.

Đà Nẵng quê ta ơi, hôm nay giải phóng rồi

.

5 ngày sau khi Đà Nẵng giải phóng, chúng tôi được đón tiếp Đoàn Ca múa nhạc Trung ương vào biểu diễn. Nhà hát Trưng Vương chật ních một màu xanh áo lính. Từ ngày vào chiến trường, cánh lính chúng tôi chỉ được nghe các chương trình ca nhạc qua chiếc radio chiến lợi phẩm của chính trị viên đại đội. Giờ đây, được nghe trực tiếp các ca sĩ trung ương biểu diễn, ai cũng háo hức, chờ đợi. Khác với mọi ngày, nhà ăn Trung đoàn bộ lúc nào cũng ồn ào những tin chiến thắng từ các tỉnh. Thế mà hôm nay, ai cũng có vẻ vội vã. Nồi cơm của anh nuôi khói vẫn còn nghi ngút mà đã vắng bóng người.

Chưa đến 6 giờ, ánh nắng chói chang của mùa hè miền Trung Trung bộ vẫn còn rát rạt, thế mà từ khắp nẻo đường của thành phố Đà Nẵng, từng đoàn xe GMC chở đầy lính quân phục tươm tất, hò hét kéo đến Nhà hát Trưng Vương. Cả nhà hát chật căng một màu áo lính. Chúng tôi chăm chú nghe từng lời của bài hát với tất cả niềm khao khát. Ca sĩ Bích Liên ra sân khấu với bộ áo dài trắng truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Chị kể cho chúng tôi nghe khi Đoàn Ca múa nhạc Trung ương đến Quảng Trị thì nghe tin Đà Nẵng giải phóng. Từ niềm phấn khởi Đà Nẵng giải phóng, một nhạc sĩ đã sáng tác bài hát "Chào Đà Nẵng giải phóng". Theo chỉ thị của cấp trên, sau khi biểu diễn ở Huế xong, Đoàn phải cấp tốc vào Đà Nẵng biểu diễn văn nghệ phục vụ cho quân và dân thành phố. Thời gian gấp quá nên chị Bích Liên phải vừa đi trên ô-tô vừa tập bài hát. Hôm nay, lần đầu tiên chị hát tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đà Nẵng.

Cả hội trường im lặng khi những nốt nhạc dạo đầu lắng xuống và một giọng ca trong trẻo vút lên "Đà Nẵng quê ta ơi, hôm nay giải phóng rồi". Tôi không thể tin ở đôi mắt của mình, ở đôi tai của mình bởi trên sân khấu kia, một dáng người mảnh mai lại có một chất giọng cao đến lạ lùng đang cất lên tiếng hát khẳng định một chân lý: Đà Nẵng ơi - quê ta giải phóng rồi! "Trời của ta, đất của ta, con chim trên cành lại cất tiếng ca, bao mong ước mới có một ngày vui. Đà Nẵng ơi..., quê ta giải phóng rồi". Lại một lần nữa khẳng định: Đà Nẵng ơi - quê ta giải phóng rồi! Chỉ mới phần đầu của bài hát, hai lần khẳng định niềm khát khao của cả dân tộc: giải phóng rồi. Khi câu hát vừa lắng xuống cùng nốt nhạc thì thay vì cho những lời hát tiếp theo là những tiếng khóc vỡ òa đã được kìm nén từ 21 năm qua. Hàng nghìn người lính òa lên khóc như chưa bao giờ được khóc, chị Bích Liên cũng òa khóc mà không thể hát tiếp được. Mọi người khóc để tận hưởng cái hương vị mong ước mà cả dân tộc đã và đang đổi bằng xương, bằng máu mới giành được: trời của ta, đất của ta.

Hát mừng quê hương giải phóng. (Ảnh tư liệu) 

Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ mỗi người dẫn 50 người con lên rừng, xuống biển để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt. Bốn nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã khẳng định: "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư". Và bây giờ, những người lính của Cụ Hồ cùng cả dân tộc tiếp tục khẳng định: Trời của Ta! Đất của Ta! Một hào khí của Phù Đổng Thiên Vương trên mình ngựa sắt đánh đuổi xâm lăng giữ yên bờ cõi đang về với mỗi làng quê, mỗi con đò ven sông. Mới có mấy ngày qua, bên cạnh tôi còn những xác đồng đội với những khét lẹt khói đạn bom. Ngày 28-3-1975, tôi cùng đơn vị Tiểu đoàn 76 theo hướng Quốc lộ 1 đánh vào Sân bay Đà Nẵng với chiếc quần xà lỏn và khẩu súng AK47 trên tay, ba lô đã bị đạn pháo hất tung trong trận đánh ở Điện Quang. Thế mà giờ đây, một miền quê thanh bình đang đến với chúng tôi, với những người dân của thành phố kết nghĩa Hải Phòng - Đà Nẵng. Nước mắt người lính, nước mắt ca sĩ và nước mắt người dân thành phố Đà Nẵng cùng chan hòa trong giai điệu hào hùng của bài hát ngày chiến thắng, trong niềm khát khao hạnh phúc "bao mong ước mới có một ngày vui, Đà Nẵng ơi, quê ta giải phóng rồi"... Cứ thế, lời ca, nốt nhạc cứ ngân nga mãi. Ào ạt như sóng biển Đông, trập trùng như núi rừng Tây Nguyên bất khuất. Mênh mông lời hát, mênh mông biển người trong ngày chiến thắng huy hoàng. Bài hát chỉ cần vài phút là biểu diễn xong, ấy vậy mà chị Bích Liên phải hát đến hơn hai chục phút. Nhiều chỗ dừng lại dành cho tiếng nức nở của con tim đang đập rộn rã của những người đang sống vui mừng chiến thắng và sẻ chia cho những đồng bào, đồng chí đã ngã xuống trong trận chiến hôm qua. Nốt nhạc cuối cùng rồi cũng chấm dứt nhưng dư âm của bài hát cứ âm vang mãi trong lòng những lính Hải Đà chúng tôi thực hiện nhiệm vụ cao quý của Thành ủy, Ủy ban Hành chính và nhân dân thành phố Hải Phòng là cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Đã 35 năm ngày giải phóng Đà Nẵng cho đến bây giờ, ít nhất cũng 35 lần câu hát "Đà Nẵng ơi, quê ta giải phóng rồi" vang vọng mãi trong tâm trí tôi. Những người lính Hải Đà chúng tôi mỗi lần gặp nhau ôn lại những kỷ niệm về Quảng Đà, về Đà Nẵng mà không ai không nhắc đến bài hát và chị Bích Liên.

Năm 1977, tôi ra quân. Từ ngày đó, ước ao được trở về thăm lại Đà Nẵng luôn thôi thúc trong tôi. Năm 1980, trong chuyến đi công tác ngắn ngày tại Pleiku, tôi tranh thủ ghé thăm Đà Nẵng. Khi đến Đà Nẵng đã 1 giờ sáng, tôi chỉ còn 4 tiếng nghỉ ngơi. Tranh thủ anh em ngủ, tôi và lái xe đi quanh thành phố. Đường Bạch Đằng yên tĩnh trong ánh đèn đêm mùa hạ. Sông nước mênh mang. Tôi hít một hơi no căng khí đêm Đà Nẵng như muốn ôm trọn thành phố trong lòng mình. Tiếng sóng vỗ bờ ì oạp. Từng bước, từng bước theo bậc thang xuống dòng nước, tôi khẽ khàng khỏa đôi bàn tay của mình vào dòng nước như muốn gọi từ dòng sông những ký ức của một thời chiến tranh mới qua đi. Trời se lạnh. Bất giác, tôi ngồi thụp xuống, đôi tay vội vã kéo nước sông vào lòng. Đà Nẵng đây rồi. Trời của ta, đất của ta đây rồi. Đà Nẵng ơi, con lại về với mảnh đất thiêng đây rồi. Nơi đất thiêng ấy, mỗi người dân là một chiến sĩ. Và nơi ấy có những đồng bào, đồng chí của con ngã xuống để dòng sông hôm nay yên tĩnh chảy mãi ra biển cả. Dòng sông Cấm đã chứng kiến con sinh ra và lớn lên, dòng sông Hàn đây đã chứng kiến con trưởng thành, con cùng đồng đội và nhân dân chiến đấu, giữ gìn từng tấc đất của cha ông. Cả hai dòng sông hòa trong nhịp đập trái tim người lính, tắm mát và chở che cho mỗi bước chân con.

Đà Nẵng và những kỷ niệm một thời để nhớ luôn cùng tôi trên con đường đời.

ĐINH VĂN BÌNH

Nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 76, Mặt trận 4 Quảng Đà; nguyên trợ lý tổ chức, Ban Chính trị Trung đoàn 96, Quân khu 5

;
.
.
.
.
.