.

Người dân rộn ràng

.

Bước vào năm thứ 4, Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, vì thế người dân thành phố biển cũng đã “lận lưng” được một số kinh nghiệm để thưởng thức pháo hoa một cách vui vẻ nhất. Họ đã lên sẵn “lịch trình” cho hai ngày phía trước.

Mô tả ảnh.
Sắc màu và âm thanh quyến rũ của pháo hoa buộc người ta phải rời màn hình để ra đường hòa vào dòng người. TRONG ẢNH: Người dân đi xem pháo hoa năm 2010. Ảnh: VĂN NỞ

 

Thiên đường...sân thượng

Với những chương trình nghệ thuật khác, người dân nếu không đến sân khấu thưởng thức trực tiếp thì chỉ việc ngồi nhà coi qua ti-vi là xong. Riêng với pháo hoa, tất cả những sắc màu, âm thanh quyến rũ đã buộc người ta phải rời màn hình để đổ xô ra đường hòa vào dòng người đông vui như trẩy hội. Những người không có vé lên khán đài, việc đầu tiên họ làm từ vài tuần, thậm chí… vài tháng trước là liên hệ địa điểm để bảo đảm được xem và nghe các phần trình diễn trọn vẹn nhất.

Mấy năm trước, vợ chồng, con cái chị Hương (đường Tăng Bạt Hổ) phải bỏ ra bạc triệu để mua vé xem pháo hoa. Riêng năm nay, để tiết kiệm chi phí, chị Hương đã “đặt chỗ” nhà người quen nằm trên đường Trần Hưng Đạo trong hai đêm 29 và 30-4. Theo chị Hương, căn nhà này tọa lạc tại vị trí “vip” ngay đoạn khu vực khán đài. “Đứng tại đây có thể thấy pháo hoa mồn một. Đã vậy còn nghe âm thanh chuẩn nữa chứ. Thay vì bỏ ra 600 nghìn đồng/đêm cho ba người, mình lên sân thượng mua theo 200 nghìn thức ăn, khuya về làm 100 nghìn phở, tính ra “mát xi mum” cũng chỉ tốn 300 nghìn đồng. Ăn chơi thoải mái mà vẫn rẻ hơn một nửa”, chị Hương nói.

Cũng như gia đình chị Hương, vợ chồng chị Ngọc Phương (đường Trần Cao Vân) đã chọn sân thượng nhà người quen làm điểm đến trong dịp pháo hoa. Năm nào cũng vậy, chị Phương và nhóm bạn bè đều tập trung vừa xem pháo hoa, vừa liên hoan mừng gặp mặt. Dù khoảng 8 giờ tối chương trình mới bắt đầu, nhưng mọi người có mặt từ buổi chiều để ăn uống, hát hò đợi đến giờ G. Thưởng thức pháo hoa mà không nghe được nhạc coi như “đánh mất nửa linh hồn”, thế nên các anh chị đã mang ti-vi lên sân thượng. Bao năm nay, cứ có pháo hoa là nhóm chị lại mắt nhìn trời, tai hóng truyền hình.

Tìm “bãi đáp”...

Một số điểm trên địa bàn thành phố đã trở thành những cụm khán đài tự phát khá lý tưởng. Đó là cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, bờ biển đường Nguyễn Tất Thành, khu vực trước Nhà hát Trưng Vương… Theo kinh nghiệm của nhiều người, nếu chọn những nơi này, người đi muộn cũng có cơ may “xí” được một chỗ. Chị Hương mách nhỏ: “Bến cá (cũ) là một gợi ý. 6 giờ tối có mặt vẫn chưa phải là muộn. Dù ở đây âm thanh chỉ nghe “bùm bùm”, nhưng hình ảnh thì tương đối tốt”. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại thích chọn các quán bia có màn hình lớn để thỏa sức hò hét y như xem bóng đá.

Được biết năm nay Ban tổ chức đặt 18 cụm âm thanh, màn hình cỡ lớn phục vụ cho các khán đài và người xem hai bờ sông Hàn, gồm 2 cụm phía trục đường Như Nguyệt, 4 cụm dọc đường Bạch Đằng. Các cụm còn lại được dựng ở khán đài B, A, dọc công viên đường Trần Hưng Đạo - đoạn từ tòa nhà Olalani đến chân cầu Sông Hàn. Như vậy, với những “bãi đáp” ven sông Hàn, việc thưởng thức pháo hoa rõ hình, rõ tiếng là điều hoàn toàn có thể.

THU HOA

;
.
.
.
.
.