.

Đêm sinh nhật

.

Rượu đã hết, nhưng cuộc vui vẫn còn. Lúc này ai nấy đều nhìn nhau như qua màn sương mờ ảo. Riêng ông Thanh, chủ nhân bữa tiệc vẫn tỉnh táo, dù đã tiếp khách từ chín giờ sáng cho đến bây giờ, trời đã sẫm chiều.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Như mọi năm, đúng vào ngày một tháng giêng, ông Thanh tổ chức sinh nhật của mình trong ngôi nhà vườn ở làng quê. Khu vườn bên kia sông Bao Vinh, đầy những lá nhãn xanh um. Không bao giờ ông gửi thiếp mời cho ai. Nhưng như một tập tục, bạn bè ông cứ đúng ngày là đến. Ngày ông còn tại chức, có năm cả trăm người đến mừng sinh nhật. Từ lúc về hưu, mỗi năm người đến càng thưa vắng, nhưng vẫn còn vài chục người.
 
Đó là những người thật sự thân tình: ông biết, ông sẽ không bao giờ mất họ. Trong số đó, có cả ông Phi ở cạnh nhà, một ông già hiền lành, chuyên làm cai gian trong các đám tang. Ông Thanh giới thiệu với mọi người: "Đây, ông cai gian của tôi, chẳng bao lâu nữa sẽ là người chôn tôi đấy". Đáp lời ông, ông Phi mỉm cười. Nụ cười móm mém chân chất của ông làm người ta nghĩ đến hình ảnh hiền hậu nhất của cái chết.

Hôm nay ông Thanh vừa đúng bảy mươi tuổi. Vào buổi tiệc ban trưa, ông đã ký những giấy tờ phân chia gia tài cho bốn đứa con trai đã trưởng thành. Ông có một gia sản không lớn lắm nhưng cần phải thu xếp cho ổn thỏa. Nhìn về phía vợ, ông hỏi: "Nào mình có đồng ý với tôi không, hở mình?". Vợ ông rơm rớm nước mắt vì cảm động. "Ông ơi, sao ông hỏi thế, có bao giờ tôi không nghe lời ông?". Đúng, bốn mươi năm qua, lúc nào bà cũng mãn nguyện làm cái bóng của ông. Suốt đời, ông đã làm lụng, đã đem lại danh giá cho bà.

Bốn đứa con, đó là kết quả cuộc chung sống lâu dài và êm ấm giữa hai người. Bây giờ, chúng đã lớn, được ăn học, thành đạt, đã kiếm được những người vợ tốt; tất cả đang ngồi kia, nhìn về hai ông bà, cảm động và yêu thương. "Ba, ba vội quá, ba còn sống với chúng con rất lâu, vậy mà...". Ông Thanh đẩy hết giấy bút ra xa, như vừa dứt khoát làm xong một công việc nặng nề. Ông nói mà không nhìn ai cả:

- Từ giờ phút này, ba đã xong hết công nợ với cuộc đời. Ba có thể thanh thản yên nghỉ được rồi.

Nói xong ông cao hứng uống cạn ly, hát một bài hát vui. Ai nấy đều hát theo ông, tiếng hát tưng bừng như xóa ngay đi không khí có phần ngậm ngùi của mấy phút trước.

Bây giờ, trời đã tối. Ông Thanh tự cho phép uống nhiều hơn, vì vậy men rượu bắt đầu giăng một màn sương trước mắt ông. Thật kỳ lạ, vào giờ phút ấy, ông chợt thấy phía cuối bàn một người phụ nữ, không biết ngồi đấy từ lúc nào. Hình như người ấy vừa đến, và cả bàn tiệc không ai ngạc nhiên vì mọi năm cũng thế, rất nhiều người đến vào phút chót.

Chỉ có ông Thanh bỡ ngỡ, không thể nhớ ra người ấy là ai. Tay cầm ly rượu, ông đến gần người khách lạ. Dù ai đi nữa, đó cũng là một người đã nhớ đến ông trong ngày này. Hơi rượu chếch choáng làm ông không nhận ra người phụ nữ này bao nhiêu tuổi, xưng hô thế nào cho phải. Vì thế, đáp lại nụ cười của nàng, ông chỉ biết nắm lấy bàn tay siết chặt.

- Thưa ông - người mới đến nói, giọng hơi ngập ngừng - Hôm nay là sinh nhật của ông, tôi muốn đem đến cho ông một món quà.

Nói xong nàng đưa mắt nhìn quanh. Thấy chiếc đàn ghita trên vách, nàng ra hiệu nhờ lấy giúp. Rồi nàng so dây, và bắt đầu khúc nhạc của mình.

Tiếng đàn buông từng nốt nhạc rời, chậm, lâng lâng tiếp theo nhau; một thứ giai điệu kỳ lạ. Bỗng nhiên, giữa đêm đẹp trời, ông Thanh tưởng mình nghe tiếng mưa. Mưa mùa thu, dìu dặt và nhẹ nhàng như không buồn đậu xuống đất mềm.

Bất chợt, ông kêu lên một tiếng. Men rượu tan biến trước mắt ông. Ông đã nhớ ra! Khuôn mặt này, nụ cười này. Và tiếng đàn này. Tất cả đã từ lâu ngủ yên trong ký ức ông. Nhưng còn nàng, nàng từ đâu hiện về?

Khi gặp ông, nàng cũng như thế này. Tóc nàng dài, phủ kín hai vai. Lần đầu nàng ngước lên nhìn ông,trong đôi mắt nâu hiện ra một vầng sáng dịu. Quán cà-phê Mimosa khuất sau dốc đồi. Vào thời ấy, người ta xem việc uống cà-phê buổi sáng là một kiểu xa xỉ. Dưới lùm cây xanh và những vầng sương mù dày đặc, cái quán nhỏ âm thầm giấu mình như một thứ tội phạm dễ thương. Và nàng cũng thế.

Thành phố cao nguyên đẹp nhưng quá buồn, nhất là với một người đàn ông xa gia đình. Những bực bội phiền toái trong mỗi ngày làm việc khiến buổi chiều trở thành khoảng thời gian tự do và vô vị. Một tuần hai lần, ông đến quán Mimosa để giải khuây. Thiếu phụ áo tím ngồi sau quầy, những bông Muguet cũng màu tím. Và rất nhiều âm nhạc. Ở đó, lần đầu ông đã nghe bản giao hưởng số 5 của Beethoven - bản giao hưởng Định Mệnh.

Thiếu phụ người Huế. Chồng ở nước ngoài đang làm thủ tục bảo lãnh cho nàng. Giấy tờ quá phức tạp, rắc rối. Trong khi chờ đợi, nàng giết thời giờ bằng quán Mimosa. Nàng nói với ông rằng nàng nhớ Huế, nhớ mùi rau diếp xanh trong vườn mẹ. Một lần, ông Thanh về phép. Khi trở lại, ông mang cho nàng một chậu nhỏ trồng đầy rau diếp xanh.
 
Rau diếp mới ăn rất hăng nồng, nhưng lâu ngày thành nghiện. Có lúc buồn bực, ông ra khỏi cơ quan, đầu óc căng thẳng, bước đi không định hướng. Mãi đến khi trước mắt hiện ra giàn hoa lấm tấm vàng, căn nhà gỗ thu mình sau hoa lá, ông mới biết đã đi đến chốn về của mình. Nàng đón ông ở cửa, nụ cười lặn sâu trong mắt. Lúc ấy ông Thanh đã nghĩ cả nhân gian là quán trọ, chỉ có nơi này là quê nhà.

Tối hôm ấy, ông ở lại. Đêm cao nguyên lạnh dịu dàng. Đến lúc đó, ông mới hiểu nàng thuộc vào loại đàn bà mà người đời vẫn bảo là có bùa mê. Thật ra, đó là một năng lực kỳ bí mà trời phú cho tất cả phụ nữ từ cổ sơ. Nhưng dần dà, người ta giấu giếm nó đi, và quên mất nó. Còn nàng, nàng không quên, không mất, vẫn mãi mãi như thế: một dòng suối êm đềm thì thầm chảy xiết.

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, ông Thanh nghe những âm thanh dìu dặt, lãng đãng rơi dần từng giọt, từng giọt trong không gian. Cựa mình, ông nói lẩm bẩm, như người nói mê:

- Hình như trời đang mưa...

Nàng xoay mình, áp đầu xuống vai ông:

- Không đâu anh... Đó là tiếng nhạc. Jeu interdit, nghĩa là trò chơi cấm.

Ông Thanh tỉnh hẳn. Ông nhìn thấy đĩa nhạc đang quay, những tiếng đàn êm ái như mưa. Ông ôm lấy nàng, nàng cũng mềm như tiếng nhạc.

Trò chơi cấm kéo dài đến bao lâu, ông không còn nhớ. Trong thời gian ấy, ông chỉ nghĩ đến một người, là nàng. Một người duy nhất, có người ấy thế giới này chợt rộng lớn và vang ngân. Mọi điều ta trải qua, ta thấy, ta nghe đều day dứt, ngọt ngào vô kể.

Rồi một ngày, ông quyết định ra đi. Con người thật kỳ lạ, luôn muốn phiêu lưu nhưng không dám vượt ra khỏi những rào cản của cuộc sống bầy đàn. Vả lại, ông nhớ ra, rồi sẽ đến lúc nàng đi xa. Bởi đau lòng hoặc bởi hiếu thắng, ông chọn đi trước để khỏi bị nàng bỏ lại.

Nàng có một trực giác kỳ lạ, hiểu ngay những dự định của ông. Ngày trở về Huế, ông đến chia tay với nàng như mọi lần về phép. Khi ông hôn nàng, nàng thì thầm:

- Em biết, đây là lần cuối.

- Không! Ông kêu lên, siết chặt lấy nàng. Bao giờ cũng thế, mỗi lúc giữ trong vòng tay thân thể dịu mềm của nàng, bản đàn Jeu interdit lại vang lên bên tai ông. Ông đã không nói dối: đó không phải lần cuối. Rất nhiều năm sau, thỉnh thoảng ông vẫn được gặp và hôn nàng như thế - trong giấc mơ.

Bây giờ nàng lại ở đây, bên ông. Năm tháng qua, nhưng sao nàng quá trẻ. Nàng còn trẻ hơn thuở gặp ông, như một thiếu nữ mới lớn. Ông Thanh run chân, chăm chăm nhìn. Nàng vẫn đàn. Ngày xưa, ông không thấy nàng chơi đàn. Nhưng cũng những âm thanh thế này: chậm, rời, dìu dặt như tiếng mưa.

"Trò chơi cấm" - ông Thanh nói rất khẽ nhưng người đàn bà vẫn nghe. Dường như nàng chỉ chờ có vậy. Bản nhạc viết về một cuộc chơi, một trò đùa thần tiên đến nao lòng. "Vâng, vậy là ông đã nhớ ra".

Cả bàn tiệc dồn mắt về phía hai người.

Người khách nữ đứng lên. Ánh đèn tỏa sáng trên người nàng. Nhưng không... Đây thật sự là một cô bé. Một cô bé giống nàng như tạc.

- Mẹ cháu bảo cháu đến đây, và đàn cho ông nghe khúc nhạc này.

- Mẹ cháu... Vừa trở về? Ông Thanh hỏi, môi run run.

- Bao năm nay mẹ vẫn ở với cháu nơi đầu dốc Mimosa.

Cô bé vừa trả lời vừa nhìn ông Thanh như chế giễu sự chậm hiểu của ông. Trên khuôn mặt trẻ thơ đó là đôi mắt của ông, giống ông hơn tất cả những đứa con ông đã có.

Sững sờ, ông Thanh ngồi lặng trên ghế.

Cô bé ngồi cạnh ông.

Hình như tiếng nói đã trở thành vô nghĩa, lúc này.

Cũng như mọi năm, bữa tiệc dứt lúc trăng lên đầu ngọn cau cuối vườn. Nhưng lần này người ta không nghe tiếng cười nói xôn xao trên đường tiễn khách ra bến đò để qua sông về thành phố. Cả đoàn người lặng im theo ông Thanh và cô gái, như trong một đám rước kỳ dị, bởi ai cũng linh cảm thấy điều bí ẩn nào đó đang đè nặng tâm hồn mình.

Thuyền đến. Cô gái quay đi. Chợt ông Thanh giữ lấy cô bé:

- Con!

Cô bé quay lại, mắt lóng lánh nước:

- Ba!...

Hai cha con ôm nhau. Mọi người đứng quanh cúi đầu như trước một cuộc hành lễ. Điều bí ẩn đã rõ. Cuối cùng, ông Thanh đã thừa nhận bản thân mình - một thứ mà ông đã chối bỏ từ lâu.

"Ở lại với ba đi con. Ba chưa làm gì cho con cả. Ba không còn gì cả, nhưng ba vẫn còn sống, ba sẽ làm mọi điều ba có thể, vì con...". Ông Thanh nói dồn dập. Rất nhiều năm rồi, ông mới nghe tim mình đập như thế. "Không, con không đến để đòi nợ ba đâu. Con đến để nhìn lại cội nguồn của mình. Và cũng làm đúng ý nguyện của mẹ con, gửi cho ba món quà sinh nhật". Bên kia bờ, trong bóng đêm sâu thẳm là những ngọn đèn của phố Bao Vinh lung linh trên nước. Giữa sông, trên con thuyền chông chênh dưới trăng, ông Thanh nhìn thấy con gái mình, rạng rỡ, sáng láng: một món quà sinh nhật tuyệt vời.

Ông khóc, im lặng. Nó đã đến, và đã đi. Con của ông. Một đứa trẻ cô đơn, nhưng không hề buồn thảm. Ông không còn gì cho nó, ngoài những lời nguyện cầu. Cầu cho nó cứ mãi đi trên đời như thế, cầu nước sâu cạn dưới chân nó, gió dữ tan trên đầu nó. Cầu Thượng đế hãy phù hộ cho nó, như vẫn phù hộ cho những đứa con sinh ra từ tình yêu.

Trở về nhà, không ai, kể cả vợ con ông Thanh, dám hỏi han gì ông, vì thấy ông trong trạng thái đang đi giữa mây mù. Lúc bấy giờ ông không nghĩ tới ai cả, không nhớ điều gì cả, ông đã thanh thỏa với cuộc đời ở đây. Bấy giờ trong tâm trí ông chỉ có hình ảnh một túp nhà ở nơi rất xa, ẩn náu sau khóm Mimosa hoa vàng. Nơi đó có một người đàn bà lặng lẽ sống, cưu mang và hoài niệm. Sự im lặng ấy phải chăng là chịu đựng hy sinh, hay cũng là một trò chơi ngông cuồng của nàng?

Ông phải gặp nàng, phải hỏi nàng điều đó, và nàng phải trả lời ông, với nụ cười bí ẩn lặn sâu trong mắt. Ngay trong đêm, ông thu dọn chiếc vali nhỏ. Ông sẽ đi, ngay ngày mai. Đã mười tám năm, nhưng ông cứ tin rằng nàng vẫn thế, ngôi nhà ấy vẫn thế, nho nhỏ, ngậm ngùi dưới những cơn mưa mù sương. Đó vốn là nơi trở về của ông. Đã đến lúc ông phải quay về. Ông còn phải sống, sống rất dài lâu, vì ông chưa hết nợ với thế gian này.

Sáng hôm sau, lúc mở cửa phòng, người ta thấy ông nằm, mắt mở. Tim ông đã ngừng đập vào lúc còn say sưa nghĩ đến chuyến đi. Có lẽ vào giây phút ấy, bên tai ông vẫn vang lên những nốt nhạc lãng đãng, dịu dàng đến mê người, những ảo thanh của một cơn mưa không dứt.

Truyện ngắn của Trần Thùy Mai

;
.
.
.
.
.