.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh

Văn hóa-Thể thao và Du lịch miền Trung, động lực phát triển của cả nước

.

Tiềm năng thu hút đầu tư lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của khu vực duyên hải miền Trung vô cùng to lớn. Khu vực được thiên nhiêu ưu đãi với đường bờ biển dài, nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa thế giới, những hang động kỳ thú, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh thái nổi tiếng…

Đặc biệt, miền đất này còn sở hữu một kho tàng văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng đã và đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một địa điểm đầu tư dài hạn đầy triển vọng. Vậy, các tỉnh duyên hải miền Trung sẽ phải làm gì và làm như thế nào để khai thác tốt tiềm năng về văn hóa, thể thao và du lịch đang có. Năm mới đến với nhiều kỳ vọng mới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã dành cho Báo Đà Nẵng cuộc phỏng vấn chung quanh vấn đề này và những hứa hẹn trong năm 2009.

* P.V: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá thế nào về tiềm năng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại các tỉnh duyên hải miền Trung?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.

- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Nằm trên trục nối liền các “điểm đến” đầy hấp dẫn, các tỉnh, thành miền Trung đã và đang tạo nên một bức tranh sôi động của Việt Nam. Cùng với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận như: Phong Nha-Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Khu Đền-Tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên..., miền Trung còn sở hữu một vùng biển dài chiếm hơn 1/2 bờ biển đất nước với những bãi biển, vịnh biển hàng đầu thế giới như: Đà Nẵng-Hội An, Nha Trang…

* P.V: Theo Bộ trưởng, miền Trung đã khai thác hết tiềm năng đó chưa?

- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Những năm gần đây, miền Trung đã có nhiều nỗ lực khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch và văn hóa. Hằng năm, một số địa phương trong khu vực đón khoảng một triệu lượt khách quốc tế; tốc độ tăng bình quân 17%/năm, trong đó, khách quốc tế tăng gần 28%. Điều đáng chú ý là miền Trung đã tạo ra những sản phẩm mới, ngày càng hấp dẫn du khách, nhiều dự án FDI đã hoàn thành và đưa vào khai thác có hiệu quả.

* P.V: Theo Bộ trưởng, các tỉnh miền Trung cần phải làm gì để thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong thời gian đến?

- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực VH-TT-DL trên địa bàn miền Trung cần được thống nhất về danh mục dự án kêu gọi đầu tư và những chính sách về thu hút đầu tư tầm quốc gia; khai thác lợi thế đầu tư trên mỗi địa phương, bảo đảm việc thực hiện đúng mục tiêu đầu tư và tạo chủ động cho các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trên từng địa bàn cho phù hợp với từng giai đoạn.

Đồng thời, chính sách thu hút đầu tư cần được bổ sung kịp thời, có hệ thống để các nhà đầu tư hiểu rõ chính sách của Nhà nước cũng như những khuyến khích theo đặc thù của mỗi địa phương.

* P.V: Thưa Bộ trưởng, lâu nay giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thường lo ngại về vấn đề chính sách và pháp lý. Bộ trướng thấy sao về vấn đề này?

- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Đúng là đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ sự lo ngại về môi trường chính sách và pháp lý ở Việt Nam, tuy nhiên nếu các bạn tìm hiểu kỹ có thể thấy rõ là chúng ta đã cải thiện rất nhiều trong vấn đề này.

Bằng chứng là tính đến cuối tháng 11-2008, Việt Nam đã thu hút được 2.350 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 55 tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ (bao gồm văn hóa, thể thao và du lịch), chiếm gần 39% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước.

Đối với các tỉnh miền Trung, tính đến thời điểm nói trên cũng đã thu hút được 159 dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,9 tỷ USD, chiếm 53% so với khu vực. Hiện có một số dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư vào các tỉnh duyên hải miền Trung với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên, đánh giá chung, đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ vào khu vực miền Trung vẫn còn thấp so với tiềm năng của vùng này.

* P.V: Vậy, Bộ VH-TT&DL đã có những giải pháp nào để thay đổi những điều tồn tại trên?

- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Nhận thức rõ điều đó, được phép của Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã cùng với các tỉnh, thành nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp tích cực nhằm tạo cho nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi nhất.

Những giải pháp được chúng tôi quan tâm là vấn đề thủ tục sẽ được giải quyết nhanh gọn, thông tin quy hoạch minh bạch, rõ ràng; cơ sở hạ tầng đầy đủ. Cụ thể là: Chúng tôi tổ chức hệ thống thông tin rõ ràng, thuận lợi từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới các tỉnh, thành phố để các nhà đầu tư chủ động tiếp cận chính sách; hỏi đáp về các thủ tục đầu tư; hiểu về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư khi đăng ký và triển khai dự án. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường cải cách hành chính trong quản lý dự án; tăng cường liên kết trong kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm đầu tư đúng quy hoạch, kế hoạch; đồng thời bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

* P.V: Nói đến miền Trung là nói đến thế mạnh về biển và đảo. Theo Bộ trưởng, chúng ta sẽ khai thác lợi thế du lịch biển, đảo ra sao để hài hòa với lợi ích kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh- quốc phòng?

Đón khách. Ảnh: Nhân Mùi
- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Như các bạn đã biết, một trong những xu hướng du lịch hiện nay trên thế giới được ưa thích là du lịch biển, đảo. Biển, đảo vùng duyên hải miền Trung Việt Nam từ trước đến nay giữ một vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế các địa phương, đồng thời bảo đảm an ninh-quốc phòng của Tổ quốc.

Quyết định số 194/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phương hướng và giải pháp phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên đã xác định ven biển miền Trung là địa bàn động lực phát triển du lịch của cả nước. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30-5-2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đều chỉ rõ: Với lợi thế về biển, đảo, khu vực miền Trung phải phấn đấu cùng cả nước góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

Theo tôi, phát triển du lịch biển, đảo không những giúp miền Trung phát huy bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch mà còn thúc đẩy phát triển cả kinh tế và an ninh-quốc phòng, bảo đảm phát triển bền vững trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

ĐẶNG VĂN NỞ (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.