(ĐNĐT) - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khẳng định, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC) sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm phục vụ đông đảo người dân, du khách và tạo cú hích phát triển du lịch, thu hút đầu tư
Số lượng du khách đến Đà Nẵng trong dịp DIFC 2010 tăng 68% so với DIFC 2009; khách quốc tế tăng đến 350%. Trong ảnh: Người dân, du khách xem pháo hoa tại DIFC 2010 (Ảnh: Đức Thịnh) |
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho biết, sau 3 kỳ liên tiếp tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế với thành công ở kỳ sau cao hơn kỳ trước, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chính thức quyết định lễ hội này sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng thành phố, nhằm phục vụ đông đảo người dân và du khách, đồng thời tạo cú hích mạnh mẽ phát triển du lịch và thu hút các nhà đầu tư.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí tổ chức DIFC hoàn toàn do vận động tài trợ chứ không sử dụng ngân sách. Ở kỳ tổ chức đầu tiên có tính chất thử nghiệm vào tháng 3-2008, DIFC vận động tài trợ được hơn 24 tỷ đồng. Ở kỳ thứ 2 vào tháng 3-2009, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, vận động tài trợ không đạt chỉ tiêu đề ra, chỉ được 16,4 tỷ đồng nên công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, đã có một số ý kiến đề xuất sau kỳ thứ 3 vào tháng 3-2010 thì chỉ tổ chức DIFC định kỳ 2 năm/lần. Tuy nhiên, với đà phục hồi kinh tế trong nước và thế giới, DIFC 2010 đạt kết quả vận động tài trợ ngoài mong muốn. Đã có hơn 160 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia với tổng giá trị 26,7 tỷ đồng, tạo điều kiện cho công tác tổ chức đi vào chuyên nghiệp hơn mà nổi bật là việc xây dựng khán đài lắp ghép đạt kỷ lục Việt Nam với hơn 26.000 chỗ ngồi phục vụ khách xem pháo hoa được thuận lợi.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, DIFC đã là thương hiệu, là điểm hẹn để người dân thành phố, những người con sống và làm việc xa quê cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước hướng về Đà Nẵng trong dịp có ý nghĩa hết sức trọng đại giải phóng thành phố. Nếu bây giờ ngắt quãng ra, 2 năm mới tổ chức một lần thì người dân và du khách sẽ cảm thấy hụt hẫng. Vì vậy, Đà Nẵng sẽ duy trì định kỳ lễ hội này hàng năm, vừa phục vụ người xem, vừa tạo điều kiện tăng trưởng du lịch và thu hút đầu tư.
Theo Bí thư Thành ủy, lễ hội pháo hoa không bao giờ cũ. Đó là một trong những tiêu chí nổi bật của lễ hội. Vẫn còn rất nhiều đội pháo hoa nổi tiếng từ nhiều đất nước có nền công nghiệp pháo hoa nổi tiếng có thể mời tham dự DIFC. Mỗi năm thành phần tham gia mỗi khác. Chất lượng và cách bày đặt các kiểu pháo luôn bảo đảm cho lễ hội năm nào cũng có bất ngờ và thú vị. Vì vậy, dù tổ chức định kỳ hàng năm thì DIFC vẫn không ngại sẽ rơi vào sự trùng lặp, nhàm chán.
Về kinh phí, muốn tổ chức định kỳ hàng năm thì phải đẩy mạnh xã hội hoá. Với sự phát triển của thương hiệu DIFC thì sức thu hút tài trợ cũng ngày càng tăng. Đang diễn ra kỳ DIFC này đã có nhiều đơn vị ngỏ ý muốn tham gia tài trợ kỳ sau. Mức tài trợ được quy định linh hoạt, từ vài tỷ đến vài trăm triệu, thậm chí vài chục triệu đồng để thu hút doanh nghiệp ở nhiều quy mô cùng tham theo phương châm “nhiều nhỏ góp lại thành to”. Bên cạnh đó, Ban tổ chức DIFC cũng thành lập “Quỹ pháo hoa” (bằng nguồn thu từ bán vé, vận động tài trợ…) nhằm tạo nguồn lực vững chắc cho việc tổ chức DIFC.
“Tuy nhiên, khi nào tình hình quá khó khăn, chẳng hạn gặp khủng hoảng kinh tế, thì việc tổ chức DIFC cũng sẽ giãn ra. Bởi kinh phí để tổ chức DIFC hoàn toàn do xã hội hóa, do vận động tài trợ. Vì vậy, nói tổ chức DIFC định kỳ hàng năm không có nghĩa là bất biến mà cũng sẽ linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để năm nào cũng tổ chức được DIFC nhằm phục vụ đông đảo người dân và du khách”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói.
Cẩm An