.

Đà Nẵng dưới góc nhìn của các nhà đầu tư

.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), năm 2008, lần đầu tiên đưa Đà Nẵng vào trong bảng nghiên cứu so sánh chi phí đầu tư tại các thành phố lớn của châu Á. Trước đó, Đà Nẵng đã có 3 năm liên tục được xếp hạng nhì và nay đã vươn lên đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) công bố. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu cải thiện môi trường, thu hút đầu tư vào Đà Nẵng, và là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trên thế giới có cái nhìn chính xác, khách quan về hợp tác đầu tư tại Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Ảnh: LÊ HẢI
Theo đánh giá của JETRO, Đà Nẵng là một điểm đầu tư hấp dẫn mới nổi với nhiều thuận lợi như: có hệ thống cơ sở hạ tầng khá tốt và đầy đủ như: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Với cảng biển nước sâu đủ khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, với sân bay quốc tế, là cửa ngõ chính của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, có chi phí cho công nhân và cho cán bộ cấp quản lý trung gian thấp, chi phí thuê văn phòng và nơi ở cho nhà đầu tư tương đối rẻ..., đặc biệt là môi trường đầu tư thông thoáng.

Việc Đà Nẵng được xếp thứ hạng cao trong nhiều năm liền đã khẳng định môi trường kinh doanh ở Đà Nẵng đã tốt lên trong vài năm trở lại đây. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc Đà Nẵng được quyền tự mãn mà phải phấn đấu vươn lên, tránh tụt hậu. Để làm được điều này, trước hết Đà Nẵng cần đổi mới, cải tiến cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhằm tạo ra môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, đúng pháp luật, nhưng không phải xé rào ưu đãi như nhiều địa phương khác đang vấp phải.

Theo ông Daisuke Hiratsuka, Viện các Nền kinh tế đang phát triển IDE-JETRO phân tích, điều đầu tiên khiến cho các nhà đầu tư tìm đến Đà Nẵng là chính sách thu hút đầu tư của chính quyền thành phố đã đáp ứng được những lợi ích thiết thực của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng khá hoàn chỉnh, có đủ 4 loại hình giao thông. Đặc biệt là Cảng Tiên Sa và sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ là cửa ngõ quan trọng của cả vùng Mêkông rộng lớn và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, các yếu tố phụ như: giá đất cạnh tranh, nguồn nhân lực phong phú, cải cách về thủ tục hành chính, cung cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, tình hình an ninh trật tự tốt… cũng là một trong những nguyên nhân để nhà đầu tư chọn Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, đến nay Đà Nẵng đã có 146 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư trên 2,4 tỷ USD. Riêng trong năm 2008, có 32 dự án đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 1 tỷ USD và có 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 32,54 triệu USD. Trong đó, 7 dự án đầu tư về lĩnh vực công nghiệp, 25 dự án về lĩnh vực dịch vụ…

Việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, thu hút dự án mới, nhất là các dự án lớn đang là vấn đề trọng tâm của thành phố. Với những lợi thế và tiềm năng to lớn về vị trí địa lý, nguồn lực con người, hạ tầng cơ sở, kinh tế tăng trưởng cao..., thành phố Đà Nẵng đã và đang thu hút mạnh mẽ các hoạt động đầu tư trong và ngoài nước.

Bàn về những tiềm năng và lợi thế của thành phố, ông Iwama Shinichi, Chủ tịch Công ty Daiwa Việt Nam cho hay: Đối với việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Nhật Bản, thành phố Đà Nẵng là một địa điểm hứa hẹn có khả năng hợp tác cao. Nếu so sánh với toàn quốc thì khu vực miền Trung có mặt bằng giá nhân công rẻ hơn, chi phí thấp. Đây là lợi thế để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, tình hình an ninh trật tự của thành phố rất tốt cũng có vai trò quan trọng. Bên cạnh những ưu điểm mà Đà Nẵng có được, ông Iwama Shinichi cũng chỉ ra những điểm yếu ở thị trường Đà Nẵng như còn khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, do Đà Nẵng còn có ít chuyến bay thẳng đến các nước. Mạng lưới vận chuyển trong nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng còn kém, do chưa có các tuyến đường cao tốc; các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, công an nhiều nơi còn vướng mắc.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN, một đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng: Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ là điểm thu hút đầu tư mạnh nhất của khu vực, bởi ngoài những yếu tố thuận lợi về mặt địa lý, cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư thông thoáng, Đà Nẵng còn có một số lượng lớn Việt kiều ở nước ngoài có nguyện vọng muốn về đầu tư kinh doanh tại quê hương. Cũng như các doanh nghiệp ngày càng nhận thấy vai trò, vị trí động lực của thành phố trung tâm này.

Một điều dễ nhận thấy nhất là ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến với thành phố. Chỉ riêng trong năm 2008, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố đã làm việc với trên 80 đoàn các nhà đầu tư đến từ các nước, vùng lãnh thổ như Ma Cao, Nhật Bản, Pháp, Hồng Kông, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất... nhằm tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư hoặc triển khai dự án đầu tư tại thành phố. Những dự án lớn hiện đang được triển khai như: sân golf Hòa Hải 73 triệu USD (Vina Capital), khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn 78 triệu USD (Indochina Capital), khu du lịch Silvershores 86 triệu USD (Mỹ), khu khách sạn và biệt thự Vegas 100 triệu USD (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), khu đô thị quốc tế Đa Phước 250 triệu USD (Hàn Quốc), khu đô thị Capital Square 325 triệu USD (Vina Capital)...

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, phần nào khẳng định môi trường đầu tư của thành phố đã không ngừng được cải thiện, thủ tục đầu tư ngày càng đơn giản, nhanh chóng. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, đề ra cơ chế, chính sách sát với thực tế, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án.

Khởi công xây dựng công trình Golden Square.

Ông Yoichi Kato, Chủ tịch JETRO tại Thái Lan cho rằng: Môi trường kinh doanh cực kỳ quan trọng đối với các nhà đầu tư. Trong đó, tình hình chính trị cũng tác động không nhỏ đến sự quan tâm của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, đất nước nào có môi trường đầu tư thuận lợi, có tình hình chính trị ổn định, đất nước đó sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến kinh doanh. Theo JETRO, Việt Nam là một trong những nước thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Nếu không tính nước chủ nhà Nhật Bản, Việt Nam được xếp ở vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng của JETRO về khu vực được coi là địa điểm sản xuất hấp dẫn trong vòng 5-10 năm tới và vượt qua cả Trung Quốc. Riêng Đà Nẵng, với những lợi thế của mình, Đà Nẵng cần phải củng cố mối quan hệ làm ăn lâu dài với các đối tác giàu tiềm năng như các thành phố Tokyo, Chiba, Kawasaki, Osaka… Và quảng bá hình ảnh của mình thông qua Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Tokyo và Văn phòng đại diện của thành phố Đà Nẵng tại đây, để thu hút đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng.

Bức tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang mở ra những gam màu tươi sáng đầy hứa hẹn cho Đà Nẵng. Chính vì vậy, Đà Nẵng cần phát huy tốt hơn nữa những lợi thế mà mình đang có, cũng như giải quyết rốt ráo những tồn tại mà các nhà doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra.

Trong tương lai, Đà Nẵng không chỉ là điểm thu hút đầu tư mà còn là thành phố động lực của cả khu vực miền Trung khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1085/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - vùng Trung Trung Bộ từ nay đến năm 2025. Theo đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - vùng Trung Trung bộ sẽ trở thành đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, chế biến của vùng Mêkông lớn và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, thành phố Đà Nẵng sẽ là đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm này.

THÀNH LÂN


 

;
.
.
.
.
.