.

Du lịch Đà Nẵng: Bay lên cùng pháo hoa

.

Nhớ lại năm 2008, sau khi tổ chức thành công Lễ hội pháo hoa lần đầu, trong câu chuyện chia vui với lãnh đạo ngành văn hóa, du lịch thành phố, một nhà báo nêu băn khoăn: “Tại sao đường phố mình sạch đẹp, sôi nổi thế mà không thấy bóng dáng Tây du lịch?...”.

 

Có một thời du lịch bụi, Tây ba lô đã chọn một góc phố Đà Nẵng để làm nơi chốn đi về, trú ngụ... nhưng sau đó bị tan mất, làm sao khôi phục lại?

Có thể trả lời ngay: Cũng có Tây ghé thăm hằng ngày ở Bảo tàng Chăm và nhà hát mỗi lần tàu du lịch cập Cảng Tiên Sa, nhưng đúng là chỉ như những cơn mưa rào, ào đến rồi đi.

Tại sao du khách chưa chọn nơi này để nghỉ ngơi trú ngụ, nhàn du... dù chúng ta luôn xem mình là ngã ba, là cửa ngõ, điểm đến của du lịch Việt Nam, giữ vị trí trung tâm ở vùng di sản miền Trung?

Hội An và Huế hàng hóa mua bán không nhiều, đầu tư cũng không sôi động bằng Đà Nẵng nhưng đi đâu cũng thấy khách Tây lui tới, tản bộ trên đường, nghỉ ngơi ở quán xá. Còn mình, hội hè có khi chỉ mình làm mình xem, tự sướng! Mà tự sướng lại tốn tiền nữa chứ.

Thấy thiên hạ thành công nhiều việc, mình không làm gì cũng dở. Nghĩ ra việc và làm được như thế cũng là giỏi và đã được thừa nhận, nhưng đã là tiệc tùng thì phải có khách khứa, càng nhiều khách thì tiệc càng to, càng chứng tỏ sức hấp dẫn lôi cuốn của nó, đại tiệc pháo hoa kia mà!

Làm du lịch là làm cho du khách, cả khách nội và khách ngoại, khách nào đến với mình cũng quý, cũng phải chu đáo, tận tình tiếp đón, nếu cần thì phải nhịn cả bụng để đãi khách!

Mình mới tổ chức lần thứ hai, thế giới đã làm lâu rồi, khó hấp dẫn họ đến nếu ngoài pháo hoa, chúng ta không còn trò nào khác, không có sản phẩm văn hóa độc đáo của riêng mình? Làm du lịch chính là quảng bá, trưng bày, kinh doanh cái đẹp, cái tinh túy nhất về xứ sở và văn hóa của quê hương mình. Không mến yêu say đắm, không thấu hiểu, không trăn trở âu lo... về mảnh đất mình đang sống, về những người thân thích chung quanh..., về ngôi trường xưa bé nhỏ, về bến đò mỗi sớm trong sương... thì làm sao lôi kéo được người khác đến với quê mình.

Dân mình bây giờ đã khá và cũng khát đi du lịch, tiêu pha cũng không kém gì Tây... Trước đây có người tính, cứ một khách Tây bằng năm bảy khách ta, bây giờ thế là lạc hậu, nhất là khi thế giới phương Tây đang bị khủng hoảng kinh tế đè nặng...

Mặc thiên hạ, ta chỉ cần sao hút cho được người Huế vào, người Quảng ra, dân các nơi rủ nhau đến Đà Nẵng xem pháo hoa là thắng!

Huế (ảnh trên) và Hội An hàng hóa mua bán không nhiều, đầu tư cũng không sôi động bằng Đà Nẵng, nhưng đi đâu cũng thấy khách Tây lui tới...

Hễ có cơ hội là mọi người kéo nhau về Hội An nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cũng chẳng phải nơi ấy đẹp nhất, cổ nhất? Mà có lẽ cho đến bây giờ, Hội An vẫn là thị xã bình yên nhất nước, không bị các vấn nạn xã hội mà ở các đô thị du lịch đang bị hoành hành, quấy nhiễu như ăn xin, mại dâm, lừa lọc du khách... Thành quả ấy có công cố gắng của các cấp quản lý, nhưng nguồn gốc sâu xa chính là tình cảm, là trình độ dân trí của cộng đồng dân cư. Cả đô thị đồng lòng làm đẹp, làm du lịch ngay tại ngõ phố, góc nhà... mắt cười, giọng nói... Cả trăm năm giao lưu, hội nhập với thế giới văn minh, vừa chắt chiu học tập nết người, vừa rèn dạy cháu con bao đời mới có được nếp nhà, nếp phố tự hào đến thế.

Đà Nẵng của mình quá trẻ, cách làm cũng mới, nhưng chỉ là mới với dân mình quanh đây thôi. Phải dựa vào cả cộng đồng khu vực, phải đi lên từ cái nôi chung của di sản quá khứ... sức mạnh là từ đó?

Và cũng không thể chỉ từ nỗi trăn trở, từ lòng trắc ẩn của một đôi người mà nên được. Cả cộng đồng cư dân Đà Nẵng sẽ nâng cánh cho thành phố của mình bay lên trong một ngày không xa?

GIAO ĐẰNG

;
.
.
.
.
.