.

Mọi thành quả đều hướng đến mục đích phục vụ nhân dân tốt hơn

.

LTS: Nhân dịp Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

PV:
Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, năm 2009, cùng với cả nước, Đảng bộ, nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Xin đồng chí cho biết đối diện với khủng hoảng kinh tế, vấn đề gì khiến đồng chí phải dành nhiều thời gian để giải quyết và kết quả nào làm đồng chí hài lòng?

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: Khủng hoảng kinh tế tác động xấu đến tất cả các tầng lớp xã hội, nhưng trong đó, những đối tượng chính sách, những người làm công ăn lương, những người lao động tự do, những gia đình nghèo, vốn khó khăn nay càng thêm khó khăn. Làm thế nào để giữ được sự ổn định về mức sống của các đối tượng này, để họ không phải đứt bữa, để con cái họ không vì thiếu tiền mà phải bỏ học? Làm thế nào để tạo thêm nhiều việc làm cho người thất nghiệp?... là những vấn đề nóng bỏng mà chúng tôi thấy trăn trở, suy tư rất nhiều; thôi thúc chúng tôi tích cực tập trung giải quyết. Điều đáng mừng là mặc dầu trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng năm 2009, thành phố vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, mức sống của bộ phận dân nghèo được cải thiện đáng kể nhờ thực thi các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ thiếu niên hư bỏ học, vi phạm pháp luật giảm, nạn bạo hành gia đình được ngăn chặn có hiệu quả. Đó chính là những gam màu tươi sáng trong bức tranh toàn cảnh 2009 của thành phố chúng ta.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy đón đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng 19-9-2003. (Ảnh: Nhân Mùi)

PV: Trong chuyến về thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng tháng 3 năm 2009, phát biểu tại Lễ khánh thành Tuyến cáp treo Bà Nà, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá: "Đà Nẵng với những đổi thay rất đáng khâm phục. Những tuyến đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại, tiêu biểu cho một sức sống mãnh liệt của người dân Đà Nẵng. Đà Nẵng ngày càng văn minh, giàu đẹp, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao...". Đồng chí cho biết cảm nhận của mình về những ghi nhận và đánh giá đó?

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân, đế quốc trước đây cũng như trong sự nghịêp đổi mới ngày nay, và nhất là từ ngày thành phố trực thuộc Trung ương đến nay; chúng ta đạt được những thành tích đáng kể là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm, cổ vũ, giúp đỡ, hỗ trợ, theo dõi và ủng hộ của những Hải Phòng, Thanh Hóa kết nghĩa; của Quảng Nam ruột thịt, của đồng bào chiến sĩ cả nước, và anh em bè bạn gần xa. Chính sự hậu thuẫn và nền tảng vững chắc đó đã củng cố thêm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để Đà Nẵng bứt phá đi lên.

Trong quá trình phát triển của thành phố luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các ngành Trung ương. TRONG ẢNH: Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng (19-9-2003) và ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33-NQ/TƯ.

Từng là căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ - ngụy, cơ sở hạ tầng, kinh tế hầu như không có gì, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, 35 năm sau ngày giải phóng, nhất là sau 13 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực sự thay da đổi thịt. Kinh tế thành phố tăng trưởng liên tục, đặc biệt là giai đoạn 2005-2009, dù bị tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng thành phố vẫn duy trì tốc độ phát triển trên 12%/năm. Bình quân thu nhập đầu người từ 628 USD năm 2000 dự kiến tăng lên 2.000 USD vào cuối 2010. Cơ cấu kinh tế thành phố được chuyển dần theo hướng hiện đại: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Thành tựu nổi bật nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Bên cạnh đó, sự phát triển của thành phố luôn gắn với những tiến bộ và công bằng xã hội. Các chương trình thành phố "5 không", "3 có" cùng các chính sách xóa đói giảm nghèo, chăm sóc đối tượng chính sách, hỗ trợ đối tượng xã hội, và các chính sách về an sinh xã hội khác đã tạo được không khí phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân. Con người sống với nhau trọn vẹn sau trước, có tình, có nghĩa, nhân ái, đàng hoàng. Chúng ta tự hào với những thành tựu, vui mừng trước sự đánh giá của Trung ương, nhưng chúng ta không nên chủ quan, thỏa mãn.

Đại hội Đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2005 - 2010 diễn ra từ ngày 18 đến 21-12-2005, với 300 đại biểu thay mặt cho hơn 30.000 đảng viên toàn Đảng bộ thành phố. Đại hội đã ra nghị quyết quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong giai đoạn 5 năm 2005-2010. (Ảnh: Nhân Mùi) 

Tự hào từng đánh bại hai đế quốc to trong quá khứ, tự hào đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, tự hào với những thành tích ấn tượng đạt được trong hơn 10 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chúng ta càng nên tự hỏi rằng: "Đà Nẵng đã phát triển xứng đáng với vị thế và tiềm năng của mình, xứng đáng với sự tin cậy giao phó của cả nước hay chưa? Đà Nẵng - một thành phố anh hùng trong chiến đấu có viết tiếp được những trang sử huy hoàng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay không?". Tất cả những điều đó phụ thuộc ở bản lĩnh, ở trí tuệ, ở sự lao động, ở sự phấn đấu quyết liệt cùng với sự năng động, sáng tạo và đầy tâm huyết của mỗi chúng ta.

Lễ khánh thành cầu Sông Hàn (3-2000).

PV: Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt giải phóng Đà Nẵng 29 tháng 3 năm 1975 và công cuộc đổi mới của Đà Nẵng hiện nay có chung những phẩm chất: Nhanh chóng, táo bạo, kịp thời và chắc thắng, với khí thế tiến công như bão táp, sóng trào. Đó là sức mạnh của ý chí, lòng dân. Đồng chí cho biết thành phố cần làm gì để chất lửa đó sục sôi hơn, mãnh liệt hơn?

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: Người dân Đà Nẵng hiền lành, chất phác nhưng cũng rất quyết đoán trong suy nghĩ, quyết liệt trong hành động, xả thân trong đấu tranh và dấn thân trong xây dựng; đi đầu trong đánh giặc ngoại xâm và tiên phong trong kiến thiết đổi mới. Dân gian đúc kết, "người Quảng Nam hay cãi". Cãi để tìm ra chân lý, cãi để tìm ra cách làm tối ưu, cãi để đi đến thống nhất trong hành động. Đó thực chất là tranh luận mang tính cách mạng. Tư chất không cam chịu, không tự bằng lòng với mình thể hiện bằng sự vươn lên mạnh mẽ của Đà Nẵng trong 13 năm qua.

Đường Điện Biên Phủ, cửa ngõ phía Bắc thành phố và Tượng đài Mẹ dũng sĩ Thanh Khê. Đường Điện Biên Phủ, khánh thành ngày 29-3-2005, là con đường được thi công và hoàn thành trong thời gian nhanh kỷ lục, thể hiện sự đồng thuận của lòng dân đối với các chủ trương, chính sách của thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Ông Văn Sinh)

Trong chiến tranh giải phóng, chất lửa được hun đúc bởi tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do", và với quyết tâm "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập". Tinh thần đó đã thôi thúc toàn dân đoàn kết cùng nhau cứu nước. Bài học lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể của lịch sử được đúc kết từ hàng nghìn năm lịch sử vẫn còn nguyên giá trị sáng tươi.

Công cuộc xây dựng thành phố hiện nay, sự thành bại cốt ở nhân dân, vì vậy việc khơi dậy sức dân, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động cách mạng được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Thành công của Đà Nẵng trong những năm qua chính là nhờ sức mạnh của lòng dân, của sự đồng thuận toàn xã hội và sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ. Trong 13 năm qua, gần 90 ngàn hộ dân chấp nhận di dời chỗ ở, tái định cư nhường đất cho thành phố quy hoạch, phát triển; hàng loạt công trình phúc lợi mọc lên từ chủ trương "Khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng", từ phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm",... chứng minh cho sức mạnh của lòng dân thành phố.

Cầu Sông Hàn và đường Trần Hưng Đạo đã thức tỉnh cả một vùng phía đông thành phố. Cảnh nhà chồ ven sông đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ. 

Phải nói thêm điều này, mọi thành tựu phát triển của Đà Nẵng trong mấy năm qua đều hướng đến mục đích cao cả nhất là cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân. Đảng dựa vào dân, lấy phục vụ nhân dân làm phương châm hành động. Đảng nói dân tin, chính quyền làm dân ủng hộ, Mặt trận đoàn thể vận động dân theo, đó là nguồn năng lượng vô tận cho ngọn lửa cách mạng vẫn tiếp tục cháy mãi, sáng mãi. Chúng ta phải làm cho nội bộ đã đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa, lòng dân đã đồng thuận thì đồng thuận hơn nữa; và phải hành động, hành động và hành động quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, sức sống mãnh liệt của người dân Đà Nẵng nhất định sẽ xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc hơn.

PV: Thành tựu mà Đà Nẵng đạt được trong những năm qua tạo nên ấn tượng đẹp không những đối với người dân thành phố mà còn cả với bạn bè gần xa. Một thành phố trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là bộ phận không thể thiếu làm nên thương hiệu Đà Nẵng. Tuy vậy, so với yêu cầu cuộc sống đòi hỏi, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm. Những vấn đề gì khiến đồng chí chưa yên tâm?

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: Chúng ta có quyền phấn khởi, tự hào trước sự phát triển của thành phố trong thời gian qua. Nhưng nhìn chung những mặt yếu kém, tồn tại đã đề cập trước đây vẫn còn hiện diện trong đời sống, đồng thời phát sinh một số vấn đề mới cần tập trung giải quyết. Đó là, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; dịch vụ chưa tạo được bước đột phá. Công nghiệp chưa tạo được những sản phẩm chủ lực; công nghiệp công nghệ thông tin chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế; sự phát triển thành phố chưa thật sự bền vững, hài hòa; chủ yếu còn dựa vào khai thác tài nguyên, nhân công giá rẻ; công nghệ còn lạc hậu.

Trong quá trình phát triển, thành phố tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, đồng thời hết sức chú ý các công trình xã hội (Ảnh mô hình Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng) 

Đó là, cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ và chưa thật hiện đại. Đó là, nhiều vấn đề văn hóa, xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt; nếp sống văn hóa, văn minh đô thị còn nhiều bất cập; thiết chế văn hóa còn thiếu; nhà ở, việc làm, an sinh xã hội, nhập cư, ô nhiễm môi trường và trật tự an toàn giao thông còn nhiều bức xúc. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, trẻ em hư bỏ học, thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật, bạo hành gia đình, giá trị nhân văn, đạo đức xã hội còn nhiều bất cập.

Đó là, chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác xây dựng Đảng, phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận còn chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đó là, bộ máy hành chính vừa cồng kềnh, vừa kém hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực tổ chức thực hiện yếu; mô hình chính quyền đô thị chưa được xác định rõ, cải cách thủ tục hành chính còn nửa vời, trách nhiệm cá nhân chưa được đề cao.

Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (còn gọi là Khu đô thị "Vầng trăng khuyết" ) đang dần được hình thành khi chủ đầu tư khẩn trương san lấp 210ha mặt biển Vịnh Đà Nẵng và chuẩn bị xây dựng hạ tầng. Khu đô thị này bao gồm các khu resort, sân golf, bến cảng dành cho du thuyền, khách sạn quốc tế, trung tâm hội nghị quốc gia, tòa nhà văn phòng cao cấp 60 tầng, các trung tâm thương mại, villa cao cấp và chung cư với quy mô 8.500 căn hộ. (Ảnh: Hứa Hải)  

Những tồn tại, yếu kém này là những điều không mong muốn, làm cho chúng ta thấy không yên tâm, nhưng chúng ta phải dũng cảm thừa nhận; nó thể hiện phần nào sự bất cập trong năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, ở trình độ quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, và ở ý thức làm chủ của nhân dân, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt nâng cao hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.

PV: Kỷ niệm 35 năm Ngày thành phố giải phóng, "trông lại ngàn xưa, trông tới mai sau", xin đồng chí cho biết những tình cảm và suy nghĩ của mình về các thế hệ cha anh đã chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của Tổ Quốc và thế hệ trẻ - người chủ tương lai của đất nước?

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý muôn đời của người Việt Nam. Có được hạnh phúc ngày hôm nay, có biết bao lớp người đã ngã xuống. Chúng ta thành tâm tưởng nhớ và biết ơn vô hạn công lao của các chí sĩ ái quốc tiền bối, các sĩ phu, văn thân yêu nước. Chúng ta xin tưởng nhớ và biết ơn các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ, các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự trường tồn của đất nước ta, dân tộc ta.

Ảnh: Ông Văn Sinh

Với trách nhiệm của những người còn sống, chúng ta thành tâm chia sẻ với những khó khăn, mất mát; những bất hạnh, đau thương với bản thân và người thân của những đồng chí, đồng bào đến nay vẫn còn mang thương tật, di chứng nặng nề do hậu quả chiến tranh để lại; chúng ta thật đau lòng khi hài cốt của nhiều đồng bào, đồng chí, chiến sĩ ta ở nơi chín suối ngàn thu đã bao năm chiến tranh đi qua mà đến nay vẫn chưa tìm thấy được. Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố là dịp chúng ta tìm về cội nguồn sức mạnh của Đảng ta, của dân tộc ta, sống lại khí thế hào hùng của những ngày tháng Ba lịch sử, tìm ở đó những giá trị lịch sử to lớn, ý chí và lòng quyết tâm, những bài học quý báu cho hôm nay và cả mai sau.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh trong một cuộc tiếp xúc với cán bộ trẻ TP. Đà Nẵng. 

Chúng ta luôn nhớ rằng, một Đà Nẵng phát triển giàu có sẽ mang lại sự thụ hưởng cho mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, đơn vị. Một Đà Nẵng phát triển không chỉ riêng cho bản thân Đà Nẵng, mà còn phải có sức lan tỏa rộng hơn, lực hút lớn hơn. Song, nếu một Đà Nẵng phát triển chậm chạp, ì ạch, đời sống nhân dân không được cải thiện, khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng ra, môi trường ngày càng ô nhiễm, nội bộ phe cánh, bè phái, đấu đá, kèn cựa địa vị, thiếu đoàn kết nhất trí, lòng dân không thuận thì hậu quả sẽ khôn lường, sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu không chỉ về kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội.

Trước hết và trên hết, Đà Nẵng sẽ tự đánh mất mình. Như thế, chúng ta không những có lỗi với thế hệ hôm nay và mai sau, mà còn có tội trước bao anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do cho mảnh đất này. Lịch sử vẻ vang và những ngày đang sống sôi động này không thể chấp nhận một Đà Nẵng chậm bước, một Đà Nẵng trung bình chủ nghĩa. Tất cả yêu cầu Đà Nẵng phải bứt phá đi lên. Đó là mệnh lệnh của lịch sử, là tiếng gọi thiêng liêng của cuộc sống.

Sứ mệnh hết sức to lớn, nặng nề này đặt trên vai của toàn Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng, của mọi người và mỗi người, nhưng trước hết là của thanh niên, của thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước. Tôi và chúng ta đặt trọn niềm tin ở thế hệ trẻ thành phố. Tin tưởng và giao trách nhiệm cho thế hệ trẻ Đà Nẵng mang lá cờ truyền thống của quê hương anh hùng chiếm lĩnh những tầm cao mới.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy.

TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH (thực hiện)

;
.
.
.
.
.