.

Để “Huyền thoại sông Hàn” lung linh tỏa sáng

.

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2010 với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn” được Chính phủ chọn là một trong bảy lễ hội lớn của cả nước hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Sự kiện này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Đà Nẵng. Với sự góp mặt của các cường quốc pháo hoa nổi tiếng: Nhật Bản, Pháp, Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ, Đội pháo hoa Đà Nẵng-Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để đua tài cùng các đội bạn?

Đội pháo hoa Đà Nẵng-Việt Nam trong chuyến tập huấn tại Malaysia năm 2008. 

Sắp đến giờ G, công việc ngồn ngộn và khẩn trương nên phải qua mấy cuộc hẹn tôi mới có dịp trò chuyện chớp nhoáng với các thành viên của đội chủ nhà – 7 quân nhân của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng. Thiếu úy Bùi Chí Đức, kỹ thuật viên phụ trách phần mềm cho biết: “Đã tham gia thi 2 năm, song tâm trạng của anh em trong đội vẫn... hồi hộp.

Bởi lẽ,  những năm trước có chuyên gia hậu thuẫn, năm nay “quân ta” đảm nhận từ A đến Z”. Với kiến thức được tập huấn tại Malaysia năm 2008, tham khảo băng đĩa ghi hình các cuộc thi pháo hoa quốc tế trên thế giới, từ tháng 11-2009 đến tháng 1-2010, Bùi Chí Đức cùng Thiếu úy Võ Tiến Thu, Trung úy Nguyễn Kế Tiệp đã lao động miệt mài.

Bám sát chủ đề cuộc thi, dựa trên kịch bản âm nhạc do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố xây dựng, các anh đã lập trình phần mềm của tác phẩm dự thi theo 5 phần (mỗi phần 4 phút): Nơi rồng về khai hoa, sông Hàn thanh xuân, sông Hàn – nỗi đau chiến tranh, sông Hàn dậy sóng, sông Hàn – tình yêu và khát vọng. Trong quá trình chuyển tải ý tưởng nghệ thuật bằng ngôn ngữ pháo hoa, nhiều đoạn các anh phải làm đi làm lại, chọn kiểu pháo, màu sắc, tính toán tốc độ, tầm bắn, chỗ nào nhấn nhá du dương, sâu lắng, chỗ nào cao trào, ào ạt, cấp tập; làm sao để nhạc nền và pháo hoa, âm thanh và hình ảnh luôn tương hỗ, tạo đà cho nhau cùng cất cánh, thăng hoa.

Đại úy chuyên nghiệp Huỳnh Ngọc Chính, kỹ thuật viên phần cứng kiêm bảo đảm vật chất làm phép so sánh: “Nếu bắn pháo hoa giao thừa vất vả một thì thi pháo hoa quốc tế vất vả mười. Cả tháng trời chúng tôi phơi mình dưới cái nắng rát bỏng để chuẩn bị thiết bị ống phóng, giá đỡ, kết nối pháo theo một quy trình kỹ thuật ngặt nghèo. Rồi còn bốc xếp lên xe, áp tải đến khu vực bắn, lắp đặt, bảo đảm trang bị trước, trong và sau khi thi. Bây giờ mọi công đoạn đã cơ bản hoàn tất, song vẫn còn lo, và lo nhất là trời mưa, pháo có thể ẩm, bắn không đẹp, người xem không đông thì buồn lắm”.

Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Văn Huy cũng là kỹ thuật viên phần cứng bổ sung thêm: “Đây là cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, được đại diện cho nước nhà đi thi, vinh dự và trọng trách đều rất lớn, chúng tôi luôn nhắc nhau cẩn trọng để bình tĩnh, tự tin khi nhập cuộc”.

Thượng tá Trương Chí Lăng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, Đội trưởng Đội bắn pháo hoa Việt Nam cho biết: “Mỗi đội đi thi đều có sở trường riêng. Được thi trên sân nhà, đội chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để trình diễn nghệ thuật pháo hoa mang đậm phong cách Việt Nam, góp phần vào thành công chung của cuộc thi, để đại tiệc pháo hoa “Huyền thoại sông Hàn” lung linh tỏa sang”.

Bài và ảnh: Đỗ Thị Ngọc Diệp

;
.
.
.
.
.