.

Hành trình Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng

.
Qua mấy kỳ tổ chức thành công, đến nay, nhiều du khách đã gắn hình ảnh lễ hội của ánh sáng, âm thanh với sông Hàn và hai tiếng “Đà Nẵng”, để rồi cùng thao thức chờ đợi sự kiện này hằng năm.

Mô tả ảnh.
Du khách nước ngoài đến Đà Nẵng xem pháo hoa. Ảnh: VĂN NỞ
 
Bỡ ngỡ cùng “Vũ điệu Tiên Sa”

Còn nhớ, sau khi được sự cho phép của Chính phủ, tháng 3 năm 2008, Đà Nẵng nô nức bước vào Lễ hội  pháo hoa đầu tiên. Và, để chuẩn bị cho sự kiện đó, lãnh đạo chính quyền thành phố đã đôn đốc, chỉ đạo các sở, ban, ngành vào cuộc. Công ty Môi trường đô thị đảm đương việc bảo đảm công tác vệ sinh môi trường trên toàn thành phố. Ngành thương mại có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả trong thời gian trước, trong và sau cuộc thi tại các chợ, các trung tâm  mua sắm, các điểm giữ xe... Công an thành phố phối hợp với Lực lượng Thanh niên xung kích tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, chống tình  trạng chèo kéo, bán hàng rong, bu bám du khách… Sở Du lịch, Sở Văn hóa-Thông tin, Sở Thể dục-Thể thao (cũ) chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao phụ trợ để lễ hội pháo hoa thêm phần hấp dẫn...

DIFC 2008 khép lại, dù rằng vẫn còn đôi điều chưa thật sự hài lòng trong công tác tổ chức, trong kỹ thuật trình diễn cũng như trong ý thức của  khán giả, nhưng có thể nói, đó cũng đã là một khởi đầu thành công.

Rút kinh nghiệm, trong cuộc thi pháo hoa quốc tế lần thứ 2 (2009) ngay từ đầu tháng 3, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã gửi công văn đến các DN lữ hành trên địa bàn yêu cầu: Không tăng giá phòng và dịch vụ trong thời gian diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa (cao điểm từ ngày 26 đến 29-3); thực hiện đặt phòng cho khách đăng ký, không giữ phòng ảo để tránh làm giảm lượng khách đến Đà Nẵng. Thay vì tăng giá phòng, các DN lữ hành đã mở ra những tour hấp dẫn với giá khuyến mãi với nhiều hoạt động lễ hội vui nhộn, độc đáo.

DIFC 2009 kết thúc và người Đà Nẵng lại bắt đầu với DIFC 2010. Theo đánh giá của những người có chuyên môn thì cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế lần thứ 3 đã đạt được những kết quả tốt đẹp: Từ các khâu tổ chức, lắp đặt khán đài, phục vụ đưa đón khách, công tác điều phối giao thông, an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường… đều được chuẩn bị khá kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao. Các hoạt động phụ trợ được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và sôi nổi.

Tổng lượng khách du lịch đến xem pháo hoa năm 2010 khoảng hơn 100 nghìn lượt người, tăng 68%, trong đó có 7.400 lượt khách quốc tế, tăng đến 350% so với năm 2009. Công tác lễ tân, đón tiếp, hậu cần; công tác kiểm soát bình ổn giá; công tác tuyên truyền quảng bá được tổ chức tốt, DIFC 2010 đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Và DIFC 2011 đầy hứa hẹn…

DIFC 2011 diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, là “cơ hội vàng” cho Đà Nẵng phát huy thế mạnh du lịch biển của mình; đồng thời sẽ tránh được những ảnh hưởng bất lợi do thời tiết. Theo tin từ Sở VH-TT-DL, chương trình các hoạt động phụ trợ, kích cầu du lịch năm nay sẽ phong phú và mới mẻ hơn nhiều. Bên cạnh việc tổ chức bán vé như các năm trước, năm nay, các đơn vị có tàu du lịch được phép bán vé cho khách xem bắn pháo hoa trên tàu ở sông Hàn, nhưng phải có cam kết bảo đảm an toàn về con người và phương tiện, chất lượng dịch vụ và giá vé không được vượt quá 200.000 đồng/ người/vé/đêm, tránh tình trạng tự phát tăng giá như những kỳ DIFC trước.

Đến giờ phút này, “Vũ điệu Tiên Sa”, “Âm vang sông Hàn” hay “Huyền thoại sông Hàn” đã thành hoài niệm, người ta đang hồi hộp hướng về những màn pháo hoa “Lung linh sông Hàn” để xem đội Anh, Hàn Quốc, Italia, Trung Quốc hay đội chủ nhà Việt Nam (Đà Nẵng) sẽ giành cúp DIFC 2011? Tất cả đều có thể.

Trần Thanh Tân
;
.
.
.
.
.