.

Tưng bừng và lắng đọng

.

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009 tiếp tục ghi thêm một dấu ấn trong định hướng “tổ chức sự kiện” thu hút khách du lịch đến với thành phố. Nhưng sau những giây phút thăng hoa của màu sắc, hình ảnh, thì cái đọng lại trong lòng người dân cũng như du khách mới tồn tại cùng năm tháng và có thể gợi mở một hướng đi mới cho cuộc mưu sinh của bao người cũng như đánh thức dòng sông Hàn cho kịp với nhịp điệu phát triển.

Sản phẩm du lịch ấn tượng

Tạo việc làm cho người dân ngay trên dòng sông này mới đủ sức đánh thức dòng sông Hàn.

Cuộc thi bắn pháo hoa được coi là bước đột phá cung cấp một sản phẩm du lịch chất lượng cao, quảng bá hiệu quả hình ảnh Đà Nẵng đầy ấn tượng trong mắt mọi người.

Với số tiền khoảng hơn 16 tỷ đồng do các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cho Cuộc thi bắn pháo hoa năm 2009, thành phố đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ các nhà kinh tế để tổ chức một sự kiện, không ảnh hưởng đến nguồn ngân sách. Đây được xem là một thành công trong sự liên kết giữa doanh nghiệp và chính quyền một địa phương, khi xét nhiều khía cạnh thì hai bên đều cùng chia sẻ lợi ích. Thành phố đã huy động nguồn lực bên ngoài, gọi một cách nôm na là xã hội hóa một hoạt động, nhưng lại tác động đến đời sống tinh thần mọi người dân, là họ được thưởng thức một bữa tiệc pháo hoa (một sản phẩm hiện đại) ngay trên chính quê hương mình. Đà Nẵng cũng xây dựng hình ảnh của mình một cách rõ nét hơn trong lòng du khách.

Còn các doanh nghiệp khi tham gia ký kết tài trợ là một cách để giới thiệu với đối tác, các nhà đầu tư cũng như hàng triệu người tiêu dùng đang quan tâm đến sản phẩm của họ. Việc quảng bá hình ảnh có thể chưa mang lại lợi ích trước mắt, nhưng chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả lâu dài cho các bên tham gia. Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh rằng, liên kết là xu hướng tất yếu thúc đẩy cùng phát triển, nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp tiếp tục tài trợ cho cuộc thi thì công tác quảng bá cũng được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông. Lãnh đạo thành phố cũng đưa sự kiện này giới thiệu tại các hội thảo, hội nghị ở trong và ngoài nước; tổ chức các roadshow tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và được đông đảo các công ty lữ hành quan tâm. Sự kiện này cũng được các thành viên của Ban tổ chức khẳng định là được giới thiệu một cách có hệ thống tại Huế và Quảng Nam trong chương trình cam kết quảng bá du lịch “3 địa phương một điểm đến”.

Hoạt động thi bắn pháo hoa được xem là nhân tố để thúc đẩy các sự kiện khác, xúc tiến quảng bá cho ngành du lịch cùng các dịch vụ đi kèm. Lâu nay, thành phố trung điểm của miền Trung này chỉ được xem là nơi dừng chân, còn điểm đến thực sự là Huế và Hội An; nhưng khi du khách đến với Đà Nẵng thưởng thức pháo hoa, ở lại vài ngày và không ngại ngần khám phá, sẽ phát hiện được bao nhiêu điều thi vị ở nơi gặp nhau giữa sông và biển. Các điểm đến của Đà Nẵng như danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chămpa, một hệ thống bãi biển đẹp trải dài cả thành phố... đã trở nên quen thuộc với du khách.

Và những ngày này, tour du lịch khám phá bán đảo Sơn Trà đi vào hoạt động, một Bà Nà trong mờ sương đang khoác chiếc áo mới, Bảo tàng thành phố với Thành Điện Hải ngày đầu chống Pháp mở cửa đón khách, chương trình biểu diễn của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phong phú hơn... Những hoạt động bổ trợ, mang tính nền tảng đó sẽ khiến các luồng du khách quan tâm nhiều hơn trong nỗ lực đến với Đà Nẵng. Thị trường khách nội địa là nhân tố chính trong lễ hội năm nay, từ đây sẽ thúc đẩy sự quan tâm của khách quốc tế. Ước tính, lượng khách năm nay sẽ tăng khoảng 10-20% so với năm ngoái. 30.000 hay 50.000 lượt khách sẽ là những con số ấn tượng, nhưng sau đó ngành du lịch địa phương có thực sự khởi sắc mới là điều đáng bàn.

Mở rộng một góc nhìn

Dự kiến chương trình thi bắn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng sẽ tổ chức đến năm 2010, sau này tùy theo tình hình, mức độ để có giãn cách thích hợp với định kỳ 2 hoặc 5 năm diễn ra một lần và vẫn giữ mốc thời gian cuối tháng 3 - dịp lễ kỷ niệm ngày thành phố hoàn toàn giải phóng. Một cuộc thử nghiệm được thực hiện trong 3 năm liên tiếp có mang lại một trải nghiệm không vẫn đang là câu hỏi với nhiều người. Với công tác tổ chức sự kiện thì chắc chắn lần sau sẽ tốt hơn lần trước, cả thành phố được lôi kéo theo sự kiện đó, nhiều việc làm được tạo ra, kích cầu tiêu dùng tăng hơn.

Nếu doanh nghiệp tìm kiếm sự kiện pháo hoa để thúc đẩy tăng trưởng sẽ góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố... Ông Dương Đăng Cao, Phó trưởng Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch tại miền Trung cho rằng, nếu tổ chức thi pháo hoa hằng năm, e rằng nhà tổ chức không kịp hồi sức để lo cho năm sau. Thời gian một năm không đủ để chuẩn bị chu đáo tất cả các hoạt động, dễ gặp lỗi kỹ thuật, các bộ máy bị cuốn vào sự kiện và không đủ thời gian suy nghĩ tìm ý tưởng mới.

Dù năm nay thành phố ký hợp đồng với Công ty Global 2000 Sdn.Bhd, Malaysia sản xuất pháo hoa và quản lý cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế năm 2009; việc quảng bá hình ảnh giao cho Công ty Nghệ thuật Việt... nhưng điều khởi sắc nhất cũng mới dừng ở góc độ nhiều hãng lữ hành có thông tin về sự kiện để chào bán cho du khách, khách sạn có nhiều khách hơn. Còn những vấn đề như tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân (một cách quy cũ là tổ chức chương trình Homestay cho du khách tại nhà dân, vì người dân xứ Quảng lâu nay được tiếng là mến khách, mở thêm dịch vụ ăn uống để tránh quá tải ở các nhà hàng...) còn chưa được tính đến.

Trước khi lễ hội diễn ra khoảng 1 tuần, ngành du lịch còn tiếp tục khảo sát tour du lịch đường sông, tức còn khá lâu tour mới đủ độ chín để triển khai thực hiện. Đề án phát triển du lịch đường sông vì thế cũng chưa khởi sắc bao nhiêu. Khi dòng sông không đủ sức làm cảng hàng hóa thì cần chuyển đổi thành cảng du lịch. Đánh thức dòng sông Hàn là biến nó thành nơi trên bến dưới thuyền có du khách tấp nập, chứ không để nó ngủ yên và chỉ thức giấc trong những ngày diễn ra lễ hội pháo hoa.

Trong khi chỗ ngồi để thưởng thức các màn trình diễn pháo hoa còn quá ít, nhà tổ chức đã “bù đắp” bằng cách lắp đặt nhiều màn hình lớn phục vụ người xem. Nhiều tàu thuyền của ngư dân lâu nay gặp khó khăn không thể ra khơi đang neo đậu tại sông Hàn cho rằng, nếu chủ trương của thành phố cho phép, họ có thể đón khách lên tàu xem pháo hoa, và neo ở bờ sông tại một vị trí an toàn, thu nhập nhờ đó sẽ tăng hơn so với ngày thường. Nhưng điều cơ bản là mỗi người dân thấy mình được hòa nhập vào sự kiện và có thể mưu sinh từ sự kiện đó.

Một người làm trong ngành du lịch (xin giấu tên) đã ví von sự kiện pháo hoa của Đà Nẵng tương đối độc đáo, vì nó ở trên trời. Nhưng điều cơ bản là phải gắn với mặt đất như thế nào, để lại ấn tượng gì trong lòng du khách. Sau những giây phút thưởng lãm những hình ảnh lung linh đầy màu sắc, chí ít người dân cũng đã thấy tự hào bởi một sự kiện độc đáo ngay trên quê hương mình, và hôm sau họ thấy phấn khởi hơn, lao động miệt mài hơn. Liều thuốc tinh thần ấy không dễ cảm nhận được, nếu không nhìn vào sự khởi sắc trong đời sống xã hội...

HOÀNG NHUNG

 

;
.
.
.
.
.