“Mấy năm ở quê em chỉ được biết Lễ hội pháo hoa qua ti-vi và nghe mọi người kể, năm nay là năm đầu tiên em được tận mắt xem..., không biết sẽ thế nào, vừa háo hức vừa hồi hộp...”. Phạm Xuân Trung, sinh viên năm 1, Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng thật thà nói.
Bồi hồi... cảm xúc pháo hoa
Các bạn trẻ háo hức xem pháo hoa. (Ảnh minh họa).
|
Không giống Xuân Trung, Bình - sinh viên năm 4, khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Duy Tân đã được chiêm ngưỡng đầy đủ các màn trình diễn của lễ hội âm thanh, ánh sáng kể từ DIFC 2008. Đã 4 năm trôi qua, nhưng trong cảm xúc của Bình và những người bạn vẫn còn vẹn nguyên cái không khí náo nức, tấp nập của mùa pháo hoa đầu tiên ở Đà Nẵng. “Những ngày cuối tháng 3 ấy, dường như cả thành phố không ngủ, nhất là sinh viên bọn em, từ trường lớp đến xóm trọ, đâu đâu cũng chỉ nghe mỗi chuyện pháo hoa”.
Chờ đợi mãi rồi cùng đến, chiều ngày chuẩn bị diễn ra Lễ hội, “học trên lớp nhưng bọn em đứng ngồi không yên, cố gắng lắm mới kiên nhẫn đến khoảng nửa buổi học, chiều theo ý của cả lớp, cô giáo đành vui vẻ cho về sớm để kịp chuẩn bị”. Lao về xóm trọ, ai nấy đều đã sẵn sàng: Tắm rửa sạch sẽ, nấu ăn sớm, lỉnh kỉnh máy ảnh, thức ăn nước uống chuẩn bị “lên đường”. Sửa soạn vội vàng, Bình cũng kịp nhập đoàn cùng cả xóm trong cuộc hành quân bộ. “Mà lạ lắm chị à, hôm đó đi bộ xa vậy mà không hề thấy mệt, bạn em có đứa ở tận trên đường Huỳnh Ngọc Huệ, Lý Thái Tổ đã đi bộ đến đường Bạch Đằng, qua cầu Sông Hàn, Thuận Phước vẫn như không”. Rồi hai đêm hội diễn ra thật chóng vánh với những màn trình diễn pháo hoa tuyệt đẹp, nhớ lại “trong cảnh tấp nập, không biết mình quàng vai, bá cổ ai hết, vì mọi người đều hớn hở, thân thiện, thật buồn cười”. “Cái cảm giác chen chúc, nhiều khi xô đẩy cũng làm mình nhớ”...
Còn Thanh Hương, sinh viên 4 Trường Đại học Bách khoa chỉ nhớ rằng, những năm diễn ra lễ hội pháo hoa, “từ sáng sớm của ngày Lễ hội, cả ký túc xá đã rộn cả lên rồi… khoảng 3 giờ chiều (em chưa kịp đi) là vắng vẻ tẻ tanh, đứa xe máy, đứa bắt xe buýt, xe lam chạy cả...”.
Sẻ chia kinh nghiệm...
Đối với hầu hết sinh viên, mua vé xem pháo hoa là một chuyện quá xa xỉ nên các bạn không hề nghĩ tới… Thay vào đó, tâm lực các bạn dồn hết cả vào việc làm sao có được “vị trí đắc địa” để đứng xem ngoài vòng khán đài.
Từ kinh nghiệm của một sinh viên “kỳ cựu” với Lễ hội pháo hoa, Bình khẳng định “giữa cầu Sông Hàn hay cầu Thuận Phước là những chỗ xem lý tưởng nhất, có thể nhìn thấy toàn cảnh pháo hoa không chỉ trên không mà in xuống cả mặt nước, rất đẹp; còn đứng ở cận bên phải hoặc bên trái sân khấu, mặc dù gần đấy nhưng nhiều khi không được rõ vì khói pháo...”. “Mọt sách” Thanh Hương thì chia sẻ: “Có năm em quyết tâm ở nhà xem ti-vi cũng được để tiết kiệm thời gian học tập, nhưng đến cận giờ, không chịu được, cùng vài người bạn chạy ra ngoài để xem, không ngờ đó cũng là một điểm nhìn thú vị”.
Phần lớn sinh viên cho rằng, đi xem pháo hoa càng đông thì càng vui, nhưng với Nguyễn Vũ Tuấn, sinh viên năm 2 Trường Đại học Duy Tân lại chỉ “thích người yêu đi xem cùng”. Chưa được già dặn kinh nghiệm nhưng Tuấn cũng cho rằng, trừ trong khán đài, thì trung tâm cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước là những điểm xem tốt nhất.
Một kinh nghiệm nữa cũng được các bạn sinh viên chia sẻ là khi đi xem pháo hoa, ngoài việc nhớ khóa cửa thì nên hạn chế mang đồ, như thế dễ len lỏi để tìm chỗ xem tốt; “tiền bạc của nả” cũng không nên mang theo nhiều vì trong cảnh đông đúc không hiếm kẻ “tà đạo”...
Có bạn trai tinh nghịch cũng xem pháo hoa là dịp để trổ tài tán tỉnh trước các người đẹp… vì thế, cũng có không ít cặp đôi hình thành sau mùa lễ hội… Mỗi người tìm kiếm thêm niềm vui riêng trong dịp pháo hoa, nhưng có một niềm vui chung không ai phủ nhận, đó là giờ đây, tất cả đều nóng lòng chờ đợi giây phút pháo hoa về.
THANH TÂN