.

Khai diễn DIFC 2012: Bất ngờ từ chàng tí hon

.

(ĐNĐT) - Đêm qua, pháo hoa đẳng cấp quốc tế lại bừng nở trên trời đêm Đà Nẵng, khán giả lại no mắt với phần trình diễn của hai người khổng lồ và một chàng tí hon.

Sắc màu rực rỡ giữa trời đêm

Cho đến trước giờ đội Canada tung lên trời loạt pháo hoa đầu tiên khai diễn DIFC 2012 thì những gì mà đội trưởng David Whyshall dự báo là sẽ khác biệt so với 4 năm trước khi họ tham gia và vô địch DIFC 2008 vẫn chưa được tiết lộ.

Màn trình diễn của đội Canada
Màn trình diễn của đội Canada

Khán giả hẳn khó mà quên được màn trình diễn của đội Canada tại DIFC đầu tiên có chủ đề “Vũ điệu Tiên Sa”. Năm đó, họ đã kể lại bằng âm thanh và ánh sáng chuyện phim Titanic trên nền nhạc “Vũ điệu dòng sông” với màn trình diễn đầy lãng mạn “Trái tim em còn mãi thổn thức”. Màn trình diễn đẳng cấp quốc tế này đã làm cho “trái tim khán giả mãi thổn thức”. Năm nay, liệu điều đó có lặp lại?

Khi những nốt nhạc đầu tiên của bài hát “O Fortuna” khoan thai vang lên cũng là lúc những chùm pháo hoa phác họa ánh trăng lung linh nở ra trên sóng nước sông Hàn. Rồi hình ảnh một Đà Nẵng thanh xuân căng đầy nhựa sống được đẩy lên thành điểm nhấn khi hiệu ứng pháo hoa mạnh mẽ, dồn dập giữa lúc khúc hát “I gotta feeling” rộn rã vang vọng khắp mặt sông.

Đúng như phát biểu của đội trưởng David Whyshall trước giờ trình diễn, “chúng tôi sẽ thắp sáng màn đêm”, họ đã khiến cho trời đêm Đà Nẵng bừng dậy bằng hơi thở của ánh sáng, khi thì réo rắt với opera, khi thì khoan thai với concerto. Và hơn thế, họ đã gửi vào trời đêm giọng hát ca sĩ trẻ Katy Perry qua bài “Fireworks” - một bài hát viết về pháo hoa, để tôn vinh cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

Đội Canada đã chọn cho mình những bài hát rất “đắt”. Ví như “O Fortuna”, một bài thơ nổi tiếng của Carmina Burana được viết cách đây 8 thế kỷ. Gần 80 năm trước, Carl Orff, một nhạc sĩ người Đức đã phổ nhạc bài thơ về vị nữ thần may mắn trong thần thoại La Mã này. Bài hát đã trở nên hết sức nổi tiếng, xuất hiện trong rất nhiều bộ phim và các chương trình ti-vi. Ở phần kết, khi tiếng đàn vi-ô-lông cất lên những nét nhạc sôi nổi của vũ điệu Can Can rất phổ biến ở phương Tây, âm nhạc đã hòa quyện với “vũ công ánh sáng” tạo nên một hiệu ứng sắc màu rực rỡ giữa trời đêm.

Bất ngờ Đà Nẵng - Việt Nam

Đúng vào giây đếm ngược cuối cùng, giai điệu bài hát Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vang lên cùng lúc với loạt pháo đầu tiên của đội Đà Nẵng – Việt Nam. Chỉ một lát sau, khán giả đã reo lên nhiều lần tán thưởng những ánh pháo bất ngờ của “người nhà” chẳng khác nào cổ vũ những đường bóng tuyệt đẹp của cầu thủ trong các trận cầu kinh điển.

Màn trình diễn của đội Đà Nẵng - Việt Nam
Màn trình diễn của đội Đà Nẵng - Việt Nam

Năm nay, đội Việt Nam chọn bốn bài hát nằm trong nhóm “những ca khúc đi cùng năm tháng” và một bài hát viết về Đà Nẵng làm nhạc nền cho phần thi của mình. Không hẳn do âm nhạc quen thuộc mà do những màn pháo mới lạ đã khiến cho phần lớn khán giả đêm qua bất ngờ và dành cảm tình cho đội chủ nhà.

5 bài hát kết hợp với nhau thành một bản đại hòa tấu nhiều chương hồi. Mỗi khi kết chương trước mở ra chương sau, bao giờ cũng có một loạt pháo hoa nhấn nhá làm nức lòng khán giả. Ví như lúc kết khúc nhạc sôi nổi Việt Nam trên đường chúng ta đi (nhạc sĩ Huy Du) và mở ra giai điệu trữ tình, sâu lắng của ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó (nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ), pháo đã vụt lên thật cao to rồi lại lặng yên trong chốc lát.

Cũng vậy, sự tiếp nối giữa hai ca khúc Đà Nẵng, thành phố tuổi thơ tôi (nhạc sĩ Hoàng Dũng) và Đất nước trọn niềm vui (nhạc sĩ Hoàng Hà), nếu tiết tấu âm nhạc chuyển dần đến sự thăng hoa, nét hoành tráng mừng ngày hội lớn của dân tộc thì ánh pháo cũng hòa nhịp với những “giai điệu” nhặt khoan giữa bao la sông nước.

Đêm qua, Đội Việt Nam đã hoàn thành tốt phần thi của mình như mong muốn của Đại tá Nguyễn Trường Kỳ, đội trưởng đội Việt Nam: “Bằng việc sử dụng các loại pháo nến để thực hiện những màn quét và rải, tạo ra những cơn gió, cánh đồng của làng quê Việt Nam tình nghĩa, đội Việt Nam tin chắc sẽ gây bất ngờ và làm hài lòng khán giả Đà Nẵng, trong nước và trên thế giới”.

Chuyện kể đậm chất Á Đông

Trong 5 kỳ DIFC thì trừ năm 2010, các năm còn lại đều có đội Trung Quốc tham gia, trong đó năm đầu tiên là đội Trung Quốc đến từ Hồng Kông. Họ đã từng hòa nhịp chung cùng các đội khác qua từng chủ đề “Vũ điệu Tiên Sa”, rồi “Âm vang sông Hàn”, “Lung linh sông Hàn” và đêm qua là “Sắc màu Đà Nẵng”.

Màn trình diễn của đội Trung Quốc
Màn trình diễn của đội Trung Quốc

3 năm trước, chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài gần gũi với khán giả Việt đã mang lại chiến thắng cho đội Trung Quốc đến từ Tập đoàn Pháo hoa Liuyang (Lưu Dương) Dancing. Tập đoàn do ông Zhong Ziqi thành lập vào năm 1996, nằm tại thành phố quê hương của pháo hoa, bên dòng sông Liuyang xinh đẹp.

Năm nay, họ đến Đà Nẵng sớm nhất trong 4 đội vô địch DIFC các năm trước nhưng lại là đội kiệm lời nhất khi tiết lộ màn trình diễn của mình. Chỉ một điều họ không giấu giếm, như đội trưởng Zhong Zimin tuyên bố trước giờ khai mạc, “kể chuyện là thế mạnh của chúng tôi”. Và lần này, họ lại kể bằng pháo hoa chuyện “Thung lũng Đào hoa” (Đào hoa nguyên ký) - một câu chuyện cổ xưa và nổi tiếng của Trung Quốc và phương Đông.

Rằng xưa có một ngư dân, khi chèo thuyền men theo dòng suối quanh co ngược lên thượng nguồn thì tình cờ gặp một ngôi làng tuyệt đẹp với cỏ thơm xanh ngát, muôn hoa khoe sắc. Người dân ở đây chịu khó cấy cày, trồng trọt, tương thân tương ái, vui vẻ hòa thuận; không hề biết đến thế gian với thiên tai, chiến tranh, loạn lạc. Ngư dân này trở về kể lại cho người trần gian, đến khi quay lại tìm ngôi làng đó thì không thấy nữa.

Người Việt có truyền thuyết “Từ Thức lên tiên” với tình tiết tương tự như thế. Phải chăng, đội Trung Quốc lần nữa muốn giành tư thế trước những nhà vô địch năm nay, khi mang đến bữa đại yến pháo hoa câu chuyện rất gần với văn hóa tâm linh Việt? Âm nhạc của họ thấm đẫm chất Á Đông và pháo hoa của họ thì không hổ danh là những người đến từ quê hương của pháo hoa. Họ đã chiếu những thước phim hài hòa âm nhạc và ánh sáng trên trời đêm Đà Nẵng, qua “Thung lũng Đào hoa”, gửi thông điệp về cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, an lành; xã hội chất phác, hài hòa,… những mục tiêu, kỳ vọng muôn đời của con người… 

Không lả lướt như Canada, không hoa mỹ như Trung Quốc, đội Việt Nam thể hiện sự chân chất, mộc mạc của một chàng tí hon muốn học làm người khổng lồ. Việt Nam đã vượt qua chính mình, điều mà đội Canada có vẻ như chưa thể hiện được trong phần thi đêm qua.

Bài và ảnh: Văn Thành Lê

;
.
.
.
.
.