.

“Săn” ảnh pháo hoa

.

Có một giai thoại rằng, nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh có lần chụp xong ảnh tháp Rùa có cành cây la đà cận cảnh, đã chạy đi tìm cái rựa chặt ngay cành cây để các tay máy đến sau không tìm ra góc chụp “độc”. Chụp ảnh pháo hoa ở Đà Nẵng, tuy không cần đến cái rựa, nhưng cũng phải ít nhiều “bí mật” đến giờ chót để có một góc riêng cho mình.

Càng vắng người... càng tốt

Tìm lại cảm giác hồi hộp khi đi “săn” ảnh pháo hoa bên máy vi tính.

Năm ngoái, nghe nói Khách sạn Danang Riverside có chương trình phục vụ khách thưởng ngoạn pháo hoa trên tầng 12, nhà báo T.L lân la đến làm quen với cô lễ tân xinh xắn. Nếu là nhà báo thì tụi em sẽ sắp xếp phục vụ miễn phí - cô bảo. Hai người được không em? – nhà báo hỏi. Dạ không anh ạ, chỉ một thôi - cô tưởng nhà báo đưa thêm vợ (hay bạn gái) theo nên cứ khư khư. Khi biết ra người kia cũng là nhà báo thì cô đổi ngay thái độ: Ồ, thế thì được, em cứ tưởng...

Người đó là V.A.T, nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên ảnh của một tờ báo trung ương đóng tại Hà Nội.

Đúng hẹn, hai chàng tay xách nách mang đến khách sạn, được bố trí lên tầng 11, nơi đang cải tạo, nâng cấp nên vắng bóng người. Chuẩn bị xong đâu vào đấy, hai chàng nhìn bao quát quanh cảnh đêm Đà Nẵng, thầm nghĩ mình thiệt tốt số, có được chỗ ngon lành, một mình một chợ chẳng ai quấy rầy. Sau khi thu vào ống kính các pha pháo hoa ngoạn mục của đội Việt Nam, giờ giải lao, hai chàng lên lên tầng 12 xem thử. Vừa ra khỏi thang máy, cả hai đã “choáng” khi thấy lủ khủ các nhà báo, nhà nhiếp ảnh “bày binh bố trận” trên đó, họ vừa được phục vụ các món ăn thức uống, vừa rôm rả chuyện trò trên trời dưới biển.

Đến khi đội Hồng Kông biểu diễn, cả hai đành phải quay xuống tầng 11, tự an ủi rằng, chụp ảnh pháo hoa thì càng vắng người... càng tốt!

Tai nạn nghề nghiệp

Sáng hôm sau, T.L tìm được một địa điểm rất ưng ý. Đó là nóc nhà vệ sinh công cộng phía nam đường Trần Hưng Đạo. Chị phụ trách WC này có cái thang tre, hứa sẽ giúp các nhà báo tác nghiệp. Chiều xuống, T.L, B.T và V.A.T đã có mặt gần cái WC nọ, nhưng chưa lên vội, sợ bị “lộ”, các tay máy mà tới đông đen thì còn làm ăn gì được. Dân trong nghề đi ngang hỏi: Ủa, gần tới giờ rồi mà còn lang thang, chưa đi tìm chỗ? Trả lời: Ừ, thì thong thả, có chi mà vội.

Chạng vạng tối, cả ba mới leo lên nóc WC. Gió mát rượi, cùng nhau làm mấy lon 33, cười hả hê chờ tới giờ G. Chưa bao giờ tác nghiệp trong một hoàn cảnh lạ lùng và thú vị đến vậy, V.A.T đặt chân máy, nâng độ bắt sáng (ASA) của máy ảnh lên để chụp không đèn flash cảnh mấy anh em ngồi bên cạnh cái chữ WC sáng ánh điện. Sau khi hai đội Canada và Malaysia biểu diễn xong, V.A.T kiểm tra lại thì toàn bộ ảnh đêm thứ hai này hỏng hết, trừ tấm ảnh để đời chụp mấy anh em trên nóc WC. Chỉ vì quên trả ASA về chế độ chụp ảnh pháo hoa mà ra nông nổi!

Bí mật cho tới giờ G

Hết pháo hoa, trong khi các tay máy chụp ảnh nghệ thuật ngồi lai rai có khi tới sáng thì nhà báo phải tất tả về cơ quan để gửi bài cho kịp. Mà đâu có nhanh được, từ “bên tê Hà Thân” về tới “bên ni Hàn” có khi mất cả tiếng đồng hồ “trôi” theo dòng người qua cầu Sông Hàn.

Năm nay, với 5 đội tham gia, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế càng thêm phần hấp dẫn. Các tay máy làm báo dự định “phục kích” bên đường Bạch Đằng cho gần hơn, mà góc chụp cũng đẹp hơn. Có hỏi, ai cũng ậm ừ qua chuyện chứ không thật thà “khai báo” địa điểm cụ thể. Anh nào cũng thủ 2-3 địa điểm, để có “kẹt số” thì còn có cái “xơ-cua”. Tuy không phải đi tìm cái rựa như cụ Võ An Ninh, nhưng ai cũng muốn chọn riêng cho mình một góc máy “không đụng hàng”. Vì thế, thông tin về nơi “săn” ảnh pháo hoa của họ cho đến giờ G vẫn còn là điều... bí mật!

VIÊN PHÚC QUÂN

 

;
.
.
.
.
.