu của xã Ea Blang; 1.336,9ha diện tích tự nhiên và 7.109 nhân khẩu của xã Ea Đê). Thị xã Buôn Hồ có 28.205,89ha diện tích tự nhiên và 101.554 nhân khẩu, có 8 đơn vị hành chính xã và thị trấn trực thuộc.

Nhìn chung, đã có một sự bùng nổ đô thị hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Tất cả các tỉnh miền Trung đều được cuốn vào cơn lốc đô thị hóa, hình thành các trung tâm đô thị đa dạng và là động lực, mục tiêu phát triển của các địa phương. Diện mạo kinh tế-xã hội của miền Trung được cải thiện rất nhiều từ sự bùng nổ đô thị hóa hiện nay. Dường như chỉ rất ít địa bàn cấp huyện không có đô thị, nếu thống kê đầy đủ các thị trấn vốn được xếp hạng đô thị loại 5.

Tính đến đầu năm 2009, đô thị miền Trung có 3 thành phố được xếp hạng đô thị loại 1 là Đà Nẵng, Huế và Vinh (trong đó Đà Nẵng trực thuộc Trung ương); 5 thành phố được xếp hạng đô thị loại 2 là Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột; 10 thành phố và thị xã được xếp hạng đô thị loại 3 là Đồng Hới, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phan Rang, Phan Thiết, Pleiku, Đông Hà, Tam Kỳ, Hội An, Kon Tum. Nếu tính cả đô thị loại 4 và 5, đô thị miền Trung đã tỏ ra vượt trội về số lượng so với hai miền Nam, Bắc.

Trải qua 120 năm đô thị hóa kể từ khi thành phố Đà Nẵng được thiết lập, so với hai đầu đất nước, miền Trung đã có một bước tiến dài khá vững chắc trên con đường hội nhập với thế giới văn minh. Đó là kết quả khách quan từ sự năng động của địa bàn miền Trung trong thời đại mới. Thành tựu đó vô cùng quý giá, bởi trong nền kinh tế trọng nông truyền thống của quá khứ, miền Trung luôn là hình ảnh nghèo đói. Công cuộc đô thị hóa vẫn đang tiếp diễn ở các tỉnh miền Trung. Chắc chắn trong tương lai gần, miền Trung sẽ sớm khẳng định được sức sống mãnh liệt của mình song song với quá trình đô thị hóa đang bùng nổ.                        

N.Q.T.T

;
.
.
.
.
.