.

DỰ THẢO ĐỀ ÁN ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2014

H. ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỔI TÊN ĐƯỜNG ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT TÊN TRƯỚC ĐÂY.

1. Đổi tên đường Thích Phước Huệ, dài 280m, rộng 10,5m từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Hồ Nghinh được đặt theo Nghị quyết số 107-2010-NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, kỳ họp thứ  17 bằng đường Trần Hữu Tước.

TRẦN HỮU TƯỚC (1913 - 1983)

Ông quê ở làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Lớn lên, ông là một trong những học sinh xuất sắc tại Trường Albert Sarraut, được gửi sang Pháp học và đậu vào Đại học Y khoa Paris. Năm 1939, Đại chiến thế giới lần thứ II bùng nổ, ông tham gia vào hàng ngũ những người kháng chiến yêu nước Pháp, chống lại quân Đức. Năm 1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, ông là một trong những người theo Hồ Chủ tịch về nước (cùng với các ông Vũ Đình Huỳnh, Võ Quý Huân và Trần Đại Nghĩa).

Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược tại chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại, ông làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1955 - 1969), Giáo sư Đại học Y Dược Hà Nội, Trưởng Bộ môn Tai - Mũi - Họng của trường, Chủ tịch Hội Tai- Mũi-Họng Việt Nam (1961-1983), Viện trưởng đầu tiên của Viện Tai-Mũi-Họng Trung ương (từ 1969).

Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1960), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Từ lúc mới thành lập cho đến lúc cuối đời, ông đã đóng góp toàn bộ sức lực để xây dựng ngành tai - mũi - họng Việt Nam hoàn chỉnh, đồng thời có nhiều công trình nghiên cứu, chuyên sâu vào các lĩnh vực: ung thư tai - mũi - họng (ung thư vòm, hạ họng, thanh quản), viêm tai - xương chũm hài nhi; điếc trẻ em, dị ứng trong tai - mũi - họng, nội soi...

 Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng Lao động và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ đợt I (1996).

* Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Văn Thảo, Đường phố Hà Nội mang tên danh nhân Việt Nam, NXB Lao động, 2010.

 

;
.
.
.
.
.