.

Con trâu trong đời sống văn hóa

.

Từ đời sống thực tại, con trâu đã đi vào lĩnh vực tinh thần, tâm linh của người Việt. Tượng trâu bằng đất nung đã được giới khảo cổ tìm thấy trong các di chỉ Tiên Hội, Đồng Đậu... hơn ba nghìn năm trước. Vật trang sức hình đầu trâu bằng đá nửa quý, mài nhẵn bóng, đã tìm thấy ở di chỉ Đình Chàng Hà Nội, cũng có tuổi trên dưới ba nghìn năm. Trong 15 bộ lạc hợp thành nước Văn Lang của các vua Hùng có hẳn một bộ lạc mang tên Trâu. Giữa đêm trường Bắc thuộc, sách Giao châu ký (thế kỷ 3) ghi lại hình ảnh trẻ mục đồng Việt Nam véo von thổi sáo trên lưng trâu trên đường thôn, ngõ xóm. Con trâu hiện diện trong tranh dân gian và điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ 17 - 18…

Từ con trâu hóa thạch

Giới cổ sinh và khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy hóa thạch loài trâu trong các hang động Thẩm Khuyên, Phai Vệ, Kéo Lèng (Lạng Sơn), Hang Hùm (Hòa Bình), Thẩm Òm (Hà Tĩnh)... cách ngày nay trên dưới vài chục vạn năm: Người tối cổ Lạng Sơn, người cổ Hang Hùm đã săn bắt trâu rừng cùng các loài voi, đười ươi, lợn vòi, gấu mèo, khỉ, vượn... mà sinh sống. Muộn hơn nữa, trong các hang động chứa đựng di tích văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, cách ngày nay trên dưới một vạn năm, bên cạnh hóa thạch một số hạt cây trồng, người ta cũng tìm thấy xương trâu, bò (Bovinae).

Đến cuối thời đá mới, cách ngày nay 5 - 6.000 năm cùng với sự ra đời của nghề nông trồng lúa ở các thung lũng chân núi và đồng bằng ven biển, con trâu đã được thuần phục và thuần dưỡng. Xương trâu, bò nhà đã được giới khảo cổ học tìm thấy phổ biến trong các di chỉ đá mới và đồng thau ở Tràng Kênh (Hải Phòng), Tiên Hội, Đình Chàng (Hà Nội), Đồng Đậu (Phú Thọ) và nhiều nơi khác. Đầm lầy, môi trường sinh thái của loài trâu, cũng là quê hương của loài lúa.

Con trâu và cây lúa gắn bó với nhau, từ thời hoang dại cũng như từ lúc được con người thuần dưỡng. Đàn bà, từ thực tiễn hái lúa dại ở đầm lầy đã tiến lên trồng lúa. Đàn ông, từ thực tiễn săn bắt trâu rừng đã tiến tới việc nuôi trâu. Háo - hình thức bẫy săn để bắt trâu rừng - đã biến thành hao, hàng rào ruộng lúa. Thoạt tiên, người ta bắt trâu ăn thịt, sau được thuần dưỡng, cũng để ăn thịt và làm vật hiến sinh trong nghi lễ nông nghiệp hội mùa. Hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ còn được khắc chạm trên trống đồng và vẫn còn sống động trong lễ hội mùa Xuân miền không gian xã hội Ba Na ở Tây Nguyên.

Đến con trâu trong văn minh nông nghiệp

Huyền thoại về người Khổng Lồ - Thần Nông, ải Lậc Cậc (Thái Đen), Sái Hịa (Thái Trắng), Táng Ngạo (Tày Khao ở Hà Giang), thân cao hơn núi, vành tai to bằng dăm ba chiếc quạt thóc, đã vỡ vạc bốn cánh đồng lớn Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Nghĩa Lộ), Mường Tấc (Phù Yên), Mường Than (Than Uyên) và thung lũng Mường Phạ (Vị Xuyên)... rất nổi tiếng. Vị thần nông Tày - Thái cổ khổng lồ này đã biết nuôi trâu để kéo cày, biết ăn xôi đồ bằng gạo nếp và vẫn bắt cá, xúc tôm tép ở các dòng sông suối... Đó là huyền thoại của thời đại kim khí.

Hàng trăm lưỡi cày đồng các loại thuộc nền văn hóa Đông Sơn (500 năm trước Công Nguyên) tìm thấy ở Cổ Loa và nhiều nơi khác đã được giới khảo cổ học Việt Nam cày thực nghiệm bằng trâu kéo trên chín loại đồng đất khác nhau của miền châu thổ sông Hồng... Kể từ thời đại vua Hùng dựng nước, con Trâu trở nên một nhân tố cấu trúc hữu cơ của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
 
Cảnh sắc thường thấy trong môi trường sinh thái - nhân văn Việt Nam là cảnh: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa! Trâu kéo cày dưới thung đồng. Trâu kéo gỗ trên ngàn, kéo lết không cần xe bánh... Những đoàn xe trâu đi trên đường Trường Sơn, từ Quảng Bình tới Quảng Nam, đã được Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) mô tả kỹ lưỡng trong Kiến Văn Tiểu Lục...

Và thảng hoặc, trâu còn được dùng trong chiến trận. Đinh Bộ Lĩnh và bầy trẻ mục đồng trong thung lũng Hoa Lư cưỡi trâu, rước cờ lau tập trận. Lê Đại Hành lùa trâu cùng quân sĩ đứng dày đặc trên hai bờ sông Hoàng Long để đón chào và dọa dẫm sứ thần nhà Tống. Trâu được cho uống rượu say và lùa xô vào húc phá đội hình quân địch. Và trâu còn được buộc mồi lửa sau đuôi, lùa sang trại giặc trong nhiều trận hỏa công...

Cống hiến của trâu cho người

Sữa trâu rất bổ dưỡng, thích hợp với người suy dinh dưỡng vì trong sữa trâu giàu chất béo, giàu canxi, năng lượng cao gấp đôi sữa bò. (Trong 100 mg sữa trâu có 110 kcalo, trong khi 100 mg sữa bò chỉ có 66 kcalo). Sữa trâu thích hợp để chế biến thành bơ, pho-mat hoặc sữa chua. Sữa trâu nhiều chất béo hơn sữa bò nhưng thịt trâu lại ít mỡ hơn thịt bò, lượng sắt có trong thịt trâu lại cao hơn thịt bò. (Trong thịt trâu nghé chỉ có 1,5 - 5,6% mỡ so với thịt bò là 10 - 20%) .

Thịt trâu thích hợp với người làm việc bằng trí óc, huyết áp cao, xơ vữa động mạch hay có nhiều cholesterol trong máu. Phụ nữ mập có thể ăn thịt trâu vì nó cung cấp năng lượng mà không làm tăng cân. Thịt trâu hầm không mất chất lượng, thích hợp với người già và trẻ con, và có thể để nhiều ngày không hư. Thịt trâu nghé mềm quá, không ngon bằng thịt trâu choai chừng 2 tuổi. Muốn thịt trâu già hầm mau nhừ và có mùi vị thơm ngon thì buổi tối trước khi nấu, xoa lên miếng thịt trâu một lớp bột hạt cải, sáng hôm sau rửa sạch trước khi nấu.

Tục ngữ có câu: “Trâu bò chết để da, người ta chết để tiếng”. Thế nhưng trâu chết cũng để “tiếng”, nhưng đó là tiếng trống. Da trâu làm trống phải thuộc rất công phu, nhưng chỉ có da trâu cái chưa sanh đẻ mới tốt vì nó rất dai và cho tiếng kêu hay. Da trâu nấu thành cao gọi là giao để hòa với vôi quét tường tạo chất kết dính. Ngoài ra đông y còn dùng da trâu như một loại dược liệu có tác dụng giảm đau, cầm máu. Ở Bảo tàng Quảng Trị có sợi dây da trâu có chiều dài hơn 2m, đường kính 20mm (nguyên thủy dài hơn) trước đây bộ đội dùng để kéo pháo trong chiến dịch giải phóng miền Nam.

Sừng trâu cũng không phải là thứ bỏ đi mà được chế biến thành các đồ trang sức từ vòng tay, nhẫn... cho đến các đồ dùng khác như lược, gọng kính, đẹp không thua gì sơn mài, được bày bán khắp nơi trên thế giới. Người dân tộc Tây Nguyên dùng sừng trâu để rót rượu hay làm mõ. Sừng trâu cũng có thể thay cho sừng tê giác trong một số bài thuốc nam.

Nuôi trâu không chỉ để kéo cày mà còn để lấy phân bón. Phân trâu còn để trát phên hoặc có nơi phơi khô để đun nấu. Trâu trong tâm linh người Việt

Hình sừng trâu gợi lên hình ảnh Trăng lưỡi liềm và được dùng làm biểu tượng của Trăng. Một huyền thoại của miền ven biển Việt Nam được ghi lại từ thế kỷ 6 trong sách Thủy kinh chú chép rằng: Huyện Câu Lậu ở Giao Chỉ có giống tiềm thủy ngưu (trâu ở ngầm đáy nước) chúng thường lên bờ chọi nhau, bao giờ sừng mềm ra lại nhảy xuống nước, sừng trâu sẽ cứng lại rồi chúng lại lên bờ chọi nhau tiếp. Đó là báo hiệu của ngày con nước theo lịch trăng:

Trăng với thủy triều và giống trâu nước có liên quan về thời tiết. Sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề chép rằng: Dưới thời Trần, có Yết Kiêu, người Gia Lộc (Hải Dương), một hôm đi trên bờ biển thấy hai con trâu nước chọi nhau. Ông dùng đòn gánh phang, trâu lặn xuống nước mất tích. Thấy trên đòn gánh còn dính vài sợi lông trâu, ông nuốt vào bụng, từ đó ông có tài bơi lặn, đi lại dưới nước như đi trên cạn!

Huyền thoại trâu nước là huyền thoại về Trăng và thủy triều, rất phổ biến cùng với tục thờ Trăng, thờ Trâu ở miền ven biển Tây Thái Bình Dương. Ngày hội Trăng mùa thu ở vùng ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng) trước đây còn giữ tục lệ thi chọi trâu: Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mồng mười tháng Tám chọi trâu thì về! Tục lệ ấy là tàn dư xa xôi của lễ hội thờ Trăng. Chọi trâu là biểu tượng của xung lực vũ trụ. Chọi trâu hằng năm là để tái vận hành và tiếp sức sinh sôi nguồn xung lực, sinh lực của Trời - Đất - Con người... Như vậy đó, vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á cổ truyền. Chính vì vậy mà nó đi vào năm - tháng - ngày - giờ của lịch 12 con vật.

Trâu đi vào ngôn ngữ Việt

Con trâu bao giờ cũng là một hình tượng hết sức quen thuộc trong sinh hoạt và ngôn ngữ dân gian. Trong giáo dục con cái, một số người lớn có tính khí nóng nảy, cộc cằn thường mắng mỏ “lì như trâu” để biểu hiện thái độ tức tối, bực dọc đối với những đứa trẻ hiếu động, nghịch phá và ít chịu vâng lời. Đến khi trẻ bước vào tuổi yêu đương, việc dạy dỗ đòi hỏi phải tế nhị hơn nên họ vừa nhắc nhở, rầy rà bằng những lời bóng gió “trâu tìm cọc (trai tìm đến gái), chớ mấy đời cọc lại tìm trâu (gái tìm đến trai)”, vừa chắt chiu dành dụm sắm cặp trâu cày để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày con cái lập thành gia thất rồi ra riêng để xây dựng thêm một mái ấm gia đình, bởi “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Thực hiện thiên chức này đòi hỏi các bậc làm cha mẹ phải tốn rất nhiều công sức để cân nhắc, lo toan, bởi đối với con cái, tình yêu thương của cha mẹ phải được san sẻ thật đồng đều, bằng ngược lại, nếu đứa này thương nhiều, đứa kia thương ít sẽ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn “trâu trắng, trâu đen” nghĩa là anh em một nhà mà vào ra cứ “bốn mắt nhìn nhau như trâu trợn”.

Lại nữa, do thừa mứa cái ăn cái mặc, không ít trong số những người này nuối tiếc “của đời” bởi tuổi tác sắp đến ngày “khuất núi”, nên “trâu già thích gặm cỏ non”, họ sẵn sàng bỏ tiền “nhuộm tóc, căng da” để “cưa sừng làm nghé” rồi “mã tầm mã, ngưu tầm ngưu” kết bè kết nhóm chè chén say sưa, tìm gái tơ bày cuộc vui chơi. Chơi, nhưng phải kín, bởi “đi năm đồng, bảy đổi không chết mà chết ở lỗ chân trâu”" thì rõ khổ. Trâu được xếp vào con giáp thứ hai, sau con chuột. Người ta nói: người tuổi con trâu không cực thân cũng cực trí, bởi lỡ sinh làm kiếp trâu cày thì “mài sừng cho lắm cũng là trâu”, cho nên, dù là trâu của tá điền hay trâu của địa chủ, phú nông cũng đều vì muốn trả ơn đời nên phải chấp nhận còng lưng để kéo những đường cày quá buổi.

Vũ Ph (sưu tầm)

;
.
.
.
.
.