.
Kỷ niệm 70 năm ngày mất của nhà trí thức cách mạng Phan Thanh(1-5-1939 – 1-5-2009)

Phan Thanh và sự lựa chọn con đường đấu tranh công khai

.

Vì sao Phan Thanh không dấn thân theo con đường của các chiến sĩ cộng sản, như người em ruột thịt của ông Phan Bôi.

Ở đây không hề có vấn đề mâu thuẫn về học thuyết hay lệch pha về lý tưởng.

Phan Thanh cùng vợ và hai người con trai Phan Vịnh và Phan Diễn.(Ảnh tư liệu do L.A.R cung cấp)

Phan Thanh và Phan Bôi là anh em ruột thịt rất thân thiết. Ra khỏi nhà ngục Côn Đảo, chỉ sau một thời gian ngắn; ông ra Hà Nội ở trong nhà Phan Thanh và có mặt cùng Phan Thanh trong nhiều hoạt động, đến khi Phan Thanh lâm bệnh rồi qua đời, ông luôn ở bên Phan Thanh.

Phan Thanh biết rất rõ tài năng đức độ của Phan Bôi và vị trí của Phan Bôi trong Đảng. Chính ông đã nói với Phan Nhụy (anh ruột) “bên em có chú Bôi và các đồng chí khác hướng dẫn”.Phan Vịnh trong Phan Thanh anh là ai? (*) có nhận xét khác biệt giữa Phan Thanh và Phan Bôi là ở chỗ “Phan Bôi sớm có phong cách của một thanh niên trí thức hoạt động cách mạng bí mật, hăng hái, sôi nổi, quyết liệt. Ở Phan Thanh đã bắt đầu thể hiện hình ảnh một trí thức cách mạng đấu tranh công khai hợp pháp cho quyền lợi  của dân chúng cần lao”.

Phan Vịnh còn cho rằng “hoạt động cách mạng của họ cùng chung mục đích, có lúc cùng nội dung nhưng Phan Bôi với cương vị một đảng viên cộng sản có năng lực, có kinh nghiệm trong nhóm đảng viên hoạt động nửa công khai, nửa bí mật. Phan Thanh với cương vị một đảng viên xã hội Pháp ở Bắc Đông Dương, rất am hiểu về Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Giải thích tường minh hiện tượng trên, làm rõ nguyên nhân sự lựa chọn dấn thân của Phan Thanh là một công việc rất có ý nghĩa, nhưng cũng hết sức khó khăn vì chúng ta không có những tư liệu gốc về diễn biến nhận thức tư tưởng của Phan Thanh (mặc dù Phan Vinh đã rất cố gắng sưu tầm để có được cuốn Phan Thanh anh là ai?).

Song có một điều có thể khẳng định, là một tri thức nặng lòng ưu dân ái quốc, có tầm nhìn sâu rộng và giàu trải nghiệm thực tế, Phan Thanh với tư duy độc lập đã quyết định như vậy.  Có thể ông đã chuẩn bị cho những hoạt động công khai hợp pháp rất sớm ngay năm 1930 khi ông vừa ra lập nghiệp ở Hà Nội.

Phan Thanh bắt đầu sự nghiệp với công việc của một giáo viên tiểu học ở một trường miền núi Thanh Hóa, nhưng chỉ một thời gian ngắn ông bị sa thải vì lý do chống đối chính quyền. Trong hoàn cảnh khó khăn đó ông quyết định ra Hà Nội lập nghiệp vẫn bằng chính nghề dạy học. Ông đã dạy ở một số trường tư và mau chóng nổi tiếng là dạy giỏi tiếng Pháp, văn học Pháp và có nhân cách mẫu mực. Nhưng rồi chính quyền thực dân phát hiện, ông đã bị thải hồi và thu hồi giấy phép dạy học của ông. Chính viên Hiệu trưởng người Pháp mến mộ tài năng và nhân cách của ông đã xin cho Phan Thanh được tiếp tục dạy.

Năm 1933, Phan Thanh có đơn gửi Thống sứ Bắc Kỳ xin được tiếp tục dạy học ở các trường tư. Trong đơn ông nói rõ “nhiều năm nay tôi đã tránh mọi hoạt động chính trị và chính quyền đã không phàn nàn gì về tôi, tôi xin phép ngài cho tôi  lại được dạy trong các trường tư, trong đó có trường Thăng Long”. Và sau khi thẩm tra, Sở mật thám Bắc Kỳ đã có công văn “trong những năm gần đây, đương sự không bị nhận xét gì xấu do đó có thể dạy tại trường Thăng Long. Tuy nhiên, đương sự được liệt vào loại bị tình nghi ở Trung Kỳ nên cần được theo dõi bí mật”.

Trong thời gian này cùng với việc dạy học ông có viết báo, qua những bài báo xác định là của Phan Thanh sưu tầm được, chúng ta thấy ông có nói đến những khổ cực của người dân Việt Nam, đả kích chế độ thực dân, tất cả đều nhẹ nhàng nhưng sâu cay. Lưỡi kéo kiểm duyệt không thể buộc tội quá khích được.

Như thế là bằng tài năng và nhân cách, bằng các mối quan hệ và uy tín với giới trí thức Hà Nội, Bắc Kỳ, Phan Thanh đã vượt qua nhiều trở ngại, tạo cho mình một vị trí hợp pháp để dạy học, và viết báo bảo đảm cuộc sống và chắc chắn là tạo cơ sở tiền để để hoạt động chính trị công khai hợp pháp hữu hiệu hơn khi có cơ hội.

Cơ hội này đã đến, giữa những năm 1930, tình hình thế giới có những diễn biến quan trọng. Với sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít mà trục chính của nó là Đức, Ý, Nhật, nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới đang tới gần. Đại hội VII quốc tế cộng sản đã xác định kẻ thù trước mắt là chủ nghĩa phát xít. Nhiệm vụ trước mắt của đảng cộng sản và giai cấp công nhân là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình, giành tự do dân chủ; và phải tập hợp xây dựng một mặt trận thống nhất rộng rãi.

Tháng 5-1936, Mặt trận dân chủ ở Pháp thắng thế trong cuộc tổng tuyển cử, thành lập chính phủ thường được gọi là Mặt trận bình dân. Với Đông Dương, chính phủ này chủ trương trả tự do cho tất cả tù chính trị, thành lập các ủy ban điều tra tình hình và thực hiện một số cải cách xã hội.

Phan Thanh cùng nhóm Việt Quảng của Đà Nẵng tại làng Bảo An. (Ảnh tư liệu do LAR cung cấp)

Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương với nhiều hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp như nghị trường báo chí, v.v... thành lập nhiều tổ chức đa dạng, tập hợp, huy động đông đảo quần chúng vào các cuộc đấu tranh dân sinh sinh, dân chủ.

Không chỉ thấy những cơ hội vàng cho hoạt động công khai hợp pháp đã đến, Phan Thanh còn suy nghĩ rất sâu về kinh nghiệm của những người đi trước và những người đường thời. Ở quê hương ông, Phan Châu Trinh, một chí sĩ yêu nước kiệt xuất, linh hồn của cuộc vận động duy tân cứu nước đầu thế kỷ đã nổi tiếng với phương châm “bất bạo động, bạo động tắc tử”.

Phan Châu Trinh chọn phương thức ấy không vì ông sợ chết. Điều này những sĩ phu cùng thời và lớp trẻ sau đó, trong đó có Phan Thanh đều hiểu rõ. Hoàng Xuân Hãm từng phân tích: “Phan Châu Trinh dựa vào các lý tưởng  của cánh mạng Pháp, len lỏi giữa các thủ đoạn mỵ dân của thực dân, tranh thủ được xu thế ôn hòa nhân đạo trong những người Pháp tiến bộ hoặc thức thời, làm cho thực dân lúc đầu khó đàn áp”.

Với Việt Nam thì hoạt động công khai cũng đầy hiểm nguy có thể bị giam cầm, chém giết. Giáo sư Trần Văn Giàu nói “có người cho rằng những người hoạt động công khai là những người tránh khó tìm dễ. Không phải đấu tranh công khai là không nguy hiểm. Hoạt động công khai là phơi mình trước mặt quân thù, sẵn sàng đón nhận những bản án, những đòn khủng bố”.

Mặc dầu Phan Châu Trinh nêu phương châm “bất bạo động, bạo động bất tử” nhưng ấn tượng mạnh mẽ, ảnh hưởng to lớn của Phan là tinh thần quyết liệt cứu nước giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ dân quyền.

Cùng ở Quảng Nam có Huỳnh Thúc Kháng, một vị tiến sĩ, nổi tiếng học rộng tài cao, một nhà yêu nước, cả đời chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập. Cụ Huỳnh đã bị thực dân lưu đày ở Côn Đảo 13 năm. Sau khi được tự do, cụ ứng cử dân biểu trúng cử với số phiếu rất cao 620/640, và được bầu làm Viện trưởng. Bất bình vì tên quyền khâm sứ Trung Kỳ lúc ấy trong thông tư gửi cho Viện có những lời lẽ mặt sát chửi mắng, cụ và nhiều dân biểu phản đối. Qua hai năm làm Viện trưởng thấy rõ chân tướng của nó, tháng 10-1928, cụ có bài diễn văn bế mạc kỳ họp của Viện chỉ trích gay gắt chính sách của chính phủ và từ chức.

Chắc chắn Phan Thanh có tìm hiểu, suy ngẫm sâu sắc về những sự kiện trên. Trong hoàn cảnh xã hội lúc đó những năm 30, ông không chỉ thấy những hạn chế khó khăn trong đấu tranh công khai hợp pháp của những người đi trước mà đã thấy tầm quan trọng, khả năng phong phú và hiệu quả thiết thực to lớn của phương thức này. Các hoạt động ấy sẽ góp phần tố cáo tội ác của chế độ thống trị thực dân phong kiến, nêu cao các nguyện vọng chính đáng của dân chúng và từng bước đem lại lợi ích thiết thực cho họ.

Ông cũng biết rõ trước ông, Trịnh Đình Phú, một thanh niên du học ở Pháp, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp bị trục xuất về nước vì biểu tình chống thực dân khủng bố những chiến sĩ khởi nghĩa Yên Bái, đã ứng cử vào Hội đồng thành phố Hà Nội và đã trứng cử một cách ngoạn mục, bất ngờ. Đây có thể xem là một chỉ báo về sự thay đổi trong thái độ chính trị của dân chúng, sự thay đổi của thời thế.

Và Nguyễn Văn Tạo cùng tuổi với ông bị đuổi học vì tham gia lễ tang Phan Châu Trinh đã trốn sang Pháp du học trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, được cử tham gia đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp dự Đại hội quốc tế lần thứ VI (1928) rồi được bầu vào Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Ông bị bắt giam rồi bị bắt cóc, trục xuất về nước. Ông trở thành một người cộng sản hoạt động công khai hợp pháp nổi tiếng. Năm 1933, ông ứng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn và trúng cử với số phiếu cao. Sau đó chính quyền thực dân bác bỏ kết quả bầu cử vì lý do ông chưa đủ tuổi. Năm 1935, ông ứng cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, trúng cử và cũng bị loại vì không đủ tư cách. Năm 1939, ông lại ứng cử vào Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ nhưng thất bại.

Nguyễn Văn Tạo nhiều năm sống ở Pháp, một nước thể chế chính trị dân chủ tư sản đã có hàng trăm năm, là đảng viên, một Đảng dày dạn trong đấu tranh công khai, nghị trường. Ông lại hoạt động ở Nam bộ, nơi chế độ cai trị của thực dân được nới lỏng hơn. Ông có nhiều trải nghiệm và thuận lợi hơn Phan Thanh. Chắc chắn Phan Thanh đã có những bài học quý báu từ Nguyễn Văn Tạo về phải kiên trì, kiên quyết trong đấu tranh công khai và về niềm tin ở thắng lợi.

Có thể nói Phan Thanh đã ý thức đầy đủ thời thế đã khác, cơ hội thuận lợi cho những người hoạt động công khai hợp pháp đã đến. Đồng thời ông cũng nhận rõ ông không chỉ có vị thế hợp pháp mà ông đã thiết lập được những mối quan hệ xã hội với các nhân sĩ trí thức, với nhiều người Pháp tiến bộ, điều này cũng rất cần thiết cho các hoạt động công khai hợp pháp của ông.

Cũng không thể không nhấn mạnh điều này với tư chất thông minh, ông đã học tập, rèn luyện đạt trình độ nói và viết tiếng Pháp hoàn hảo, hơn thế như đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận xét “Ở tuổi 30 mà Phan Thanh xuất hiện trên báo chương như một cây bút lành nghề và lão luyện, trên nghị trường như một chính khách sắc sảo và hùng biện và trên bục giảng ở nhà trường như một ông thầy chững chạc và mực thước”. Phan Thanh chắc cũng tự tin mình có năng lực, sở trường, có thế mạnh khi hoạt động công khai hợp pháp.

Ở cuối cột 4 bài này số ngày thứ hai 27-4-2009, sau câu Nguyễn Văn Tố, trong lời điếu vĩnh biệt Phan Thanh nói rõ xin thêm vào đoạn sau:
“Tin tưởng vào tài tổ chức của ông, một mình có thể xoay xở giải quyết những khó khăn của buổi sơ khai, ngay từ giờ phút đầu tiên chúng tôi đã nhất trí cử ông làm Tổng thư ký của Hội”.
Tôi có vinh dự được làm việc bên ông ngay từ buổi ban đầu ấy. Cùng nhau chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện qua điện thoại có lần tới nửa giờ và hơn nữa khá nhiều lúc quan điểm của chúng tôi trái ngược nhau, tuy nhiên tôi luôn khâm phục sự sáng suốt và rõ ràng trong cách nhìn nhận của ông.

Với những nguyên nhân chủ quan và khách quan như đã trình bày, đặc biệt với tư duy độc lập của mình, Phan Thanh đã lựa chọn con đường hoạt động công khai hợp pháp. Đây không phải là một sự lựa chọn dễ dãi. Đây là sự suy tư trăn trở, đau đáu của một trí thức có bản lĩnh. Trí thức Việt Nam là một bộ phận của dân tộc. Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước, trí thức Việt Nam như nhận xét của Giáo sư Phan Ngọc chỉ có một truyền thống là truyền thống yêu nước. Mỗi người yêu nước theo cách của mình. Nhà trí thức Phan Thanh đã lựa chọn con đường đấu tranh công khai hợp pháp để thể hiện lòng yêu nước, ý chí cứu nước của mình.

Chúng ta đánh giá cao sự lựa chọn ấy vì từ đó ông có những cống hiến, đóng góp lớn lao cho đất nước, cho dân tộc. Đồng thời chính sự lựa chọn ấy thể hiện tố chất cao đẹp của một trí thức chấn chính, tư duy độc lập.

Sự lựa chọn ấy là đúng với ông, với hoàn cảnh xã hội mà ông sống, với hoàn cảnh riêng và tài năng sở trường của ông. Chúng ta cũng không cho sự lựa chọn ấy là duy nhất đúng.Chúng ta cũng thấy rõ ở đây sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện một phương thức khoa học. Lúc này Đảng chưa là một Đảng cầm quyền. Đảng chỉ có thể đưa ra những đường lối, chủ trương đúng đắn phù hợp với lòng người và quy luật phát triển xã hội, rồi các tổ chức và những đảng viên của Đảng khéo làm công tác vận động quần chúng, đưa đường lối chủ trương của Đảng vào quần chúng, biến nó thành lực lượng mạnh mẽ. Đảng không thể có mệnh lệnh, có sự áp đặt, chỉ có thể lấy chính nghĩa để thuyết phục, lấy nhân nghĩa để cảm hóa.

Với Phan Thanh, Đảng thể hiện sự tôn trọng, sự giao phó tin cậy, Đảng tạo mọi điều kiện để anh tự chủ, tự do hành động. Phan Thanh là một người ngoài Đảng, một người chưa từng được kết nạp vào Đảng nhưng không phải là một người xa lạ với Đảng. “Vì anh thực sự cộng tác với những đảng viên, luôn phụng sự cho sự nghiệp của Đảng một cách có hiệu quả.

Do vậy mà trong Điếu văn do anh Đào Duy Kỳ lúc đó thay mặt thanh niên đã gọi Phan Thanh là một “đảng viên ngoài Đảng”. Và còn là một chi tiết mà nhiều người còn nhắc đến là lúc khâm liệm anh, Nguyễn Thị Quang Thái, em gái của chị Minh Khai, và khi đó là người bạn đời của tôi đã chuyển đến cho anh Phan Nhụy - đại diện cho gia đình người quá cố một chiếc huy hiệu búa liềm, biểu trưng của Đảng để đặt trên ngực thi hài của Phan Thanh. Đối với tất cả những người cộng sản chúng tôi lúc đó thì từ đấy, Phan Thanh đã thực thụ là một người cộng sản” (Võ Nguyên Giáp)

Nguyễn Đình An

(*) Phan Thanh anh là ai? Một cuốn sách viết về thân thế sự nghiệp Phan Thanh, tác giả Phan Vịnh, trưởng nam của Phan Thanh. Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia 2008.


 

;
.
.
.
.
.