.

Đón đầu cơ hội phát triển

.

Bắt đầu từ Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã đặt nền móng cho mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị trung tâm, có tính động lực để kéo đoàn tàu miền Trung - Tây Nguyên tăng tốc...

Từ bệ phóng Đà Nẵng

Ảnh : Ông Văn Sinh
Chỉ trong vòng 11 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, qua chỉnh trang và thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội lớn, thành phố Đà Nẵng đã thay đổi toàn bộ diện mạo từ lượng đến chất; cả về kinh tế và văn hóa. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả, thành phố Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Và chính sự đồng thuận đó đã trở thành nguồn lực to lớn ủng hộ, cổ vũ sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng làm bệ phóng để tăng tốc và cất cánh.

Từ kết quả của Đà Nẵng, các địa phương miền Trung có thêm một bài học thực tế sinh động. Từ đó, Chính phủ đã cho phép từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định hình thành 5 khu kinh tế, công nghiệp tựa vào nhau để cùng phát triển. Tại Đà Nẵng, kinh tế biển đã được nhắm đến, khơi thông khi hai con đường Nguyễn Tất Thành và Sơn Trà - Điện Ngọc được xây dựng, đẹp không khác gì tranh vẽ là động thái từ bỏ tâm lý đứng mãi trước biển của người Đà Nẵng.

Nhìn về Đà Nẵng, các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đồng loạt mở cửa đón gió từ biển. Bờ biển miền Trung bây giờ nhộn nhịp các công trình xây dựng khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp với số vốn đầu tư hàng trăm triệu đô-la như Mỹ Cảnh, Lăng Cô, Furama, Vegas, Non Nước, The Nam Hải… Các khu du lịch đang mọc lên dày đặc, mang lại hàng chục nghìn việc làm cho người lao động và đóng góp khá lớn cho ngân sách địa phương. Bình quân hằng năm các tỉnh miền Trung đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế đầu ngành, hầu hết du khách, nhà đầu tư tìm đến miền Trung là nhờ sức thu hút của biển. Làn sóng đầu tư thứ 3 đã dành cho miền Trung sau các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, đang góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của đất nước.

Định vị cho miền Trung

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (Chuyên gia cao cấp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vận hội và thách thức đối với kinh tế miền Trung là nơi biển lớn. Kinh tế miền Trung vươn lên không chỉ xuất phát từ tiềm lực bản thân như nguồn lao động, đất đai, rừng và biển, mà phải vươn tầm nhìn ra biển lớn với vai trò là cửa ngõ và là cầu nối cho vùng Đông Bắc Á với tiểu vùng sông Mê Kông. Miền Trung cần làm cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Những biến cố chính trị của Thái Lan vào cuối năm 2008 đã làm cho cảng hàng không Tân Sơn Nhất - Việt Nam vô cùng “có giá” trong con mắt các nhà đầu tư. Nhiều nhà kinh tế đã nhìn đến viễn cảnh về một cầu cảng hàng không trung chuyển Tân Sơn Nhất trên bản đồ vận tải hàng không quốc tế. Trở lại với miền Trung, vịnh Malacca (Malaysia) đang ngày càng đông đúc, cảng Bangkok (Thái Lan) nêm cứng các tàu thuyền hàng hải.

Trong khi đó, luồng hàng hóa vận tải biển từ khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) nếu vận chuyển theo hành trình trên sẽ kéo dài thêm 1 ngày và 1 đêm so với việc cập cảng vào miền Trung. Trong thế kỷ 21, vùng Đông Bắc Á sẽ trở thành trung tâm tăng trưởng của thế giới thì việc miền Trung trở thành mắt xích nối Đông Bắc Á - Đông Nam Á là cơ hội mới, vận hội mới cho dải đất này.

Với tầm nhìn trên, thành phố Đà Nẵng đã có sự chủ động đón đầu những cơ hội trong đầu tư, hoạch định các chính sách phát triển. Cùng với sự kiên trì đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị, thành phố Đà Nẵng đã đề xuất với Chính phủ trong việc phát triển kinh tế cảng biển. Dự án nâng cấp Cảng Đà Nẵng giai đoạn 2 và đầu tư cảng biển Liên Chiểu được Chính phủ ghi vào danh sách các dự án kêu gọi vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA.

Cùng với việc phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện xúc tiến đầu tư trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, mới đây UBND thành phố Đà Nẵng chính thức đề nghị Trung ương đầu tư xây dựng tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây mạch 2 qua cửa khẩu Đắc Ốc (Quảng Nam) là một trong những nỗ lực khác để đưa thành phố Đà Nẵng và miền Trung thực sự vươn ra biển lớn.

 

“Các tỉnh miền Trung cần đề nghị phân cấp, tự chịu trách nhiệm cao hơn so với hiện nay để không thụ động, trông chờ vào sự mẫn cán của các Bộ, Cục ở cấp Trung ương phát hiện và giải quyết các vấn đề đặc thù của địa phương mình. Nhận trách nhiệm phải dựa trên tri thức, hiểu biết, trí tuệ.

Không nên suy nghĩ theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần có chủ động trong đầu tư phát triển, quảng bá hình ảnh mới mẻ của mình về những lợi ích to lớn mà miền Trung đem lại giữa DN trong nước với nước ngoài, giữa chính quyền các tỉnh với các quốc gia trong điều kiện có thể”

(Tiến sĩ Lê Đăng Doanh)

 

TRIỆU NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.