.
TIỂU ĐOÀN 10 AN NINH VŨ TRANG KHU 5

Rạng danh đơn vị Anh hùng

.

Đầu năm 1965, trước thất bại nặng nề trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, thực hiện “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và đẩy mạnh cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc.
 

Đoàn cán bộ Tiểu đoàn 10 viếng đồng đội tại Khu di tích An ninh Khu 5.

Ở chiến trường Khu 5, địch liên tục mở các chiến dịch càn quét vào vùng giải phóng hòng tiêu diệt các cơ quan đầu não của Khu ủy Khu 5. Trước tình hình đó, để bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu ủy và  các đồng chí lãnh đạo, tháng 2 năm 1965, tại vùng căn cứ Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, Tiểu đoàn 10 An ninh Vũ trang Khu 5 được thành lập.

Tiểu đoàn có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ  và phục vụ lãnh đạo Khu ủy và cơ quan đầu não Khu 5. Ngoài 50 đồng chí của đại đội Cảnh vệ, Tiểu đoàn 10 được bổ sung nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) rút từ Công an các tỉnh đồng bằng lên, một số khác được Bộ Công an tăng cường từ miền Bắc vào và lực lượng chi viện của Quân khu 5.
 
Từ yêu cầu của công tác bảo vệ,  các năm sau đó, tiểu đoàn được bổ sung quân số, nhận thêm nhiệm vụ canh giữ tù binh và làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan chính quyền Cách mạng lâm thời Khu Trung Trung Bộ. Tuy lực lượng được huy động từ nhiều nguồn, trình độ không đồng đều,  nhưng tất cả CBCS đều đoàn kết trên dưới một lòng, quyết tâm vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, cùng nhau xác định: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải hy sinh tính mạng cũng một lòng trung thành với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình.

Ngay sau khi thành lập, CBCS tiểu đoàn phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam tổ chức tiến công giải phóng nhiều địa bàn quan trọng tại cánh Nam Tam Kỳ và Nam Tiên Phước, tạo bàn đạp cho Quân giải phóng tiến công các căn cứ của địch ở Quảng Tín và Chu Lai.

Vào cuối năm 1965, các cơ quan đầu não của Khu 5 chuyển căn cứ về miền Tây Quảng Nam. Trong thời gian từ cuối năm 1965 đến cuối năm 1967, lực lượng của tiểu đoàn vừa tổ chức khảo sát địa bàn, huy động hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng hầm hào, lán trại làm nơi hội họp, làm việc của Khu ủy, vừa lập hàng trăm phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn tuyệt đối các hoạt động của lãnh đạo Khu ủy và căn cứ cách mạng.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, cường độ hoạt động và các chuyến đi khảo sát các vùng địch tạm chiếm của lãnh đạo Khu ủy tăng đột biến. CBCS làm nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Khu ủy 5 không quản gian khổ hy sinh, bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ an toàn hàng trăm chuyến công tác của lãnh đạo Khu ủy. Trong gian khổ, khó khăn, các thế hệ CBCS Tiểu đoàn 10 đã kết thành một khối thống nhất, trên dưới một lòng, sẵn sàng xả thân để bảo vệ căn cứ, bảo vệ lãnh đạo Khu 5.

Trong 10 năm (1965-1975), các đại đội thuộc Tiểu đoàn 10 đã trực tiếp chiến đấu 130 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 140 tên Mỹ, 309 tên ngụy, bắn rơi 3 trực thăng, bắn bị thương 5 chiếc khác; 35 lần truy lùng biệt kích đổ bộ vào vùng căn cứ Khu 5, bao vây tiêu diệt 1 đại đội thám báo ngụy tại Trà My, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 196 của Mỹ tại Nước Oa - Trà My, đập tan âm mưu bạo loạn cướp trại của tù binh ngụy, 2 lần đánh Mỹ đổ bộ bằng trực thăng để giải thoát tù binh; bảo vệ an toàn gần 7.500 chuyến công tác của lãnh đạo Khu ủy và 153 Hội nghị cấp khu.

Trong chiến dịch Mậu Thân-1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh-1975, công tác bảo vệ lãnh đạo Khu ủy được tiểu đoàn tăng cường, bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để xảy ra bất kỳ một sơ suất nào. Đặc biệt, đơn vị đã kịp thời phát hiện và truy bắt đối tượng Trương Hồng Thanh, một cán bộ cơ yếu có âm mưu ám sát đồng chí Bí thư Khu ủy Võ Chí Công. Bên cạnh thành tích trong chiến đấu và bảo vệ lãnh đạo, tiểu đoàn còn làm tốt công tác phục vụ, đã làm 119 hội trường, 3.455 ngôi nhà, phát tuyến và làm 500 km đường bí mật cho lãnh đạo di chuyển, đào 2 hầm địa đạo, 600 hầm kèo, 5.200 hầm trú ẩn các loại với khối lượng đất đá gần 2,7 triệu mét khối. Sản xuất tự túc được 190 tấn lúa, 275 tấn sắn, 175 tấn bắp, 68 tấn rau đậu, 62 tấn thịt và 26 tấn cá.

Trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, Tiểu đoàn 10 nhanh chóng tiếp quản các mục tiêu được phân công, tổ chức truy quét tàn quân ngụy trốn trình diện, truy bắt các đối tượng ác ôn, có nợ máu đi tập trung cải tạo, ổn định an ninh vùng mới giải phóng, đồng thời triển khai phương án bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, cơ quan Khu 5 và các đoàn khách quốc tế.

Sau khi cấp Khu giải thể, tiểu đoàn cũng giải thể. CBCS của Tiểu đoàn 10 được điều động bổ sung cho Công an các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, một số về công tác tại Công an các tỉnh  miền Bắc hoặc phục viên về lại địa phương. Tuy không còn ở chung trong mái nhà Tiểu đoàn 10 thân yêu, nhưng dù bất cứ ở đâu, làm bất cứ việc gì, CBCS của đơn vị vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức, tiếp tục cống hiến sức lực cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của quê hương, đất nước.
 
Nhiều CBCS của Tiểu đoàn 10 đã trưởng thành, giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng, chính quyền và lực lượng CAND. Đại đội 32 được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND. Hàng trăm CBCS được các cấp khen thưởng về thành tích chống Mỹ, cứu nước. Tháng 1-2009, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVTND” cho tập thể Tiểu đoàn 10 An ninh Vũ trang Khu 5.

Trong 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh đầy khốc liệt, CBCS Tiểu đoàn 10 đã kết thành một khối thống nhất, được Đảng và cách mạng tin cậy, có đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, không có CBCS đầu hàng, phản bội; mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, tận tụy trong phục vụ, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
 
Trong  tâm trí các cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 10 An ninh Vũ trang Khu 5, không thể quên 67 đồng chí  đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu hoặc mãi mãi đi xa do sốt rét rừng, do nước lũ cuốn trôi trên đường đi công tác; không thể quên 215 đồng chí đã để lại chiến trường một phần cơ thể của mình và 118 đồng chí, anh em mất sức lao động từ 61% trở lên. 

34 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tiểu đoàn 10 An ninh Vũ trang Khu 5 vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND. Vinh dự này trước hết thuộc về các anh hùng, liệt sĩ - những đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thuộc về anh chị em thương binh, bệnh binh-những người đã  hiến dâng một phần máu xương cho nền độc lập-tự do của Tổ quốc; thuộc về thân nhân các gia đình liệt sĩ-thương binh, thuộc về đồng bào các dân tộc vùng cao đã đồng cam cộng khổ với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 10.

Phần thưởng cao quý này là niềm động viên, cổ vũ to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho lực lượng CAND nói chung, trong đó có CBCS của Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang Khu 5. Để xứng đáng với phần thưởng cao quý này, xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng bào, xứng đáng với sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, các thế hệ CBCS Tiểu đoàn 10 nguyện ra sức rèn luyện, giữ vững phẩm chất người Công an cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị nào cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nêu gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo.

Đại tá NGUYỄN RÃ (Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10)

;
.
.
.
.
.