.

DỰ THẢO ĐỀ ÁN ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐỢT 2 NĂM 2013 (Tiếp theo)

E. QUẬN SƠN TRÀ

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KHU DÂN CƯ PHÒNG CHỐNG LAO (Sơ đồ số 19): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Công Trứ, điểm cuối là khu dân cư: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 125m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 1,5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: PHAN BÔI

II. KHU DÂN CƯ THIẾT BỊ PHỤ TÙNG (Sơ đồ số 20): 02 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Văn Quý, điểm cuối là đường Đinh Thị Hòa: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 180m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: AN ĐỒN 4

2. Đoạn đường có điểm đầu là khu dân cư, điểm cuối là đường Lê Ninh: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 170m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: AN ĐỒN 5

III. KHU TÁI ĐỊNH CƯ PHÍA ĐÔNG ĐƯỜNG YẾT KIÊU (Sơ đồ số 21): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Yết Kiêu, điểm cuối là đường 15m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 450m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐẶNG NHỮ LÂM

ĐẶNG NHỮ LÂM (? - ?)

Ông là danh thần đời Trần Nhân Tông. Không rõ năm sinh, năm mất của ông.

Ông là người có công trong cuộc kháng Mông - Nguyên và được cử chức Đại phu.

Năm 1299, đời Trần Anh Tông, ông được cử đi sứ Mông - Nguyên. Tại đây, ngoài công việc ngoại giao, ông còn dành thời gian để khảo sát và vẽ bản đồ địa thế cung điện triều Nguyên, cố tìm mua những bản đồ địa dư và sách cấm bán cho người nước ngoài. Dọc đường đi, ông còn ghi lại ký họa địa hình và ghi chép tình hình quân sự của nhà Nguyên để phục vụ cho đất nước sau này nên bị chúng bắt giữ lại trong suốt hai năm. Đến năm 1301, ông và phái đoàn ngoại giao mới được chứng khiến Thượng thư Ma Các Ma đưa trả về nước.

* Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

IV. KHU DÂN CƯ MÂN THÁI 2 (Sơ đồ số 22): 02 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Trọng Nghĩa, điểm cuối là đường 10,5m quy hoạch: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 430m; rộng có đoạn 7,5m, có đoạn 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2x3 & 2x3,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHÙNG TÁ CHU

PHÙNG TÁ CHU (? - 1241)

Ông quê ở làng Mỹ Xá, nay là xã Trần Phú, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Ông có liên hệ với họ Trần và nhiệt thành giúp đỡ họ này lập nghiệp. Năm 1211, sau vụ loạn Quách Bốc, Thái tử Sảm lên ngôi tức là Lý Huệ Tông. Họ Trần cử ông làm Thái giám đưa Trần Thị, vợ Huệ Tông vào cung, ông tiếp tục được trọng dụng. Năm 1226, ông đã là Phụ quốc thái úy, có lần được cử đi cai quản châu Nghệ An, sau đó được phong là Đại Vương, Nhập nội Thái phó.

Ông là người có nhiều công lao giúp triều đình nhà Trần những năm đầu lập nghiệp, định ra chế độ quan hàm, thuế khóa. Ông cũng là người có tài về kiến trúc, được giao việc lập cung điện, nhà cửa ở hương Tức Mặc (Nam Định) và dựng 5 sở hành cung ở Thanh Hóa...

Năm 1241, ông mất và được phong Phúc Thần, dân chúng thờ ông làm Thành hoàng ở đình làng Quảng Bá, cùng thờ chung với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Từ Tống quân Từ Mục.

* Tài liệu tham khảo chính: Vũ Ngọc Khánh, Từ điển văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 1993.

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Trọng Nghĩa, điểm cuối là đường 10,5m quy hoạch: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 385m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRƯƠNG QUYỀN

TRƯƠNG QUYỀN (? - ?)

Ông còn có tên là Huệ, con trai của Lãnh binh Trương Định. Không rõ năm sinh, năm mất của ông.

Sau khi Trương Định hy sinh, ông cộng tác với Thiên Hộ Dương tổ chức kháng chiến ở vùng Đồng Tháp Mười và được các chiến sĩ tôn là Nhị lang quân (Nhất lang là Thiên Hộ Dương). Ông còn hợp tác với quân kháng chiến Miên do Pu Kăm Pô đứng đầu. Ông cũng từng chỉ huy đánh đồn Thuận Kiều ở Chợ Lớn, Bà Điểm, Trảng Bàng (Tây Ninh)…

Sau năm 1868, nghĩa quân thiếu vũ khí, tan rã, Pu Kăm Pô chạy về Nam Vang, ông lên Biên Hòa một thời gian rồi về Cai Lậy tập trung lực lượng nghĩa quân lại vào năm 1870 để tiếp tục tổ chức kháng chiến chống Pháp.

Ông hy sinh trong trận chiến ở Cai Lậy.

* Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

V. KHU DÂN CƯ AN HÒA (Sơ đồ số 23): 05 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường An Hải 5, điểm cuối là đường Nguyễn Sĩ Cố (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 365m, rộng 11,25m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: ĐỖ ANH HÀN

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đỗ Anh Hàn, điểm cuối là đường Trần Thánh Tông: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 310m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: HOÀNG QUỐC VIỆT

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vân Đồn, điểm cuối là đường Nguyễn Sĩ Cố (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 220m; rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: DƯƠNG VÂN NGA

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường Hương Hải Thiền Sư, điểm cuối là đường Đỗ Anh Hàn: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 165m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: LÊ CHÂN

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Hoàng Quốc Việt, điểm cuối là đường Trần Hưng Đạo: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 410m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN SĨ CỐ

NGUYỄN SĨ CỐ (? - 1312)

Ông là danh sĩ đời Trần Thánh Tông, không rõ năm sinh và quê quán.

Năm 1247, danh tiếng ông vang đến triều đình, Trần Thánh Tông bèn triệu ông vào cung trao chức Nội thị học sĩ để dạy hoàng tử, sau này là Trần Nhân Tông. Năm 1306, dưới thời Trần Anh Tông, ông được thăng chức Học sĩ trông coi việc giảng ngũ kinh ở gác Thiên Chương, thỉnh thoảng giảng sách cho vua học; về sau, ông được bổ làm An phủ sứ. Năm 1312, ông theo vua đi đánh Chiêm Thành và mất.

Ông là người có công đề xướng việc dùng chữ Nôm trong thơ văn, cùng với Nguyễn Thuyên đề cao khả năng chữ Nôm trong tương lai văn hóa dân tộc.

Ông sáng tác nhiều thơ phú quốc âm, tiếc rằng không còn lưu truyền, chỉ còn lại hai bài thơ chữ Hán là: Tòng giá Tây chinh yết Tản Viên từ (Theo vua đi đánh phía Tây yết đền Tản Viên); Tòng giá Tây chinh yết Uy Hiển vương từ (Theo vua đi đánh phía Tây yết đền Uy Hiển vương) và Tứ dân văn uyển có bài vịnh Tần Thủy Hoàng. Phạm Sư Mạnh - bạn ông, có bài Quá An Phủ Nguyễn Sĩ Cố (Qua mộ An Phủ Nguyễn Sĩ Cố).

* Tài liệu tham khảo chính:

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

- Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004.

VI. KHU DÂN CƯ AN HẢI BẮC (Sơ đồ số 24): 02 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lưu Hữu Phước, điểm cuối là đường Nguyễn Trung Trực: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 85m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: AN HẢI BẮC 7

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Trung Trực, điểm cuối là tường rào Trường Lê Độ: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 130m, rộng 3,75m; vỉa hè mỗi bên rộng 2,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: AN HẢI BẮC 8

VII. DỰ ÁN PHỨC HỢP ĐÔ THỊ, TM & DV PHƯỜNG NẠI HIÊN ĐÔNG VÀ THỌ QUANG (Sơ đồ số 25): 04 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Khúc Thừa Dụ, điểm cuối là đường Lê Văn Duyệt: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1445m, rộng 15m; vỉa hè mỗi bên rộng 6m.

- Đề nghị đặt tên đường: TỰ ĐỨC

TỰ ĐỨC (1829 - 1883)

Ông có tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, ngoài ra còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì. Ông là vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn và là con trai thứ hai của hoàng đế Thiệu Trị.

Tháng 10, năm Ðinh Mùi (1847), ông lên ngôi hoàng đế, lấy năm Mậu Thân (1848) làm năm niên hiệu Tự Ðức thứ nhất.

Sau khi lên ngôi, ông đã chủ trương ổn định đất nước, năm Canh Tuất (1850), ông sai Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược đại sứ 6 tỉnh Nam kỳ; Phan Thanh Giản làm Kinh lược đại sứ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận; Nguyễn Đăng Giai làm Kinh lược đại sứ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Các đại thần này đi khám xét công việc các quan lại và sự làm ăn trong dân gian, có điều gì hay dở phải dâng sớ tâu về kinh đô cho vua biết.

Thực dân Pháp xâm lược nước ta đúng vào thời gian ông trị vì. Ông là người lập kế hoạch tổ chức phòng thủ cửa biển Đà Nẵng với quy mô lớn hơn bất cứ cửa biển nào khác ở nước ta. Hệ thống phòng thủ này gồm các đồn, đài, bảo được xây dựng liên hoàn như các đồn Trấn Dương, Hóa Khê, Mỹ Thị, Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, Chơn Sảng, Hải Vân Quan..; các thành như An Hải, Điện Hải; cùng với hệ thống phòng thủ này là lực lượng quân đội, tàu chiến, đại bác và các phương tiện thông tin, quan sát.

Năm 1858,  liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Dưới sự chỉ đạo của vua Tự Đức, các tướng tài như Đô thống Lê Đình Lý, Tham tri Phan Khắc Thận, Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Duy, Thống Chế Chu Phước Minh, Nguyễn Tri Phương… đã tổ chức nhân dân, nghĩa binh đẩy lui quân giặc. Không chiếm được Đà Nẵng quân Pháp liền quay vào đánh chiếm Gia Định (1859), chiếm luôn các tỉnh Biên Hòa, Định Tường thuộc miền Đông Nam Kỳ (1861) buộc triều đình Tự Đức phải ký hòa ước Nhâm Tuất (1862). Có thể nói, trong cuộc kháng Pháp lần đầu tiên, trên mặt trận Đà Nẵng, ông là người có nhiều công lao trong việc lập các hệ thống phòng thủ và cử các tướng chỉ huy lực lượng nghĩa binh và nhân dân chăm lo tổ chức kháng Pháp và giành được thắng lợi.

Tự Đức là ông vua đề cao Nho học. Ông chăm về việc khoa bảng, sửa sang việc thi cử và đặt ra các kỳ thi Nhã Sĩ và Cát Sĩ để chọn người có tài văn học ra làm quan. Ông làm nhiều thơ bằng chữ Hán, trong đó có bộ Ngự Chế Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trăm nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn làm cả sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân dễ hiểu, điển hình như: Luận Ngữ diễn ca, Thập điều diễn ca, Tự học diễn ca...

Ông cũng là người giỏi về lịch sử, ông đã đặt Tập Hiền Viên và Khai Kinh Diên để ông ngự ra cùng với các quan bàn sách vở, thơ phú hoặc nói chuyện chính trị. Ông còn chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn bộ sử lớn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, ghi chép từ đời thượng cổ cho tới hết thời nhà Hậu Lê, trong đó ông tự phê nhiều lời bình luận. Ông cũng rất yêu nghệ thuật, đã tập trung nhiều người soạn kịch bản tuồng về kinh thành Huế và lệnh cho soạn những vở tuồng lớn Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Việt Nam các nhân vật lịch sử-văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, 2008.

- Các Tham luận tại Hội thảo Khoa học nhân kỷ niệm 150 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp do Hội Sử học thành phố Đà Nẵng và Hội Sử học Thừa Thiên - Huế tổ chức ngày 28-9-2013.

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Hữu An (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Vân Đồn: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1.330m, rộng 15m; vỉa hè mỗi bên rộng 2x12 & 2x6-9m.

- Đề nghị điều chỉnh và đặt tên đường: LÊ VĂN DUYỆT

Đường Lê Văn Duyệt đã được đặt tại quận Hải Châu từ năm 1954.

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường 15m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Lê Văn Duyệt: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1160m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN HỮU AN

NGUYỄN HỮU AN (1926 - 1995)

Ông quê ở xã Trường Yên, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Ông nhập ngũ tháng 8-1945, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông trưởng thành từ chiến sĩ đến Trung đoàn trưởng. Năm 1955 - 1964, ông là Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 316, rồi Phó Tham mưu trưởng Quân khu Tây Bắc. Năm 1964 - 1967, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 6, Sư đoàn 1.

Năm 1968 - 1974, ông là Tham mưu trưởng Quân khu Hữu Ngạn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308, rồi Phó Tư lệnh Mặt trận 31, Mặt trận Đường 9, Quân khu Trị - Thiên. Năm 1975 - 1979, ông là Tư lệnh Quân đoàn 2, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1981 - 1984, ông là Phó Tổng thanh tra Quân đội. Năm 1984 - 1987, ông là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng rồi Quyền Tư lệnh Quân khu II.

Từ 1988 - 1991, ông là Viện trưởng Học viện Lục quân. Từ 8-1991 đến 1995, ông là Viện trưởng Học viện Quân sự cao cấp, nay là Học viện Quốc phòng.

Ông được phong quân hàm Thiếu tướng (năm 1974), Trung tướng (năm 1980) và Thượng tướng (năm 1986).

Ông là một trong những vị tướng Việt Nam đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận chiến đấu và chiến thắng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 3 Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Ba), 3 Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba).

* Tài liệu tham khảo chính: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, 1996.

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường 15m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1.095m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRẦN SÂM

TRẦN SÂM (1918 - 2009)

 Ông quê ở xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia cách mạng từ năm 1938.

Tháng 3 năm 1939, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); tháng 11-1939, ông bị địch bắt, kết án từ 5 năm đày đi Buôn Mê Thuột, ra tù, ông bắt liên lạc tiếp tục hoạt động cách mạng, sau đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Quảng Trị.

Từ năm 1953 - 1957, ông là Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu.

Năm 1959, ông được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự Việt Nam (từ năm 1960).

Từ năm 1963 đến năm 1965, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

Sau đó, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam qua các giai đoạn (1965 - 1974 và 1975 - 1976).

Tại Đại hội IV của Đảng năm 1976, ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Vật tư (đến tháng 4 năm 1982). Năm 1982 - 1986, ông giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Kinh tế và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ông được phong quân hàm Thiếu tướng (1959), Trung tướng (1974), Thượng tướng (1986).

 Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất… và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

* Tài liệu tham khảo chính: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, 1996.

 

;
.
.
.
.
.