.

DỰ THẢO ĐỀ ÁN ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐỢT 2 NĂM 2013 (Tiếp theo)

K. ĐỔI TÊN ĐƯỜNG ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT TÊN TRƯỚC ĐÂY.

1. Đổi tên đường Lê Văn Duyệt, dài 80m, rộng 6m từ đường Bạch Đằng đến đường Trần Phú được đặt từ năm 1954 đến nay bằng đường Thành Điện Hải.

Thành Điện Hải hiện ở tại số 24, đường Trần Phú, thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu.

Thành Điện Hải nguyên là đồn Điện Hải, được Vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1813, gần bờ sông Hàn. Đến năm năm 1823, vua Minh Mạng cho dời đồn Điện Hải vào sâu đất liền (chỗ di tích hiện nay), cách đồn cũ khoảng 600m. Đến năm 1835, đồn Điện Hải đổi là thành Điện Hải. Năm 1847, vua Thiệu Trị cho xây dựng lại thành Điện Hải kiên cố hơn, có dạng hình vuông, theo kiến trúc kiểu thành Vauban của Pháp, thành có chu vi là 556m, có 4 góc lồi, tường xây cao 5m, chung quanh thành là hào sâu 3m và có 2 cửa: cửa phía nam và cửa phía đông. Trong thành có hành cung, kỳ đài, có nơi chứa lương thực, đạn dược và được trang bị 30 ụ súng đại bác.

Ngày 31-8-1858, lực lượng liên quân Pháp - Tây Ban Nha được trang bị nhiều vũ khí tối tân và hiện đại nhất lúc bấy giờ, đổ bộ tại cửa vịnh Đà Nẵng, đồng thời chúng cũng vạch ra kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” để vượt qua đèo Hải Vân thẳng tiến ra Huế buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Sáng sớm ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha do tướng Ri-gôn đờ Giơ-nuy-di (Rigault de Genouilly) chỉ huy đã gửi tối hậu thư cho quan trấn thủ Đà Nẵng đòi quân ta phải đầu hàng và giao nộp toàn bộ vũ khí, đồn lũy cho chúng, nhưng phía ta đã bác bỏ, địch liền nổ súng tấn công, nhưng cũng ngay từ giờ phút này quân dân Đà Nẵng đã tổ chức phòng ngự và đánh trả quyết liệt lại quân thù. Trong trận chiến ban đầu của quân và dân Đà Nẵng, thành Điện Hải đã phát huy tác dụng góp phần đánh bại quân địch ngay từ những giây phút đầu tiên khi chúng xâm lược nước ta, làm nên thắng lợi chung của quân dân cả nước.

Thành Điện Hải được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988.

2. Đổi tên đường Đỗ Năng Tế, dài 200m, rộng 5,5m, hình chữ U, có điểm đầu và điểm cuối là đường Tiểu La được đặt theo Nghị quyết 42-2013-NQ-HĐND ngày 11-7-2013 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, kỳ họp thứ 7 bằng đường Nguyễn Sơn Hà.

NGUYỄN SƠN HÀ (1894 - 1980)

 Ông quê ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Là một trong những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc. Ông được biết đến như là người khai sinh nghề sản xuất sơn ở Việt Nam.

 Trước Cách mạng tháng Tám, với vị trí một nhà tư sản có uy tín trong giới công thương thành phố, ông tranh cử Hội đồng thành phố và tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội Ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền bá quốc ngữ. Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập các cơ sở từ thiện, mở trường Dục Anh nuôi dạy trẻ lang thang. Năm 1945, ông đã đấu tranh với Pháp, Nhật để đòi mở kho thóc để cứu đói cho dân.

Sau Cách mạng tháng Tám, trong Tuần lễ vàng, ông không những tích cực đóng góp tiền vàng mà còn vận động các nhà tư sản khác và mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Riêng gia đình ông đã ủng hộ 105 lạng vàng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh và Mặt trận Việt Minh cấp Giấy khen. Vào những ngày đầu của “Toàn quốc kháng chiến” (cuối năm 1946), các doanh nhân như ông, Bùi Hưng Gia, Ngô Tử Hạ... đã tình nguyện hiến tài sản cho cách mạng.

Ông trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hải Phòng, tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam các khóa II, III, IV, V.

 Năm 2006, ông đã được truy tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

* Tài liệu tham khảo chính: Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Việt Nam các nhân vật lịch sử-văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, 2008.

3. Đổi tên đường Nguyễn Phú Hường, dài 240m, rộng 7,5m, từ đường số 3 Khu công nghiệp Hòa Cầm đến đường Hòa Thọ Tây - Hòa Nhơn được đặt theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII, kỳ họp thứ 17, tháng 12 năm 2010 thành đường Số 3 Khu công nghiệp Hòa Cầm.

;
.
.
.
.
.