Những ai đã từng một lần viếng Lăng Bác sẽ được thấy bộ trang phục “Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên”. Sẽ là bất ngờ với nhiều người khi biết rằng: Người từng hai lần may đồ cho Bác mặc lúc đương thời và lúc Người vĩnh viễn “đi xa” lại là một người dân xứ Quảng. Con người đó cũng là một người duy nhất đạt “kỷ lục” hai lần được đón Bác Hồ về thăm trong cương vị là lãnh đạo của hai đơn vị thuộc diện “những điển hình tiên tiến nhất” miền Bắc lúc bấy giờ. Vào những ngày cuối năm này, tôi tìm đến góc phố đường Thái Phiên tại Đà Nẵng để thăm ông, người kể cho tôi nghe...
1- Cùng ông Vũ Kỳ “đánh tráo” bộ quần áo Bác Hồ
Ảnh: MAI HOA |
Dưới quyền Trần Mịch, X10 đạt nhiều thành tích xuất sắc, vì vậy ngày 8-1-1959, xí nghiệp được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Hôm ấy, đứng gần Bác, Trần Mịch thấy bộ quần áo kaki Người đang mặc đã ngả màu, tay áo đã sờn cũ. Trước phút tiễn Bác, Giám đốc Mịch hỏi nhỏ ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác: “Chúng tôi có nguyện vọng may biếu Bác bộ quần áo, anh thấy có nên không?”. Ông Vũ Kỳ lắc đầu quầy quậy. Tuy nhiên, sau một thoáng suy nghĩ, ông ghé tai Trần Mịch khẽ nói điều gì đó, rồi cả hai cùng cười.
Cụ Mịch tiếp: “Khoảng một tuần sau, Bác Hồ nhận được món quà tặng của Xí nghiệp May X 10 là một bộ quân phục. Bác vui vẻ nói với ông Kỳ: “Thôi được, Bác sẽ nhận bộ đồ này, song xin gửi lại X10 để làm phần thưởng cho ai có thành tích xuất sắc nhất trong năm!”. Tôi đã thông báo ý kiến của Bác và phát động một phong trào thi đua rầm rộ vào dịp cuối năm. Cuối cùng, anh Nguyễn Quốc Nguyên đã đạt giải nhất và được nhận bộ đồ chúng tôi đã tặng Bác!”. Liền sau đó Bác đã gửi thư khen.
Vợ chồng ông Trần Mịch và bà Võ Thị Thuyền. |
Khi sang thăm Indonesia, lúc sửa soạn quần áo, Bác Hồ chợt gọi ông Vũ Kỳ: “Chú Kỳ! Chú Kỳ! Bộ quần áo này không phải của Bác!”. Biết không thể giấu Bác, ông Vũ Kỳ phải “thú nhận” đã cùng Giám đốc Trần Mịch “đánh tráo” quần áo của Bác! Bác đã vui vẻ mặc bộ quần áo “mới” của “âm mưu” bị lộ tẩy ấy và nói “Thế là các chú cố ép Bác mặc đồ mới, nhưng các chú nên nhớ rằng làm sao có thể “thi sang” với người, mình phải tiết kiệm, dân mình còn nghèo lắm!”.
2- May đồ cho Bác nằm trong Lăng
Giám đốc Trần Mịch (bên tay phải Bác Hồ) khi Bác đến thăm Xí nghiệp May 10 năm 1959. |
Năm 1969, khi Bác mất, Trần Mịch và hai người thợ tài hoa của Xí nghiệp May X10 từng là tác giả của bộ quần áo “đánh tráo” trên, đã được giao nhiệm vụ may bộ quần áo để Người mặc yên nghỉ trong Lăng. Ông Mịch nhớ lại: “Khi nghe tin Bác Hồ qua đời, tin vừa lan ra từ chiếc loa phóng thanh của xí nghiệp, cả May X10 chìm trong nước mắt! Bởi với Bác, May 10 chúng tôi là “người nhà”.
Ngay hôm sau, ông Vũ Kỳ điện cho tôi “Bác đã mất rồi, song Trung ương muốn Bác vẫn như còn sống. Anh xem may cho Bác một bộ đồ và may nhiều cờ phục vụ trong tang lễ Bác!”. Nhận nhiệm vụ, tôi và anh Trần Quảng - Trưởng phòng kỹ thuật của May 10 trực tiếp chọn vải, chọn chỉ và cử anh Đỗ Huy Tùng trực tiếp may. Riêng các số đo thì chúng tôi lấy lại lần may đồ cho Bác trước đó”.
Giám đốc Trần Mịch (bìa trái) khi Bác Hồ đến thăm Nhà máy sứ Hải Dương năm 1962. |
Ông đang hay chuyện, bà Võ Thị Thuyền - người bạn đời của ông, cũng là người Quảng nói vô: “Trong lúc mấy ổng lo may bộ đồ cho Bác thì cả Xí nghiệp May 10 như sôi lên vì nhận nhiệm vụ may hàng triệu lá cờ với nhiều kích cỡ khác nhau để phục vụ tang lễ Bác. Trước tinh thần làm việc đó, Trung ương đã phát cho mỗi anh chị em công nhân một huy hiệu Hồ Chí Minh mà bây chừ tôi vẫn còn giữ đây!”. Bà Thuyền vội vào trong lấy cho tôi xem 3 huy hiệu bằng đồng vàng óng có khắc nổi di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn như mới.
Ai đã từng xem phim tư liệu tang lễ Bác Hồ đều thấy hôm đó Ba Đình rợp cờ đỏ sao vàng. Và, ai đã từng vào Lăng viếng Bác, vẫn thấy Người mặc bộ đồ mà Giám đốc Trần Mịch trực tiếp may năm nào. Đưa tôi đi xem gian “Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ”, cụ Mịch thủng thẳng: “Sau ngày lo xong chuyện hậu sự cho Bác, ông Kỳ đã đến thăm xí nghiệp, bắt tay cảm ơn bọn mình vì đã tích cực giúp Trung ương may đồ và cờ phục vụ tang lễ Bác!”.
Chia tay cụ Mịch - người nay đã 86 tuổi, vẫn không nguôi nhắc về những bộ đồ từng may cho Bác Hồ, tôi cứ nhớ mãi lời ông: “Bác Hồ không thích làm sang với người vì dân ta còn nghèo! Nay mình học tập Người thì nên bắt đầu từ việc tưởng như giản đơn đó!”.
Ghi chép của Lưu Hoàng Giang