.

Động lực và niềm tin

.

Khác với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm của miền Bắc và miền Nam (cả hai thành phố còn là trung tâm của quốc gia); khi nói đến miền Trung, khó có thể khẳng định đâu là thành phố trung tâm khúc ruột của đất nước.


Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang? Hay Thanh Hóa, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phan Thiết, Đà Lạt?

Đã qua rồi những ưu thế chính trị, văn hóa, giáo dục mà triều Nguyễn đã xác lập trên đất Kinh đô; nên Huế không còn giữ vị thế và được tôn trọng như thuở đã từng là trung tâm của cả nước hay của Trung Kỳ! Các đô thị khác như Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang... thì vẫn còn cách Đà Nẵng cả một cung đường, nói gì đến vai trò hạt nhân vùng, miền.

Có thể hình dung các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung đang dàn hàng ngang để tiến ra biển lớn, với ước vọng sóng biển sẽ nâng địa phương mình lên tầm cao mới. Nhưng để vượt biển lớn, người ta thường phải “đi biển có đôi”; vì những chiếc thuyền mành mỏng manh, đơn độc rất khó chế ngự được đại dương mênh mông để hoàn thành sở nguyện.

Từ xưa, Hà Nội đã trở thành trung tâm, động lực phát triển của miền Bắc; vì đó là đầu mối tập hợp sản phẩm các ngành nghề kinh tế ở các tỉnh đồng bằng châu thổ và khu vực trung lưu sông Hồng, nay vẫn tiếp tục.

Sản phẩm của nền kinh tế ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai và sông Mêkông thì lại chảy về đất Sài Gòn-Gia Định, biến vùng đất này thành đầu mối trung tâm, kết nên các thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn rồi thành phố Hồ Chí Minh vững vàng cho đến hiện tại.

Vậy ở miền Trung, sản phẩm các ngành kinh tế tại các địa phương đã chảy về đâu? Dựa vào đâu để phát triển?

Trước kia, Đà Nẵng đã có những tiền đề khá sớm để khẳng định vị thế chiến lược quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, đó là vào năm 1633, người Bồ Đào Nha được chúa Nguyễn cho lập thương điếm ở đây, do Abraham Duijker quản lý.

Trong các thế kỷ XVII-XVIII, Đà Nẵng là “tiền cảng”, nơi trú ngụ của thương thuyền nước ngoài có trọng tải lớn, là trạm dừng chân của tàu thuyền Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam vào Hội An buôn bán. Chúa Nguyễn lập ra sở Tuần ty ở đây để kiểm soát các thủ tục mua bán và thu thuế.

Đến cuối thế kỷ XVIII, Hội An sa sút do sông Cổ Cò và cửa biển Đại Chiêm bị bồi lấp dần, Đà Nẵng trở thành nơi tiếp nhận nguồn hàng nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng đặc sản do chúa Nguyễn độc quyền mua bán với nước ngoài.

Tầm quan trọng của Đà Nẵng được nhấn mạnh khi cửa Hàn trở thành “vật thế chấp” của chúa Nguyễn với Hoàng đế Louis XVI của nước Pháp qua điều 8 và điều 9 trong hiệp ước quân sự mang tên “Tương trợ tấn công và phòng thủ”, thường được gọi là Hiệp ước Versailles, ký tại Paris vào 28-11-1787.

Trong thế kỷ XIX, dưới sự quản lý của triều Nguyễn, Đà Nẵng khẳng định được vị thế quan trọng của mình không chỉ đối với miền Trung mà còn với cả vương quốc trên rất nhiều phương diện.

Về quân sự, ý thức Đà Nẵng là yết hầu của kinh đô Huế, từ năm 1802 vua Gia Long đã cho xây dựng “cửa Tấn” Đà Nẵng, đặt “Thủ sở” ở cửa biển để phòng giữ. Các công trình quân sự quy mô lớn liên tiếp ra đời như đài Điện Hải, đài An Hải ở hai bên cửa sông Hàn; pháo đài Định Hải ở chân núi Hải Vân; pháo đài Phòng Hải ở bán đảo Mỏ Diều; Trấn Dương thất bảo ở ven biển.

Từ năm 1858, khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược, triều Nguyễn còn xây dựng Đại đồn ở xã Nghị Xuân (sau dời huyện lỵ Hòa Vang về đấy), Nha Hải Phòng ở xã Nam Dương...

Về ngoại giao, triều Nguyễn chủ trương mở cửa hạn chế để kiểm soát chặt chẽ sự thâm nhập của phương Tây, nên buộc tàu thuyền nước ngoài đến quan hệ phải thông qua cửa biển Đà Nẵng. Đà Nẵng thành trung tâm hoạt động ngoại giao chủ yếu của đất nước ở thế kỷ XIX.

Theo quy định, phái bộ nước ngoài phải qua “cửa Tấn” Đà Nẵng để dùng đường bộ ra Kinh đô Huế xin ý kiến Ty Thương bạc phụ trách về ngoại giao. Nhưng thực tế, phần lớn đều do quan Tấn sở Đà Nẵng kết hợp với quan tỉnh Quảng Nam đón tiếp, thông báo về Kinh rồi trực tiếp giải quyết yêu cầu của các phái bộ nước ngoài ngay tại Đà Nẵng theo chỉ thị của triều đình.

Về kinh tế, ngoài các ngành nghề truyền thống như chài lưới, làm muối, nung vôi hàu, khai thác đá, làm ruộng; thương mại là ngành kinh tế nổi bật của Đà Nẵng dưới thời Nguyễn. Hoạt động nội thương ở Đà Nẵng khá nhộn nhịp, tập trung tại chợ Hàn, chợ Mới, chợ Hải Châu, chợ Hà Thân.

Đà Nẵng còn là nơi xuất phát các ghe thuyền chở hàng ra Huế và nhiều tỉnh lân cận, là nơi kiểm kê hàng hóa trên các thuyền buôn của triều đình, đồng thời có cả kho chứa thóc dự trữ của Nhà nước để phân phối cho các địa phương khi hữu sự.

Trong hoạt động ngoại thương, triều Nguyễn chọn Đà Nẵng làm cửa ngõ của miền Trung cũng như cả nước; quy định tàu thuyền nước ngoài chỉ được cập bến để mua bán hoặc giao thiệp tại Cửa Hàn, không được tới các cửa biển khác neo đậu. Vì thế, tàu thuyền các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Bồ Đào Nha từng nhiều lần đến Đà Nẵng thực hiện việc mua bán hàng hóa, sản vật.

Thuyền của triều đình Huế cũng nhiều lần từ cảng Đà Nẵng đi Hạ Châu, Nam Dương, Đại Tây Dương, Tân Gia Ba, Trung Quốc... để mua bán.

Những quy định của nhà Nguyễn xuất phát từ ý định giám sát chặt chẽ các hoạt động của người Tây Dương để ngăn ngừa sự nguy hại đến an ninh quốc gia, đồng thời kiểm soát được nguồn hàng nội địa bán ra bên ngoài và chủng loại hàng hóa nhập vào thị trường tiêu thụ trong nước.

Vô hình trung Đà Nẵng được Nhà nước phong kiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tốt nhất trong hệ thống các cửa biển của Việt Nam thời Nguyễn, nhưng cũng đồng thời phản ánh sức mạnh tiềm tàng của nền kinh tế phi nông nghiệp ở đây. Đà Nẵng thành trung tâm thu hút hàng hóa, sản vật từ nhiều địa phương. Sự manh nha về vai trò động lực phát triển vùng miền của Đà Nẵng bắt đầu.

Với những tiền đề được xác lập, rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà cả liên quân Pháp-Tây Ban Nha (1858) và lính thủy đánh bộ Mỹ (1965) đều chọn Đà Nẵng làm điểm đổ bộ khởi đầu khi thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam; và việc thiết lập thành phố hiện đại đầu tiên ở Trung Kỳ của người Pháp thời thuộc địa cũng bắt đầu từ Đà Nẵng (1889).

Suốt thời thuộc địa, tiếp đến là trải qua hai cuộc chiến tranh (1945-1975), rồi ngót 20 năm là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (1975-1996), Đà Nẵng ngày càng khẳng định sự tồn tại với tư cách là một đô thị lớn, là động lực thúc đẩy sự phát triển vùng miền, trở thành một trong những trung tâm thương mại và cảng biển, đường sắt, đường bộ, sân bay quan trọng của cả nước.

Đó chính là một trong những cơ sở quan trọng để vào 6-11-1996 Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương từ 1-1-1997; và công nhận là đô thị loại 1 vào 15-7-2003.

Nhằm định hướng cho Đà Nẵng phát huy hơn nữa vai trò động lực phát triển của miền Trung, ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 33/NQ-TW, mong muốn đến năm 2020 Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ.

Đà Nẵng còn phải là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.

Nghị quyết 33/NQ-TW là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, cho phép Đà Nẵng bước sang giai đoạn phát triển mới với quy mô lớn và tốc độ nhanh hơn trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước.

Từ đó đến 2007, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong quá trình thực hiện; tốc độ tăng giá trị tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt mức bình quân 12,28% mỗi năm; cơ cấu kinh tế đang là công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp và được dịch chuyển theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp vào năm 2010.

Năm 2008, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có biến động mạnh, song bằng nhiều giải pháp tích cực, ngoài các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp, Đà Nẵng còn huy động vốn từ nhiều nguồn để thành lập “Quỹ đầu tư” hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn lãi suất thấp hoặc không lãi, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư...

Nhờ vậy, Đà Nẵng vẫn vượt qua “cơn bão giá” để ổn định kinh tế-xã hội và tiếp tục phát triển, GDP đạt tốc độ tăng trưởng 11%; giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng 17,6%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 905 triệu USD, tăng 19,5%; tổng vốn đầu tư phát triển hơn 13.219 tỷ đồng, tăng 18,9%; thu ngân sách gần 8.032 tỷ đồng, đạt 119,5%, tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 7.024 tỷ đồng, đạt 127,9%...

Quá trình phát triển liên tục theo một đồ thị đi lên qua nhiều thế kỷ thể hiện thế đứng vững chắc và ảnh hưởng lan tỏa của thành phố Đà Nẵng trên bản đồ khu vực, biến Đà Nẵng trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của miền Trung-Tây Nguyên.

Ngày 12-8-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1085/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đà Nẵng là điểm nhấn quan trọng, là mắt xích chủ đạo với vai trò đô thị trung tâm của vùng Trung Trung Bộ - đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, chế biến của vùng Mêkông lớn và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ra biển lớn nên đi tàu lớn. Miền Trung không thể phát triển bằng những chiếc thuyền mành đơn lẻ, mà phải có sự kết nối giữa những con thuyền với một con thuyền chủ. Đó là thực tế mà các doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố miền Trung cũng như Trung ương đều thấm thía.

Bằng thực tiễn của gần 4 thế kỷ hình thành, phát triển của vùng đất; bằng sự nỗ lực không ngừng của bản thân và sự hợp tác của các địa phương trong vùng dưới sự dẫn dắt của Trung ương; tin chắc rằng Đà Nẵng giữ được vai trò chủ đạo của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là động lực thực sự của miền Trung-Tây Nguyên trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, là đầu tàu tốt đưa miền Trung sớm sánh vai với các trung tâm lớn của hai đầu đất nước!

Nguyễn Quang Trung Tiến

;
.
.
.
.
.