L.T.S: Những ngày tháng ba lịch sử cách đây 34 năm, theo Đoàn quân tiến vào giải phóng các đô thị tại miền Nam, nhiều phóng viên chiến trường đã kịp ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng đó của dân tộc. Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, chúng tôi trân trọng giới thiệu ghi nhanh “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng” của tác giả Trần Mai (tên thật Trần Mai Hưởng, hiện là Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng) đã phản ánh không khí Đà Nẵng trong những ngày lịch sử ấy. Bài đăng trên Báo Nhân dân ngày 2-4-1975.
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng (ngày 29-31975).Ảnh tư liệu |
- Các cháu ơi! Dừng lại chút cho lão ngắm lá cờ Mặt trận rồi hãy đi.
Đông quá không len được tới gần, cụ đứng xa ngắm lá cờ cách mạng rồi khóc òa lên.
Ở các góc phố, không một chiến sĩ giải phóng nào không có hàng chục, hàng chục người xúm xít vây quanh. Bà con mang nước, cơm, bánh ngọt ra ủng hộ các chiến sĩ. Những thiếu nữ, thanh niên, các em nhỏ quây quần chung quanh các chiến sĩ như những người thân thiết. Tình cảm cách mạng, lòng yêu thương của nhân dân Đà Nẵng đối với những chiến sĩ giải phóng không chỉ biểu hiện trong phút giây gặp gỡ.
Đà Nẵng, quê hương của Hoàng Diệu, Thái Phiên, nơi Ông Ích Khiêm nổ tiếng súng chống Pháp đầu tiên, là thành phố của những người nổi dậy. Ngay trước ngày giải phóng, gần 5.000 binh sĩ thuộc Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm nổi dậy mang súng về với cách mạng. Ở các khu phố An Hải Nam, An Hải Bắc, Mân Thái, Nại Nghĩa... thuộc quận 3 và nhiều khu phố khác, lực lượng tự vệ cùng đồng bào đã nổi dậy giành quyền làm chủ ngay từ lúc quân địch chưa kịp tháo chạy. Sáng 29-3, hàng nghìn đồng bào ào tới đập phá lãnh sự quán Mỹ tại số nhà 60 đường Bạch Đằng.
Chúng tôi vào Đà Nẵng ngay những giờ đầu của thành phố giải phóng, được sống trong không khí hân hoan, tràn ngập niềm vui của thành phố cửa biển vừa vùng lên làm chủ cuộc đời. Khắp thành phố, từ căn cứ Phước Tường đến cứ điểm Non Nước, bán đảo Sơn Trà, từ sân bay Đà Nẵng đến bãi biển Thanh Bình, đâu đâu cũng phấp phới cờ bay. Qua đường Thanh Khê, Hùng Vương, Đồng Khánh...
chúng tôi gặp cả một thác người cuồn cuộn kéo về theo đường số 1. Đây là đồng bào Huế, Quảng Trị bị địch cưỡng ép “di tản” vào Đà Nẵng, nô nức trở về quê cũ. Cả một triệu đồng bào cùng với thành phố “trung dũng kiên cường” trở về trong lòng cách mạng. Những hàng thuyền máy đỏ rực cờ cách mạng dàn vui trên sông Hàn. Đà Nẵng vẫn sáng đèn điện, nước máy reo vui trong từng nhà, từng ngã tư đường phố.
Trước tòa thị chính, trên đường Bạch Đằng, nơi tòa lãnh sự Mỹ vẫn đang bốc cháy, một cô tự vệ bồng súng đứng gác. Dưới chân cô, hàng chục tấm ảnh Nguyễn Văn Thiệu bị xé rách, vứt tung tóe, nhơ bẩn. Ngay trước cửa tòa thị chính, một bác dáng người lao động mặc chiếc quần cụt, da đen xạm, đứng bên mấy chiến sĩ giải phóng. Các chiến sĩ giới thiệu với chúng tôi bác Trần Đẩu làm nghề cá ở cồn An Chánh. Bác Đẩu đang nói trong nước mắt: “Mừng quá, mấy chú ơi, bao năm cực chịu không nổi, chừ khác rồi!”. Bác cảm ơn cách mạng, cảm ơn Cụ Hồ.
Cuộc sống thành phố nhanh chóng được ổn định. Ủy ban Nhân dân cách mạng các quận, các phường thành lập, các chợ lớn của thành phố như chợ Hàn, chợ Mới, chợ Cồn... đều họp trở lại. Lực lượng tự vệ thành phố kết nạp thêm hàng trăm đội viên mới. Buổi chiều, nhà thờ lớn lại vang tiếng chuông lễ. Tiếng mõ, tiếng kinh niệm Phật vẫn gióng dả trên chùa Phổ Đà.
Đà Nẵng hôm nay vui giải phóng là của những người công nhân đang thật sự làm chủ cuộc đời mình. Trên bến cảng, bác Võ, bác Cự mang băng đỏ trên cánh tay, khẩu AR.15 ngang vai, đi lại tuần tra. Bác là thợ hàn tàu ở cảng này. Bác Cự vốn quê Huế vào đây sinh sống đã lâu. Bác kể lại nhưng ngày sống cơ cực trong vòng kìm kẹp của Mỹ-Thiệu. Bây giờ bác xin vào đội tự vệ và được phân công canh gác bến cảng.
Cùng suy nghĩ đó, anh Lê Đức Lộc, thợ sửa chữa xe hơi ở số nhà 197 đường Phan Châu Trinh, nói:
- Tui đã tốn hàng trăm nghìn đồng để lo lót trốn lính. Anh em bọn tui trông các anh về lắm. Ngay sau khi giải phóng, tui đã ra lái xe cho Ủy ban Nhân dân cách mạng thành phố, mong được góp phần nhỏ bé với cách mạng.
Anh Lê Đức Lộc vui vẻ lái xe đưa chúng tôi đi khắp thành phố quê hương anh trong tình cảm đó.
Đà Nẵng còn là thành phố của những người trở về. Lâm Đồng, anh phóng viên nhiếp ảnh đi cùng tôi hôm nay, cách đây 29 năm, đã bị giam cầm 5 năm trong nhà lao ở đây. Ống kính của anh ghi lại những hình ảnh hôm nay bằng cả tâm hồn anh. Còn Vĩnh An, cô gái xinh xắn người quận 1, nguyên là học sinh Trường nữ trung học Đà Nẵng, ra chiến khu hoạt động, hôm nay trở về với tư cách là một cán bộ trong Ban công tác tuyên truyền của thành phố. Cô là một trong những người vui nhất thành phố hôm nay.
Vĩnh An trong bộ quần áo ngày hội, quần đen, áo đen, măng tô san màu sữa, đưa đồng chí phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đi chụp ảnh bằng chiếc xe máy của gia đình cô. Chốc chốc xe của Vĩnh An phải dừng lại vì gặp bạn, người quen. Cô hồ hởi nói:
- Thật như một giấc mơ. 30 năm mới có một ngày ni các anh ạ, em đang sống những ngày hạnh phúc nhất.
Đà Nẵng hân hoan niềm vui giải phóng. Đà Nẵng cũng ngổn ngang vết tích thất bại của kẻ thù. Khắp thành phố, đâu đâu cũng thấy vũ khí, súng đạn, xe tăng, xe jeep và dấu vết sự tan vỡ của đội quân ngụy. Sân bay Đà Nẵng rộng mênh mông, những chiếc máy bay mang cờ hiệu Mỹ-ngụy đang còn đó. Trên bán đảo Sơn Trà, cách đây 10 năm, ngày 23-3, những tên lính Mỹ đầu tiên đã đổ bộ lên.
Và cũng tại Sân bay Đà Nẵng, ngày 29-3-1973, những tên lính Mỹ cuối cùng đã cuốn gói cút khỏi miền Nam. Cũng những ngày tháng 3 này, hàng vạn tên lính ngụy đủ loại thuộc các sư đoàn 1, sư đoàn 3, lính thủy đánh bộ, biệt động quân của quân đội Thiệu đã bị tiêu diệt và ra hàng. Chúng nó không còn đường nào chạy thoát. Tôi nhớ nhất hình ảnh mấy anh bộ đội giải phóng trẻ tuổi đang vui đùa trước cửa trại lính Nguyễn Tri Phương.
Dãy trụ sở quân đoàn 1 ngụy, quân đoàn mà viên tư lệnh của nó, tên Trung tướng Ngô Quang Trưởng, đã hét lên: “Phải giữ Đà Nẵng bằng bất kỳ giá nào!”. Nhưng ngay khi những lời tuyên bố giật gân đó đang được quảng cáo rùm beng trên báo chí của Thiệu ở Sài Gòn thì Ngô Quang Trưởng đã bỏ mặc các sĩ quan và lính, chuồn mất. Anh chiến sĩ giải phóng dẫn tôi lên buồng làm việc của Ngô Quang Trưởng ở tầng 2, dãy nhà bên phải.
Tất cả đều bừa bộn dấu vết của một sự kinh hoàng, hoảng loạn. Bản đồ hành quân, tài liệu, sách vở, ảnh kỷ niệm tung tóe trên sàn nhà. Lá cờ ba sao (cờ trung tướng) chúi đầu xuống đất và bức ảnh Ngô Quang Trưởng nhọ nhem, cau có vứt dưới chân bàn. Chúng tôi vui thích ngó anh thanh niên nghịch ngợm với nụ cười rất tươi đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế bành có ba ngôi sao trên nền vải trắng, ghế của viên tướng ngụy này.
Căn phòng của Ngô Quang Trưởng được trang hoàng rất nhiều sách. Tôi với tay lấy một quyển trên giá, quyển Bão lụt miền Trung, và chợt nghĩ không phải là bão lụt miền Trung mà chính là bão lửa miền Trung, bão lửa Việt Nam đang thiêu cháy bè lũ tay sai bán nước. Và cũng chính bão táp cách mạng đã đem lại bình minh cho thành phố Đà Nẵng. Nắng sớm trên thành phố cửa biển hôm nay sao mà rực rỡ! Một cuộc sống mới bắt đầu.
TRẦN MAI (Phóng viên TTXGP tại Đà Nẵng)