.

Bàn về tính hay cãi của Phan Thanh

.

Bàn về tính hay cãi của Phan Thanh bắt nguồn từ một giả định rằng Phan Thanh hay cãi. Sở dĩ có thể giả định như thế bởi Phan Thanh là… người Quảng. Tất nhiên cần khẳng định cãi nhau không phải là tính cách riêng của người Quảng. Cãi nhau là chuyện thường tình phổ biến trong quan hệ xã hội xưa nay. Thường tình phổ biến tới mức có hẳn một nghề là nghề thầy cãi - tức luật sư hay còn gọi trạng sư, và tới mức có hẳn một vùng đất suốt hai trăm năm nay nổi tiếng ưa cãi là Quảng Nam - “Quảng Nam hay cãi”.

Phan Thanh (1908-1939)        (Ảnh tư liệu)

Như vậy cả thiên hạ đều cãi chứ không riêng chi người Quảng, có điều theo đánh giá cũng của thiên hạ - một đánh giá mang màu sắc dân gian - thì người Quảng thích cãi hơn, thích lý sự hơn, thích đến nỗi cãi đã thành một tính trội - tính hay cãi. Người Quảng bình thường vốn hay cãi thì khó ai có thể tin rằng một người Quảng cực kỳ hùng biện như Phan Thanh mà không hay cãi. Một người họ hàng của Phan Thanh là Phan Khôi cũng nổi tiếng hay cãi và cãi hay tới mức được học giới nước nhà khái quát thành “lý sự Phan Khôi”. Vấn đề đặt ra ở đây là Phan Thanh đã hay cãi và cãi hay như thế nào?

Có thể nói Phan Thanh nổi tiếng hay cãi và cãi hay nhất là trên lĩnh vực chính trị. Ai cũng biết Phan Thanh là một nhân vật tiêu biểu cho những người Quảng làm chính trị giai đoạn 1936 - 1939. Sau khi thi đỗ thành chung và được bổ đi dạy tiểu học ở huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa (chẳng biết khi nhận quyết định phân công ông có cãi gì không - BVT), Phan Thanh hoàn toàn có thể trở thành một người thầy giáo tận tụy với nghề, sống trọn đời công chức với phấn trắng bảng đen dưới mái trường bảo hộ. Nhưng Phan Thanh lại muốn dấn thân vào chính trường. Ý thức chính trị và tính hay cãi của người Quảng trong ông không cho phép ông cam phận. Phan Bôi em trai ông lúc đó đã là người của Đảng và vẫn thường thư từ trao đổi với ông về chính sự.

Tận góc trời Ngọc Lặc xa xôi hẻo lánh kia, Phan Thanh viết bài gửi đăng báo Tiếng chuông rè của Nguyễn An Ninh đả kích chế độ cai trị hà khắc của thực dân phong kiến. Hậu quả của tính hay cãi mang màu sắc chính trị ấy là năm 1927 Phan Thanh bị buộc thôi việc, phải ra Hà Nội dạy học ở các trường tư và chuyên tâm hoạt động chính trị, trở thành gương mặt sáng giá nhất trên chính trường nước ta thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu và vận động tranh cử vào Hội đồng thành phố Hà Nội, vào Viện Nhân dân đại biểu Trung Kỳ, vào Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương, tính hay cãi của Phan Thanh có điều kiện phát huy tác dụng, qua đó đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp đấu tranh của Đảng trên các diễn đàn công khai lúc bấy giờ.

Có nhà nghiên cứu khi so sánh con người xứ Quảng với con người xứ Thuận đã nhận xét rằng: “Trong guồng quay khắc nghiệt của thương trường, thị dân phố thị (tức con người xứ Quảng - BVT) cởi mở hơn (con người xứ Thuận - BVT) với sức năng động, nhạy cảm, khả năng dự báo và xử lý cao. Phải chăng câu ca “Quảng Nam hay cãi...” cũng phần nào phản ánh điều đó - chúng tôi muốn khai thác ở khía cạnh tích cực: tính bộc trực, thẳng thắn, năng động, nhu cầu giải quyết ngay những khúc mắc - phản ứng “cãi” lại lập tức, mà không soát xét, chiêm nghiệm trong một quá trình dài về sau như con người xứ Thuận”.

Nhận xét vừa nêu gắn liền tính hay cãi của người Quảng với văn hóa thị dân năng động, nhạy cảm, khả năng dự báo và xử lý cao, nghĩa là cũng khẳng định tính duy tân cách mạng trong cái cãi của người Quảng. Tuy nhiên điều đáng nói là qua nhận xét này, cái cãi của người xứ Quảng được hiểu như một cái gì đó còn bốc đồng, chưa thật chín chắn như người xứ Thuận. Khen/chê như thế là sòng phẳng, bởi đôi khi mạnh chỗ nào thì yếu ngay chỗ đó, phản ứng tức thì cãi ngay tức khắc thể hiện sự nhạy cảm năng động đáng khen nhưng đồng thời cũng có khả năng bộc lộ sự vội vã thậm chí bộp chộp đáng chê. Có điều không phải lúc nào năng động nhạy cảm cũng đồng hành với vội vã bộp chộp.

Thực tế cho thấy nhiều khoảnh khắc tranh cãi lý sự của người Quảng là kết quả của cả quá trình nghiền ngẫm sâu xa, do vậy vẫn có sức thuyết phục và cũng do vậy mà xa lạ với kiểu cãi lấy được cố tình kéo dài cuộc tranh cãi nhằm tranh thắng tranh hơn…

Các tác giả Đại Nam nhất thống chí triều Duy Tân từng nêu và lý giải một nhược điểm của người Quảng: “… sĩ phu có khí tiết cứng cỏi bạo nói (tức là hay cãi - BVT) nhưng vì thổ lực không hậu mà thế nước chảy gấp nên tính người hay nóng nảy ít trầm tĩnh…”. Cách lý giải dựa vào quan hệ giữa phong thổ địa lý với tính cách con người như thế có thể có sức thuyết phục nhất định, song dẫu sao đấy chỉ là một trong những cách giải thích mà thôi. Bởi thực tế cũng đã có không ít người Quảng thành đạt trên lĩnh vực ngoại giao, chứng tỏ người Quảng vẫn có khả năng tự kiềm chế cảm xúc tốt, tức là vẫn có được sự điềm tĩnh chính trị cần thiết...

Trong lịch sử, những người Quảng gặp việc khó không tránh né, lâm sự thì quả quyết, đương mưu tính thì trầm hùng - như lời nhận xét của Tiểu La Nguyễn Thành về Trần Quý Cáp - chẳng phải quá hiếm, nhưng nói chung với người Quảng, điềm tĩnh chính trị là một phẩm chất do rèn luyện mà nên, nghĩa là chỉ những người lịch lãm trên chính trường, từng trải trong đấu tranh cách mạng mới có thể trở nên điềm tĩnh chính trị, đúng như lý giải dẫn trên của tập thể tác giả Đại Nam nhất thống chí: “… duy có người nào học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc”.

Học vấn uyên thâm ở đây không chỉ có nghĩa là thông kim quán cổ, là tích lũy tri thức qua sách vở, học hành mà còn được hiểu theo nghĩa rộng là bản lĩnh chính trị, là sự từng trải, lịch lãm về chính trị, là năng lực ứng xử trước bao nhiêu thử thách chính trị, thậm chí trước bao cơn bão táp chính trị. Phan Thanh chính là một trong những người Quảng có học vấn uyên thâm như vậy.

Trong lễ tang Phan Thanh, Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ Nguyễn Văn Tố từng khẳng định: “… đức tính đáng quý nhất ở ông (Phan Thanh - BVT) là luôn điềm tĩnh”. Và chính Phan Thanh trong một bài diễn văn đọc trước Hội đồng thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng ông và đồng chí của ông đã “… tham gia thảo luận trong các cuộc họp ở các tiểu ban khác nhau với thái độ điềm tĩnh và trân trọng…”. Ngày đầu tiên tham gia đấu tranh nghị trường tại Hội đồng thành phố Hà Nội, Phan Thanh đã thể hiện rõ sự điềm tĩnh chính trị của mình khi phản bác luận điệu cáo buộc ông và các đảng viên đảng Xã hội muốn tham gia Hội đồng thành phố chỉ để làm chính trị.
 
Cái khôn khéo của Phan Thanh là ông không trực tiếp phủ nhận luận điệu cáo buộc nói trên, thậm chí còn dám nói thẳng: “đương nhiên chúng tôi không có gì phải giấu danh hiệu cũng như cả ý thức hệ của chúng tôi”. Cái khôn khéo của Phan Thanh là dùng chính sự quy chụp ấy nhằm phản bác một cách rất thuyết phục. Trước hết ông giả định nếu hiểu làm chính trị là bày tỏ chính kiến theo đường lối thiên tả/thân Cộng của Đảng Xã hội thì điều đó cũng không cản trở việc ông và đồng chí của ông đến Hội đồng thành phố để “thực sự làm việc, mong muốn hợp tác một cách chân thành” với các thế lực chính trị khác. Cao tay hơn, ông cho rằng không thể nào tách rời chính trị ra khỏi các mặt hoạt động của đời sống xã hội, “chẳng hạn bất cứ một cách quản lý tài chính nào đương nhiên cũng phải xuất phát từ một nhận thức chính trị không ai có thể chối cãi được”.

Cao tay hơn nữa, ông cho rằng ông và đồng chí của ông không hề sợ khi nói sẽ kiên quyết làm chính trị đến cùng nếu hiểu làm chính trị không gì khác là “…đòi hỏi một sự công bằng xã hội lớn hơn, là tố cáo trong một cuộc họp bất kỳ nào đó những đặc lợi đáng phẫn nộ không thể biện minh được, là bảo vệ lợi ích của những người lao động, những người thợ, những người làm công, những viên chức, những tiểu thương, tiểu chủ, của những người khổ cực nhất mà người ta còn chưa nhận thức đầy đủ những giá trị và quyền của họ…”. Không điềm tĩnh chính trị thì hay cãi đến mấy cũng khó lòng lý sự lớp lang được như thế.

Rồi trên diễn đàn Viện Nhân dân đại biểu Trung Kỳ, Phan Thanh cũng tỏ rõ sự điềm tĩnh chính trị của mình khi phản đối Bộ Lại ra nghị định cấm sách báo ở Trung Kỳ (mà theo ông là gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động tuyên truyền công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương - BVT). Động đến vấn đề sách báo là động đến lĩnh vực chính trị vốn hết sức nhạy cảm nhưng Phan Thanh đã khôn khéo chuyển sang địa hạt văn hóa - giáo dục nhằm tạo sự đồng thuận cao của đông đảo dân biểu trong Viện:

“Nhiều tờ báo ủng hộ Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp bị cấm không có lý do chính đáng, kể cả ở Tourane là đất thuộc địa không thuộc quyền của Nam triều… làm trở ngại cho việc học vấn (chứ không phải cho việc quảng bá chính kiến - BVT) và trái mục đích mà Chính phủ vẫn tuyên bố. Yêu cầu Chính phủ nghiêm phạt những kẻ lạm quyền để sau này không xảy ra nữa”.

Khi phát biểu ý kiến, Phan Thanh thường dùng cách nói mềm mỏng để diễn đạt thái độ cứng rắn không khoan nhượng, chẳng hạn nghe Thượng thư Bộ Lại Thái Văn Toản lấy cớ “ở ngoài Bắc thì dễ dàng hơn nhưng chật hẹp hơn, chỉ có chánh phó hương hội mới được đi bầu” nhằm biện minh cho tình trạng Trung Kỳ vi phạm luật bầu cử mà cụ thể là vi phạm Dụ số 45 của vua Bảo Đại, Phan Thanh đã đáp trả nhẹ nhàng: “Tôi tưởng ngoài Bắc bầu cử chật hẹp hơn không phải là cái lý để (Trung Kỳ - BVT) thi hành không đúng Dụ số 45”. Hoặc nghe Chánh Phòng Nhì Mouchard lấy lý do thời thế đổi thay nên không thể giảm thuế phụ nạp, Phan Thanh cũng chỉ nhẹ nhàng nói lại:
 
“Tôi tưởng lúc này là lúc dân chúng khốn đốn vì đồng bạc bị phá giá, thời chính là lúc Chính phủ nên giảm thuế cho dân”… Viện đến uy danh của người đứng đầu cao nhất là Toàn quyền Đông Dương cũng là cách mà Phan Thanh hay dùng để đấu tranh chính trị tại Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương. Phản đối Sở Hỏa xa không nhận thợ đình công vào làm lại, Phan Thanh nêu rõ: “Họ đình công vì giá sinh hoạt tăng vọt, tiền phá giá, xin tăng lương mấy lần không được…

Thanh tra Patau đã tuyên bố yêu cầu của thợ là chính đáng và hứa cho thợ trở lại làm việc. Ngài Toàn quyền tiếp đoàn đại biểu thợ đình công cũng hứa như vậy và đã có văn bản cho Sở Hỏa xa nhận thợ cũ vào làm, nhưng Sở Hỏa xa vẫn chưa thực hiện (…) Những cuộc đình công là do thợ khốn khổ - ngài Toàn quyền đã nhận xét như vậy. Không thể dùng chữ bất trị để chỉ những người đấu tranh cho khỏi bị đói rách. Sở Hỏa xa cho họ là những người cầm đầu bãi công. Chẳng có ai là người cầm đầu cả. Chính sự đói rách đã cầm đầu cho họ đấu tranh đấy thôi. Quan Toàn quyền đã hứa cho họ vào làm việc lại thì chỉ có một cách là làm đúng theo lời hứa đó”…

Trong lễ tang Phan Thanh, Nguyễn Sơn Trà đại diện cho quê hương Quảng Nam đã khóc người đồng hương/đồng chí thân thiết của mình: “… cái chết của anh không phải chỉ làm mất đi của tỉnh Quảng Nam một đại biểu xứng đáng, người đã dành cả tâm hồn mình để bảo vệ quyền lợi của chúng tôi mà còn làm mất đi của Viện Dân biểu Trung Kỳ một chiến sĩ từng trải, hùng biện và dũng cảm”. Phan Thanh quả là một người hùng biện và dũng cảm, nhưng có lẽ ông không chỉ là người hùng biện và dũng cảm. Bàn về tính hay cãi của Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp - người gần gũi và gắn bó với Phan Thanh trong những ngày hoạt động công khai ở Hà Nội - khẳng định:
 
Hồi đó, hoạt động nghị trường là một lĩnh vực vừa sôi động vừa quyết liệt. Trên diễn đàn công khai phải nói sao không chỉ hợp lòng dân, đúng đường lối của Đảng, thuyết phục được những lực lượng trung gian và sắc bén khi tranh luận với đối thủ nhưng phải giới hạn trong khuôn khổ luật pháp của thuộc địa. Để làm được như thế phải hùng biện dũng cảm nhưng phải khôn khéo. Hội đủ được những phẩm chất ấy không phải ai cũng có. Anh Phan Thanh làm được điều đó (...) có thể nói anh là một tài năng”. Nói Phan Thanh vừa hùng biện dũng cảm lại vừa khôn khéo cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận ở Phan Thanh sự điềm tĩnh chính trị - một phẩm chất mà không phải người Quảng hay cãi nào cũng có.

Và chính nhờ biết vừa hùng biện dũng cảm lại vừa khôn khéo trong đấu tranh nghị trường mà sinh thời Phan Thanh không chỉ nổi tiếng hay cãi mà còn nổi tiếng cãi hay, và không chỉ cãi hay bằng tiếng Việt mà còn cãi hay bằng tiếng Pháp. Chỉ tiếc rằng đời ông, dẫu hay cãi và cãi hay như thế, ông vẫn không cãi lại được duy nhất một điều là số phận - đúng hơn là sự nghiệt ngã của số phận: ngày mồng 1 tháng 5 năm 1939, trái tim Phan Thanh ngừng đập. Giá như mà năm ấy ông cãi lại được...

Ths. Bùi Văn Tiếng

Tài liệu trích dẫn:

1- Xem Duyên Thuận Quảng (Net Codo-Buu diện tỉnh Thừa - Thiên Huế).

2, 3- Dẫn theo Phan Thanh Minh-Góp phần tìm hiểu văn hóa Quảng Nam-Tạp chí Khoa học và sáng tạo, 2008, trang 519.

4 đến 15- Xem Phan Vịnh-Phan Thanh, anh là ai? –NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, các trang 294, 120, 117, 118, 157, 153, 154, 155, 223, 295.

16- Võ Nguyên Giáp-Phan Thanh, một nhà trí thức cách mạng-Tạp chí Khoa học và phát triển số 76-2001.

;
.
.
.
.
.