.

Đằng sau những màn trình diễn pháo hoa

.

Tối 29 và 30-4, trên bầu trời Đà Nẵng sẽ lung linh, rực sáng những màn trình diễn pháo hoa độc đáo, ấn tượng. Người dân và du khách đang háo hức mong chờ ngày khai cuộc. Lúc này đây, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, pháo của các đội đã được đưa về nơi tập kết an toàn. Để làm được điều đó, chúng ta không thể không kể đến công việc thầm lặng không mệt mỏi của những cán bộ  đã ngày đêm áp tải từng container pháo hoa về Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Các cán bộ kỹ thuật đang khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt pháo chuẩn bị cho cuộc thi.   Ảnh: Văn Nở

 

Nhọc nhằn trên đường áp tải

Gánh vác trên vai trọng trách, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng (Cotimex Đà Nẵng) từ hơn nửa năm nay đã không ngừng thực hiện các kế hoạch cho việc nhập khẩu pháo hoa và các thiết bị bắn pháo hoa một cách an toàn. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, mọi công tác chuẩn bị đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Từ tháng 9-2010, Cotimex Đà Nẵng đã có những cuộc đàm phán trực tiếp với Công ty Global 2000-Malaysia (đơn vị tư vấn cuộc thi) để nắm vững những kỹ thuật về pháo hoa.

Cotimex Đà Nẵng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Công ty Global, Công an thành phố và bộ đội, cán bộ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn để làm tốt tất cả mọi khâu từ giao nhận hàng, áp tải, chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị như bình chữa cháy, gỗ ép chèn pháo…; lập các phương án đề phòng khi có sự cố xảy ra. Trước ngày nhận pháo, Cotimex Đà Nẵng cùng với Sở Ngoại vụ bàn bạc cụ thể các hợp đồng về đóng gói, cách giao hàng như thế nào, giao hàng ở đâu, thời gian và địa điểm cụ thể, đồng thời có nhiều cuộc đi khảo sát về đường sá, phương tiện giao thông… bảo đảm an toàn cao nhất.

Anh Nguyễn Văn Lượng (Trưởng đoàn nhập khẩu pháo hoa, Cotimex Đà Nẵng) cho biết: “Trước khi vào bốc hàng, mọi công nhân phải qua khâu kiểm tra, kiểm soát. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, các cơ quan  Bộ đội Biên phòng, Công an, cán bộ Cotimex Đà Nẵng cùng kỹ thuật của Công ty Global đã phải túc trực hơn 8 tiếng đồng hồ để chuyển pháo trong từng container. Cứ sau mỗi lớp pháo được chuyển qua, sẽ có một lớp ván ép kê pháo lại cho ngay ngắn và chống rung xóc. Pháo không được chất quá cao để bảo đảm an toàn. Sau khi đã kẹp chì, hoàn tất mọi công việc, việc vận chuyển được tiến hành ngay. Trên đường vận chuyển, có xe Công an hộ tống.

Vận chuyển pháo hoa là một công việc cực kỳ khó, đòi hỏi phải cẩn trọng trong từng chi tiết và không cho phép xảy ra sơ suất. Vì thế, để bảo đảm an toàn đến mức tối đa, trên đường vận chuyển phải tuân thủ nguyên tắc không dừng xe dọc đường, nếu muốn dừng chân nghỉ ngơi, ăn cơm phải tìm được chỗ đất trống rộng rãi để dừng xe. Hầu như chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của những người áp tải pháo hoa đều thực hiện luôn trên xe. Có khi đi cả ngày đường đến 2-3 giờ chiều, 9-10 giờ đêm mới ăn, nghỉ là chuyện bình thường.

Không những thế, đoàn xe cũng phải chạy chậm, mỗi xe phải đi đúng khoảng cách cho phép, trên mỗi container phải dán biển báo nguy hiểm, xe Công an vừa đi vừa hú còi báo hiệu… tránh việc xe nhỏ luồn lách qua trước mặt các container pháo hoa rất nguy hiểm. Thậm chí qua các trạm thu phí, xe Công an đi trước phải có nhiệm vụ mở luôn gác chắn barie cho xe container đi qua, chứ cũng không được phép dừng. Chính vì những yêu cầu cao về công việc, những người áp tải pháo hoa luôn trong tình trạng căng thẳng nhất. Phải mất gần 1 ngày 2 đêm chạy liên tục, xe chở pháo hoa mới về đến điểm tập kết an toàn.

Thắt chặt an toàn tại khu vực bắn

Việc vận chuyển pháo hoa đến nơi tập kết khó khăn là vậy, còn ngay tại khu vực bắn, yêu cầu an toàn cũng được đặt lên hàng đầu. Ông Joe Ghazzal, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Global 2000, nhà tư vấn cho DIFC 2011, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những cuộc thi trước và những cuộc thi pháo hoa trên thế giới, năm nay công tác kiểm tra, kiểm soát được Công ty Global thắt chặt hơn, ngay cả những thiết bị đánh lửa cũng được nhập từ Mỹ về để bảo đảm an toàn. Chúng tôi yêu cầu các đội thi phải bám sát sách kỹ thuật, không được làm sai, phải chú ý từ cách đặt gốc pháo, giá pháo sao cho đúng quy định. Các container cũng được bố trí đúng quy cách, ví dụ như các container không được quay vào nhau mà phải quay ra các hướng khác để bảo đảm an toàn”.

Giải pháp an toàn mà Công ty Global đưa ra là buộc các đội thi phải tuân thủ mọi quy định như không được đưa những thứ có thể phát tia lửa vào khu vực pháo, quá trình lắp đặt phải lắp trên cao, không được để dưới đất. Công tác an ninh phải rất cẩn mật, như tại điểm bắn pháo hoa phải có camera quan sát 24/24 giờ, những người ra vào địa điểm bắn phải mang theo thẻ công vụ, điện thoại di động phải gửi ở phòng bảo vệ. Đồng thời tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát tại những nơi nguy hiểm. Công ty đã cử giám sát an toàn quốc tế chịu trách nhiệm giám sát tất cả những hoạt động ở nơi đóng quân cũng như ở khu vực bắn để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong 2 đêm thi pháo hoa.

Cùng với những sự chuẩn bị chu đáo của Công ty Global, toàn bộ thiết bị cho pháo hoa từ các hệ thống bắn, thiết bị bắn, kíp nổ, hệ thụt bắn của  các đội thi đã sẵn sàng. Ông Andrew Wiggins (Đội trưởng đội Anh) cho hay: “Hiện chúng tôi đã vận chuyển gần xong số lượng pháo về khu vực bắn. Mọi công việc đã hoàn tất. Để bảo đảm an toàn cho cuộc thi, mỗi lần vận chuyển, chúng tôi dùng các phương tiện vận chuyển chuyên dụng, chuẩn bị trước mọi tình huống, tính toán cẩn thận mọi phương án đề phòng khi có sự cố xảy ra”.

Những ngày này, tại khu vực bắn, không khí lắp đặt pháo của các đội đang diễn ra rất nhộn nhịp, khẩn trương. Với tinh thần làm việc nghiêm túc đó, DIFC 2011 hứa hẹn sẽ trình diễn những màn pháo hoa ấn tượng, lung linh sắc màu nghệ thuật, thể hiện đẳng cấp kỹ thuật …

Thanh Tình

;
.
.
.
.
.